Trước và nay

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi qua quá nửa đời người, nên những câu chuyện mẹ nói với chúng tôi hàng ngày rất hay kèm trong đó những so sánh trước và nay.

Độ này, vợ chồng tôi chuẩn bị cho cu con đi nhà trẻ, bà thương và lo lắng cho cháu, nhưng vẫn hiển hiện một sự phấn khởi khi con cháu mình đã… "biết đi học". Rảnh rang ngồi uống trà sau bữa cơm tối, mẹ nhẩn nha kể với tôi: "Hồi xưa mẹ sinh con được 2 tháng đã phải gửi con ở nhà trẻ để đi làm. Con khóc sủi bong bóng mũi, khản cả tiếng. Nhưng thời ấy nhà nào cũng thế, ai cũng vậy nên cũng là bình thường.
Ngẫm ra thế mới thấy giờ cháu mình đi nhà trẻ đầy đủ và sung sướng gấp vạn lần, con ạ!".

Hồi xưa mà mẹ tôi nói cách đây chừng 3 chục năm. Mẹ sinh con 2 tháng đã trở lại cơ quan làm việc, giờ nghỉ trưa tất tả về nhà trẻ, cho con bú rồi lại tất tả đến cơ quan. Mười người như một, nếu không có ông bà trông con giúp thì đều gửi con trong lớp học mái ngói cùng tã và nước cháo để cô giáo thay mẹ chăm con. Giờ thì khác, trường mầm non là những lớp học đề huề với đồ dùng học tập, góc vui chơi, với đầy đủ cô nấu ăn và cô chăm sóc…

Ngoài bữa ăn chính còn có những bữa ăn phụ đi kèm, ngoài quạt trần thoáng mát còn có thêm hệ thống điều hòa không khí, ngoài hệ thống trường công còn có thêm những ngôi trường tư thục tiện nghi, trông trẻ đến tận 7 - 8 giờ tối nếu bố mẹ yêu cầu… Trẻ đi lớp ít cũng 18 tháng tuổi, sớm lắm thì cũng ở độ tròn năm, lẫm chẫm biết đi. Mẹ gửi con đến lớp không còn phải lỉnh kỉnh khăn tã và đồ ăn, mà yên tâm làm cho đến tận tan ca buổi chiều.

Mẹ tôi nói đúng, ngẫm ra mới thấy bọn trẻ đi học giờ đầy đủ và sung sướng gấp vạn lần. Sâu xa hơn sẽ thấy, cuộc sống của người Hà Nội trước và nay tiện nghi lên nhiều quá! Đấy là những bước tiến mà chỉ cần ngoảnh lại người ta sẽ nhận ngay ở mảnh đất nghìn năm tuổi này. Đấy là những nét đẹp đáng kể để người Hà Nội tự hào, gìn giữ và tiếp tục phấn đấu trong hành trình xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội. Đấy cũng chính là những nét đẹp để người ta định hình suy nghĩ trong rối bời, những chê trách hướng về phía trường lớp, về chuyện dạy và học đang hiện hữu.