Trưởng ban Nội chính T.Ư nêu 7 bài học kinh nghiệm trong phòng, chống tham nhũng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 30/6, tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã chỉ ra 7 bài học kinh nghiệm quan trọng, tạo nên những bước đột phá trong phòng, chống nhũng, tiêu cực.

Trình bày báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho biết: Hội nghị Trung ương 5, khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2/2013) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022
Quang cảnh Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương chỉ rõ, từ thực tiễn công tác PCTN, tiêu cực thời gian qua có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Một là, đấu tranh PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ hệ trọng, khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải đặt dưới dự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; với quyết tâm chính trị rất cao, hành động kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; không có vùng cấm, không có ngoại lệ; nhất là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chi đạo và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu và lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

“Sự gương mẫu, quyết liệt "nói đi đôi với làm" và "làm đi đôi với nói" của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trước hết là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo là chỗ dựa vững chắc, là đảm bảo về mặt chính trị và tạo động lực to lớn, và do đó là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”- Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định. 

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc báo cáo kết quả 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 tại hội nghị
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc báo cáo kết quả 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 tại hội nghị

Hai là, thực tế thời gian qua cho thấy, đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài đều có bóng dáng cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu. Do đó phải đặc biệt chú trọng công tác cán bộ; gắn PCTN, tiêu cực với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý và phải tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Ba là, phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Phải xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”; cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng, tiêu cực”; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn tham nhũng, tiêu cực”; cơ chế đảm bảo để “không cần tham nhũng, tiêu cực”.  Kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự; kỷ luật Đảng phải thực hiện trước; lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính, kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Bốn là, quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, tham nhũng, tiêu cực là một tỏng những “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; do đó, phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực. Cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng tu dưỡng, “tự soi”, “tự sửa”. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức.

“Các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, bí mật, càng phải chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm tra, giám sát từ bên ngoài”- Trưởng ban Nội chính Trung ương nói.

Năm là, chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hơp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan chức năng PCTN, tiêu cực; bảo đảm sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan này.

Sáu là, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là phải phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử; MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, Nhân dân và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong PCTN, tiêu cực.

Bảy là, các giải pháp phải phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, các nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. PCTN, tiêu cực cả ở khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài, kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần