Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy: Kiểm soát chặt quyền lực trong công tác cán bộ

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để Hà Nội có sự phát triển mạnh xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô, đề xuất T.Ư cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù về tuyển dụng cán bộ. Đây là vấn đề được Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo trong tham luận tại hội nghị.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo tham luận tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo tham luận tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành.

Ngày 22/6, tại trụ sở Thành uỷ Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15- NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo tham luận nội dung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết: Đảng bộ Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước, với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, hơn 46,6 vạn đảng viên, chiếm khoảng 9% đảng viên của cả nước, sinh hoạt tại 17.379 chi bộ thuộc 2.308 tổ chức cơ sở đảng.

Qua 92 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Hà Nội luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm, vị trí, vai trò của Đảng bộ Thủ đô, ý nghĩa, tầm quan trọng của các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội (Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) “về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010”, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020”), Đảng bộ Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; qua đó, thế và lực của Thủ đô tiếp tục được nâng lên, phát huy tốt vai trò, vị trí của Thủ đô, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng bộ và chính quyền Thủ đô. Có thể khẳng định, các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội đã thực sự đi vào cuộc sống, mở ra các giai đoạn phát triển mới và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy Thủ đô phát triển.

Đối với Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị lần này tiếp tục định hướng sự phát triển Thủ đô với tầm nhìn chiến lược xa hơn và các giải pháp có tính đột phá mạnh hơn trong phát triển Thủ đô Hà Nội, theo đó tiếp tục xác định và nhấn mạnh quan điểm, mục tiêu: “Đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội thực sự gương mẫu, đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện, tiêu biểu; xây dựng đội ngũ cán bộ Hà Nội có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố có ý nghĩa quyết định”.

Từ góc độ Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đề xuất quyết liệt, kiên trì thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, liên thông, hiệu lực, hiệu quả, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Viết Thành
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Trước hết, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Đặc biệt là tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các đề án, kế hoạch củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Đây là kinh nghiệm Đảng bộ Hà Nội đã rút ra qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và cho thấy hiệu quả rất rõ rệt, cần tiếp tục thực hiện thời gian tới.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng. Đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ; tiếp tục thực hiện nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nâng cao chất lượng công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên. Nghiên cứu triển khai mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt”.

Nghiên cứu, ban hành Nghị quyết công tác phát triển đảng viên; chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên mới; tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đảng viên đáp ứng yêu cầu thì có thể coi đây là nhiệm vụ rất căn cơ, duy trì sự phát triển bền vững và chất lượng thực chất của tổ chức đảng hiện nay.

Thứ ba, tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ; tập trung sửa đổi, hoàn thiện quy định tiêu chuẩn các chức danh cán bộ đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu. Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ, không để lọt những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ, đồng thời không để sót những người có đức, có tài.

Đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu xây dựng chương trình và lựa chọn cán bộ cử đi đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, kiến thức chuyên sâu ở trong và ngoài nước, tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, thành phố thông minh.

Xây dựng, củng cố cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng có bản lĩnh chính trị, trung thành, sáng tạo, gương mẫu. Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng nắm và xử lý kịp thời vấn đề chính trị hiện nay.

Triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII) và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Thành ủy về “Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và các năm tiếp theo”; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô, có tính kế thừa và phát triển, có số lượng và cơ cấu hợp lý, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế gắn với vị trí việc làm, chức danh lãnh đạo.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế, tôn vinh những người có công, bố trí, sử dụng đúng những người có năng lực, hết lòng vì dân, vì nước. Nghiên cứu có chế độ, chính sách tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, rèn luyện, toàn tâm, toàn ý vì công việc.

Thực hiện tốt cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị. Đây là động lực bảo vệ và khuyến khích cán bộ tốt trong tình hình mới.  

Thứ tư, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, liên thông, hiệu lực, hiệu quả. Triển khai nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 14/4/2022 thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị các cấp, bảo đảm tinh gọn, liên thông, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ.

Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đi đôi với chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và cơ chế, chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước, nhất là ở cấp cơ sở; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, cá thể hoá trách nhiệm cá nhân…

Để Hà Nội có sự phát triển mạnh xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đề xuất Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hộị, Chính phủ cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù về tuyển dụng cán bộ, trước mắt là sửa Luật Thủ đô với những cơ chế, chính sách đặc thù về cán bộ.