Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh 7 chương trình đào tạo mới

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2019, trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 6.670 chỉ tiêu. Thí sinh phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp xét tuyển từ 20,0 điểm trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển.

Nhà trường xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2019, phạm vi toàn quốc.
Năm nay, trường mở 7 chương trình đào tạo mới và bắt đầu tuyển sinh. Trong đó, có 5 chương trình tiên tiến: Hệ thống nhúng thông mình và IoT, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật hóa dược, Kỹ thuật thực phẩm, Phân tích kinh doanh.
Giờ học của sinh viên ngành Công nghệ thông tin trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hust
Cùng với đó là ngành Công nghệ giáo dục và chương trình đào tạo quốc tế Cơ điện tử được nhà trường hợp tác với ĐH Leibniz - Hannover CHLB Đức sẽ được tuyển sinh từ năm 2019.

Các chương trình tiên tiến được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh từ năm thứ 2.

Để đăng đăng ký xét tuyển vào các ngành/chương trình của trường, thí sinh phải có đủ điều kiện. Thứ nhất, thí sinh đáp ứng các điều kiện được tham gia tuyển sinh ĐH theo quy định tại Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Thứ hai, tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20,0 điểm trở lên. Điều kiện này không áp dụng cho thí sinh thuộc diện tuyển thẳng.
Thí sinh đã tốt nghiệp cao đẳng hệ chính quy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội và thí sinh đăng ký xét tuyển vào hai chương trình đào tạo quốc tế do nước ngoài cấp bằng: TROY-BA và TROY-IT.
Tổng điểm thi của tổ hợp môn xét tuyển trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 đạt ngưỡng xét tuyển của trường. Nhà trường sẽ thông báo mức điểm nhận hồ sơ đăng ký dự thi đối với từng ngành/chương trình đào tạo sau khi có kết quả thi THPT quốc gia 2019.
Mùa tuyển sinh này, nhà trường tiếp tục thực hiện các chính sách xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển cho một số trường hợp. Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc đoạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia các môn Toán, Lý, Hóa, Tin học, Sinh học, Anh văn và đã tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng theo nguyện vọng vào một ngành đào tạo phù hợp với môn đoạt giải.
Thí sinh đoạt giải chính thức trong cuộc thi KHKT cấp quốc gia hoặc quốc tế được xét tuyển thẳng vào một ngành do Hội đồng tuyển sinh quyết định, căn cứ nội dung đề tài dự thi đã đoạt giải.
Chỉ tiêu tuyển thẳng vào một ngành không vượt quá 20% chỉ tiêu dự kiến của ngành đó.
Ngoài ra, nhà trường xét tuyển thẳng cho các thí sinh thuộc diện được tuyển thẳng khác theo quy định của Bộ GD&ĐT (Anh hùng Lao động, thí sinh bị khuyết tật nặng…).
Trường hợp thí sinh không sử dụng quyền được tuyển thẳng sẽ được cộng điểm ưu tiên vào tổng điểm xét tuyển (thang điểm 30) để xét tuyển theo mã ngành/chương trình đăng ký có tổ hợp xét tuyển chứa môn thi đạt giải (hoặc môn thi đạt giải phù hợp với ngành học) theo các mức điểm cụ thể:
Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc đoạt giải nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia được cộng 3 điểm; thí sinh đoạt giải nhì trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT quốc gia được cộng 2 điểm, các thí sinh đoạt giải khác được cộng 1 điểm.
Đối với các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS, có chứng chỉ A-Level và chứng chỉ SAT được cộng điểm ưu tiên xét tuyển.