Theo thông tin từ Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, trong mùa tuyển sinh năm 2024, ngoài 27 mã ngành như năm trước, trường dự kiến mở thêm mã ngành thứ 28 là Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng.
Với ngành này, trường dự kiến tuyển 50 sinh viên theo quy chế tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội với 5 phương thức như năm 2023, gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét tuyển thẳng theo quy định đặc thù của ĐH Quốc gia Hà Nội, xét kết quả thi đánh giá năng lực của hai ĐH Quốc gia, xét chứng chỉ quốc tế và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024.
Một trường có thế mạnh đào tạo các ngành khoa học xã hội, nhân văn, nay lại mở ngành học liên quan đến lĩnh vực điện ảnh có phù hợp không; mặt khác ngành học “Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng” sẽ đào tạo theo hướng nào là điều nhiều người thắc mắc.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Thành Nam, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trường mở ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và đón đầu xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Trường không hướng tới đào tạo diễn xuất mà chú ý về kịch bản, phê bình điện ảnh một cách bài bản. Thời gian tới, nhà trường sẽ truyền thông rõ ràng hơn tới học sinh qua các buổi tư vấn tuyển sinh.
Bên cạnh Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, việc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mở ngành công nghệ - vốn không phải thế mạnh của trường cũng khiến nhiều phụ huynh, học sinh đặt câu hỏi.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định trường đã có sự chuẩn bị từ sớm và có chiến lược cho việc đa dạng hóa, mở rộng ngành đào tạo. Trước đây, kinh tế, quản lý, quản trị vốn là 3 trụ cột chính trong đào tạo của nhà trường. Nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, trường đã có một số ngành thuộc về công nghệ hay khoa học xã hội như: Luật, Ngôn ngữ Anh, Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin…, để đáp ứng nhu cầu xã hội và phù hợp với sự phát triển trong thời đại công nghệ số.
Năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 4 ngành mới thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, gồm: Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin; quy mô tuyển sinh dự kiến khoảng 50 -100 chỉ tiêu mỗi ngành; trường đào tạo cả bậc cử nhân và kỹ sư.
Để chuẩn bị tốt điều kiện mở ngành, nhà trường đã tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất cùng các yêu cầu khác. Nhà trường cũng lưu ý, những ngành liên quan đến công nghệ mà trường sắp mở sẽ có sự khác biệt trong định hướng ứng dụng, tập trung vào lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh.
Một ngành học không quá mới mẻ nhưng lại gây nên hiện tượng trong mùa tuyển sinh năm 2024 là ngành vi mạch – bán dẫn, khi có hàng loạt trường dự kiến mở. Một trong số đó có Trường ĐH Phenikaa khi trong thông tin công bố, trường sẽ tuyển sinh ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (Thiết kế vi mạch – bán dẫn) với 50 chỉ tiêu ở các tổ hợp A00, A01, C01, D07.
Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa, sở dĩ trường mở ngành này vì thiết kế vi mạch bán dẫn đang thực sự rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nay, định hướng thiết kế vi mạch bán dẫn nằm trong ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông của nhà trường. Sinh viên sẽ được học chương trình đào tạo kỹ sư (bậc 7 trong khung đào tạo quốc gia) trong vòng 4,5 năm.
Khi học ngành Kỹ thuật Điện tử Viễn thông định hướng thiết kế vi mạch bán dẫn, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức cơ sở cốt lõi và chuyên sâu cũng như các công nghệ mới nhất trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn; được sử dụng các phần mềm thiết kế chuyên nghiệp, có bản quyền. Hiện trường đã sẵn sàng cho công tác đào tạo.
“Học ngành này, sinh viên tốt nghiệp có khả năng phát triển các cấu trúc hệ thống, sản phẩm Điện tử - Viễn thông; làm chủ công nghệ thiết kế vi mạch (chip) số và tương tự; có kỹ năng thiết kế, đo và kiểm chuẩn vi mạch bán dẫn.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có cơ hội làm việc tại các công ty, tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, Điện tử - Viễn thông; các công ty khởi nghiệp, tư vấn và chuyển giao công nghệ liên quan tới thiết kế vi mạch, Điện tử - Viễn thông; các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học...”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho biết.