Trường đại học tự quyết mức thu học phí: Làm gì để xã hội đồng thuận?

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Các trường ĐH phải có trách nhiệm công khai mức học phí để người học có quyền lựa chọn và giám sát chất lượng đào tạo.

Hiện nay, một số nước, trong đó có Việt Nam không thể đầu tư 100% kinh phí cho giáo dục từ nguồn ngân sách Nhà nước mà cần phải có sự phối hợp đầu tư từ nguồn lực xã hội. Để giảm chi ngân sách Nhà nước và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục ĐH công lập.
Tuy nhiên, khi thực hiện tự chủ ĐH, các trường không chỉ đối diện với phản ứng của sinh viên về việc tăng học phí mà họ cũng phải nghĩ đến việc có kinh phí để đảm bảo cho sinh viên nghèo, con gia đình chính sách được học tập.
Khi được tự chủ tài chính, các trường đại học có thể tự quyết mức thu học phí. Ảnh minh họa
Từ mô hình của một số trường ĐH đang thực hiện tự chủ, các trường ĐH khác có thể tham khảo, đưa ra những giải pháp tháo gỡ những bế tắc trên để phát triển hoạt động đào tạo, bảo đảm quyền lợi của sinh viên.
Cần có chính sách tín dụng cho sinh viên
Năm 2006, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội được Bộ Công thương giao quyền tự chủ một phần về tài chính để nâng cao tính chủ động, sáng tạo và chất lượng giáo dục.
Nguồn thu chủ yếu của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chủ yếu là từ học phí (chiếm đến 78%). Chính từ việc được tự chủ về tài chính, nguồn ngân sách của Nhà nước cấp hàng năm cho nhà trường đang giảm về mức dưới 5%.
Toàn bộ nguồn thu được, nhà trường khai thác một cách hiệu quả để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Điều đặc biệt là ĐH Công nghiệp Hà Nội có được sự phối hợp tốt với các doanh nghiệp trong việc quan tâm tạo việc làm, cấp học bổng khuyến học cho hàng nghìn sinh viên.
PGS.TS Trần Đức Quý, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng, để phát huy cơ chế tự chủ trong các đơn vị giáo dục ĐH công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ theo nguyên tắc: Đơn vị nào tự chủ cao về nguồn tài chính thì được tự chủ cao về quản lý, sử dụng các kết quả tài chính, tự chủ cao về thực hiện nhiệm vụ, về tổ chức bộ máy, nhân sự và ngược lại.
Để phát huy được những tích cực do chính sách mới này mang lại, trong thời gian tới, Nhà nước cần trao nhiều quyền tự chủ về mức thu cho các trường ĐH công lập, đặc biệt là mức thu về học phí, lệ phí.
Các cơ sở giáo dục ĐH công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương, chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí theo nguyên tắc thu đủ bù chi. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cần có chính sách tín dụng cho sinh viên, hỗ trợ đối với sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số và ở vùng sâu, vùng xa... Điều này cũng là tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đều có thể tiếp cận giáo dục ĐH.
Theo PGS.TS Trần Đức Quý, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập cần thực hiện đồng bộ với giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên các lĩnh vực khác như tổ chức cán bộ, thực hiện nhiệm vụ đào tạo.
Công khai mức thu học phí ở các loại hình đào tạo
ĐH Kinh tế TP HCM là một trong những trường được giao tự chủ tài chính từ năm 2014. Quan điểm của ban lãnh đạo nhà trường là khi được tự chủ thì các trường ĐH có thể thu học phí cao hơn trước nhưng phải không ngừng khẳng định thương hiệu, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo.
PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP HCM cho rằng, xã hội hóa giáo dục phải nhằm đạt được những mục tiêu thiết yếu của giáo dục và các trường ĐH không thể lợi dụng xã hội hóa để biến giáo dục thành một ngành kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận. Nhà nước cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các trường ĐH. Còn phía các trường phải chịu trách nhiệm trong việc đáp ứng các tiêu chí chất lượng đào tạo theo quy định và công khai minh bạch, khẳng định được vị thế, thương hiệu.
Để tự chủ trong các trường ĐH được thể hiện đúng thực chất cần giải quyết hài hòa các vấn đề liên quan và đặc biệt là mối quan hệ giữa quyết định chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, mức học phí và cơ chế tạo nguồn thu.
Đối với các trường, học phí của người học được xem là một giải pháp chủ yếu nhằm chia sẻ chi phí giáo dục ĐH. Mức thu học phí cần dựa trên chất lượng của các trường ĐH. Học phí được tính toán trên cơ sở có thể bù đắp đáng kể các chi phí hoạt động và được điều chỉnh theo những biến động của nền kinh tế. Điều này sẽ huy động được nguồn lực tài chính rất lớn cũng như giải được bài toán phát triển giáo dục tương đồng với yêu cầu phát triển kinh tế và thực hiện điều tiết trong toàn xã hội.
Các trường ĐH nên tận dụng lợi thế sẵn có của mình để thực hiện các hoạt động dịch vụ, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học để tăng nguồn thu, gia tăng hoạt động gây quỹ từ cựu sinh viên thành đạt. Điều quan trọng để phát triển nguồn này dựa trên công cụ khá hữu hiệu chính là chính sách thuế.
Ngoài ra, các trường ĐH phải có trách nhiệm công khai mức học phí của các loại hình, chương trình và ngành đào tạo khác nhau để người học có quyền lựa chọn và giám sát phần đóng góp của mình được đầu tư thích đáng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Những chính sách đã ban hành khi giao cho các trường ĐH được tự chủ cần đồng bộ và theo hướng mở rộng hơn nữa việc giao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm; tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa việc đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục ĐH, khuyến khích sự đóng góp của xã hội cho giáo dục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần