Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải góp ý cho Dự Luật Kiến trúc

Tin, ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật Kiến trúc. Tại tổ ĐB Quốc hội Đoàn TP Hà Nội, Trưởng đoàn Hoàng Trung Hải cho rằng, dự thảo có một số mục quy định vừa thừa, vừa thiếu.

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu vấn đề: Về phạm vi điều chỉnh, nên ghi là Luật này quy định về kiến trúc, quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Luật kiến trúc lại đưa phần kiến trúc vào trong quản lý kiến trúc thì không đúng.
“Trong định nghĩa đã nói kiến trúc đô thị là gì, kiến trúc nông thôn là gì… Cho nên, Luật này phải quy định về kiến trúc, về quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc hoặc hoạt động kiến trúc”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.
 Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Hạ.
Về kỹ thuật lập pháp, Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội cho rằng: “Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cần xem xét lại”. Bởi, theo ĐB Hoàng Trung Hải, thường thì về mặt kỹ thuật lập pháp, chỉ cần nói tổ chức, cá nhân là đủ, nếu nói thêm cơ quan lại phải nói đến đơn vị. Mà nói đến đơn vị lại liên quan đến nhiều thứ khác.
Liên quan đến nội dung quản lý kiến trúc trong Điều 6 mục 2 có nêu: “Công trình đã được xếp hạng di tích, di sản… phải theo Luật về di sản văn hóa”, ĐB Quốc hội Hoàng Trung Hải cho rằng, về nguyên tắc kỹ thuật lập pháp thì những Luật khác đã nêu rồi, Luật sau không nhắc lại. “Do đó, điều này cần xem xét lại”, Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Một vấn đề khác được Bí thư Thành ủy Hà Nội góp ý là: “Điều 7 mục C có nói kiến trúc công trình công cộng phải bảo đảm bình đẳng giới có phần hơi khó hiểu”.
Liên quan đến nội dung trong phần tuyển chọn kiến trúc ghi tối thiểu phải có 3 phương án, ĐB Quốc hội Hoàng Trung Hải cho rằng, phải xem lại cho phù hợp với Luật Đấu thầu. Theo ĐB, về nguyên tắc quy định như vậy có thể về sau sẽ vướng. Bởi, những công trình kiến trúc lớn thường có nhiều phương án, nhiều bên tham gia, chi phí lớn. Trong khi, công trình nhỏ không có nhiều bên tham gia, chi phí nhỏ, có thể sẽ không đủ 3 phương án. “Nội dung này đề nghị xem xét lại cho phù hợp thực tiễn”, ĐB Quốc hội Hoàng Trung Hải nói.
Cũng theo Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội: Trong Điều 20, có nói Sở Xây dựng có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề. Trong khi, thông thường Luật chỉ quy định đến cấp Bộ, UBND cấp tỉnh, TP. Mặt khác, hiện nay một số UBND các tỉnh, TP cho sáp nhập các Sở. “Vậy thì Luật này ghi rõ là Sở Xây dựng thì có nên không?, ĐB Quốc hội Hoàng Trung Hải đặt câu hỏi.
Liên quan đến nội dung này, Bí thư Thành ủy Hà Nội góp ý, có thể sửa thành: “UBND các tỉnh, TP giao nhiệm vụ cấp chứng chỉ hành nghề cho cơ quan có chức năng”.
Về nội dung liên quan đến chứng chỉ hành nghề đối với người nước ngoài trong Điều 26 có nêu: Đầu tiên, cần có chứng chỉ ở nước mình, sau đó sang Việt Nam làm các thủ tục chuyển đổi để xin chứng chỉ hành nghề của Việt Nam. Mục B nói rằng, phải cam kết tuân thủ hiến pháp pháp Luật Việt Nam. ĐB Quốc hội Hoàng Trung Hải băn khoăn: “Như vậy tức là phải ký bản cam kết hay thế nào: Nội dung này còn khó hiểu” và cho rằng: “quy định này vừa thừa vừa thiếu. Bởi, theo Luật pháp của Việt Nam, đã vào sinh sống, làm việc, thậm chí du lịch ở Việt Nam là phải tuân thủ tất cả các điều luật, phải biết các điều luật của Việt Nam mà không cần ký cam kết gì hết. Do đó, nội dung về cam kết cần phải xem xét thêm”.
Vấn đề cuối cùng được Trưởng đoàn ĐB Quốc hội Đoàn TP Hà Nội góp ý liên quan đến nội dung quyền tổ chức hành nghề kiến trúc. Trong Điều 29 có nói: “Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin liên quan…”. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, điều này không hợp lý, hơi thừa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần