Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trường học tại Hà Nội: Vừa học, vừa tìm cách ứng phó với dịch

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Sau gần 1 tuần triển khai cho học sinh lớp 7 đến lớp 12 đi học và 3 ngày cho học sinh tiểu học, lớp 6 ngoại thành đến trường, nếp học trực tiếp bước đầu đã ổn định; tuy nhiên, công tác phân loại, xác định, xử lý F1 vẫn chưa thực sự rõ ràng, thống nhất.

Học sinh có cần test nhanh khi đi học?

Để công tác đón học sinh đến trường đảm bảo an toàn, Sở GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn gửi các trường học, trong đó có các nội dung như: Xây dựng phương án, kịch bản đón học sinh; vệ sinh khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường học; bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế; có kế hoạch chuyên môn bài bản; đặc biệt nhấn mạnh cách thức xử lý khi phát hiện F0 trong trường học. Tuy vậy, trong một, hai ngày đầu đi học trở lại, trên các diễn đàn mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều ý kiến của phụ huynh phản ánh tình trạng con vừa đến trường thì thông báo có F0 và cả lớp phải nghỉ học trực tiếp, chuyển qua học trực tuyến.

Học sinh đang từng bước thích ứng với các tình huống phát sinh khi học trực tiếp
Học sinh đang từng bước thích ứng với các tình huống phát sinh khi học trực tiếp

Một phụ huynh có con học lớp 10 thuộc quận Cầu Giấy chia sẻ, sáng 8/2 vừa đưa con đến lớp thì thấy con gọi điện đón về vì lớp có F0; khi đó lớp chưa học được tiết nào, mới chỉ lì xì đầu năm mới. “Tôi nghe nói quy trình xử lý F0, F1 đã khác, không hiểu sao lớp con tôi lại như vậy”- một phụ huynh thắc mắc.

Chưa trọn vẹn trong ngày vui đến trường, vào tiết thứ 3 của ngày đầu tiên đi học trở lại, Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 7 tại một trường THCS trên địa bàn quận Thanh Xuân cũng được gia đình đón về nhà vì lớp báo có F0. Thu Hà kể, em ngồi cách bạn F0 3 bàn, có nói chuyện với bạn 1-2 câu ở khoảng cách trên 2 mét, cả 2 đều đeo khẩu trang nhưng khi rà soát, cô vẫn xếp em vào nhóm F1 và em phải chuyển học trực tuyến. Có phải do cô cẩn thận quá không vì cũng có nhiều bạn nói chuyện với bạn ấy như em thì vẫn được học trực tiếp.

Lo ngại khi con đi học lây F0 từ bạn, không ít phụ huynh dù mong muốn con được đến trường nhưng vẫn quyết định cho con học trực tuyến. Cũng có phụ huynh cẩn thận mua kit test nhanh về nhà để kiểm tra cho con trước khi đến lớp. Chị Nguyễn Mai Chi, phụ huynh học sinh tại huyện Thanh Oai nêu ý kiến, khi đi học trực tiếp thì mỗi phụ huynh nên thực hiện test cho con mỗi tuần ít nhất 1 lần để đảm bảo con mình an toàn; nếu phát hiện con nhiễm Covid thì không cho con đến trường, tránh trường hợp con đi học rồi lại đến đón; khi đó nhiều bạn trong lớp đã trở thành F1.

“Tôi biết có trường hợp học sinh tiếp xúc với F0 tại nhà nhưng gia đình rất chủ quan; thấy con sức khỏe bình thường vẫn cho con đến lớp học trực tiếp, không khai báo y tế hay xin học online. Đây là một trong những vấn đề nhà trường cần lưu ý để nhắc nhở, tuyên truyền đến phụ huynh cần nâng cao hơn nữa ý thức vì cộng đồng”- chị Ngô Thị Mỹ Lan, phụ huynh quận Hoàng Mai cho biết.

F1 theo dõi bao lâu?

Sáng 14/2, tại trường THPT Phan Huy Chú, huyện Quốc Oai, nhà trường cho cả lớp 12A3 nghỉ học trực tiếp, chuyển học online. Nguyên nhân là bởi lớp có tổng 40 học sinh thì 15 em được xác định F0 qua test nhanh; hầu như tất cả học sinh còn lại trong lớp được xác định là F1. “Qua cập nhật tình hình vào tối 13/2, số ca F0 và F1 của lớp tăng nhanh nên để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên cũng như giữ được mạch kiến thức cho các em, nhà trường quyết định cho cả lớp 12A3 chuyển hình thức học online. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của nhà trường đã có thông báo gửi giáo viên chủ nhiệm chuyển từng phụ huynh học sinh về nội dung trên; trong đó có hướng dẫn gia đình theo dõi sức khỏe của các em và có báo cáo hàng ngày. Với các trường hợp F1 sẽ cách ly 72 giờ (3 ngày); sau 2 lần xét nghiệm âm tính, trường sẽ xin ý kiến để cho học sinh trở lại học trực tiếp”- Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, huyện Quốc Oai Nguyễn Thanh Tuấn cho biết.

Đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên là nguyên tắc quan trọng nhất khi học trực tiếp
Đảm bảo an toàn cho học sinh là nguyên tắc quan trọng nhất khi học trực tiếp

Tại cuộc họp rà soát công tác tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp với phòng GD&ĐT 30 quận, huyện, thị xã cùng hiệu trưởng các trường phổ thông trên địa bàn TP, Sở GD&ĐT lưu ý các nhà trường khi phát hiện hoặc nhận tin báo có F0, điều cần nhất phải bình tĩnh và chủ động có cách xử lý đúng quy định của ngành y tế.

Theo Hiệu trường trường THCS Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm Đỗ Thị Ánh Tuyết, được sự hướng dẫn kỹ lưỡng của UBND quận Nam Từ Liêm và Phòng GD&ĐT quận, nhà trường nắm rất rõ các bước phân loại, xử lý F0, F1 theo quy định mới. Hiện trường có tổng 8 F0 (trong đó có 2 giáo viên, 6 học sinh) và 31 F1. “Ngay hôm đầu tiên trở lại trường, nhà trường nhận được thông tin từ phụ huynh về việc gia đình 1 học sinh có người là F0; học sinh được đón về và sau đó thông báo kết quả test dương tính. Giáo viên chủ nhiệm đã thực hiện ngay việc khoanh vùng, điều tra dịch tễ với các học sinh trong lớp; trong đó xác định F1 là những học sinh ngồi bàn trên, bàn dưới, trái, phải và tiếp xúc gần với F0. Những học sinh F1 sẽ chuyển học online tại nhà; cha mẹ theo dõi sức khỏe trong 7 ngày; cách 3 ngày lại test Covid 1 lần (vào ngày 1, ngày 4, ngày 7). Sau 3 lần liên tiếp cho kết quả âm tính, học sinh đó sẽ được đến trường học trực tiếp. Với những học sinh khác trong lớp vẫn học trực tiếp bình thường nhưng gia đình và giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm đến sức khỏe các em; nếu có dấu hiệu bất thường, lập tức cho kiểm tra, theo dõi”- nhà giáo Đỗ Thị Ánh Tuyết cho biết.

Trường Tiểu học, THCS & THPT Khương Hạ, quận Thanh Xuân sáng 14/2 thông tin, trường hiện có 7 lớp 10 đi học trực tiếp. Qua rà soát cho biết, từ 8/2 đến nay, trường có 4 học sinh là F0 và 66 học sinh F1. Hiện 66 F1 đều cho kết quả test âm tính nhưng nhà trường vẫn cho học trực tuyến trong 7 ngày để theo dõi thêm; nếu ổn định sẽ cho đến trường học trực tiếp.

Nguyên tắc thống nhất chung ngành GD&ĐT và ngành y tế là khoanh vùng nhỏ nhất, hẹp nhất các trường hợp F0, F1 để vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo công tác chuyên môn; tích cực tận dụng thời gian vàng học trực tiếp; không để xảy ra tình trạng vì một học sinh mà cả lớp, cả trường phải dừng học. Sở GD&ĐT lưu ý lại một lần nữa, đó là các trường cần nắm rõ quy trình xử lý tình huống khi có F0 trong trường học theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Nếu phát hiện học sinh là F0, giáo viên cần bình tĩnh, không làm học sinh hoảng sợ; với mỗi trường hợp cụ thể vẫn cần xin ý kiến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương để có cách thức xử lý phù hợp và đảm bảo an toàn.

 

“Các cơ sở giáo dục nếu phát sinh các trường hợp nhiễm bệnh cần cố gắng sàng lọc, xử lý trong phạm vi hẹp nhất có thể theo quy định tại “Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế phát hành tới các nhà trường. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng giúp chiến thắng dịch bệnh và đảm bảo an toàn trường học là tư tưởng, tinh thần, thái độ của cán bộ, giáo viên ứng phó với dịch bệnh một cách bình tĩnh, không hoảng hốt và thể hiện rõ sự hiểu biết. Ngoài ra, sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình là yếu tố quan trọng, bởi khi phụ huynh đồng thuận, hiểu biết, phối hợp thì nếu có phát sinh ca bệnh trong trường học cũng cùng phối hợp để xử lý hiệu quả hơn…”- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.