Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trưởng khoa Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp: Tin tưởng ngành y tế phòng, chống nCoV hiệu quả

Nam Trần (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) hiện đã lan ra 19 quốc gia, số ca mắc và tử vong tăng nhanh hàng ngày.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, ngoài việc cả hệ thống chính trị vào cuộc, mỗi người dân cần chủ động phòng bệnh đúng cách.
Theo ông, hiện nay bệnh viêm phổi do virus nCoV tính độc lực có nguy hiểm hơn so với SARS, MERS hay không?
- nCoV là 1 virus thuộc nhóm coronavirus tương tự với SARS và MERS-CoV. Trên cơ sở những thông tin hiện tại, người ta nhận thấy nCoV cũng chỉ lây truyền hạn chế từ người sang người qua tiếp xúc gần tương tự với SARS và MERS-CoV. nCoV gây tử vong khoảng 3 - 4% trong số các bệnh nhân nhập viện, trong khi tỷ lệ tử vong tương ứng với SARS là khoảng 9% và với MERS-CoV là 35,5%. Trên những cơ sở đó có thể cho rằng, nCoV có độc lực thấp hơn SARS và MERS-CoV.
Vì sao số ca lây nhiễm n-CoV ở Trung Quốc tăng nhanh như vậy, thưa ông?
- Điều khó khăn trong việc kiểm soát của bất kỳ dịch bệnh mới xuất hiện lần đầu là những ca bệnh đầu tiên dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường. Phải mất một thời gian mới nhận diện được nó là bệnh mới, tìm ra nguyên nhân và đường lây truyền của nó.
Do vậy thường trong giai đoạn đầu việc cách ly, giám sát ổ dịch và dự phòng có thể chưa phù hợp dẫn đến sự lan rộng trong ổ dịch và lây truyền sang nhân viên y tế. Với n-COV do thời gian ủ bệnh kéo dài đến 14 ngày nên những người có virus có thể đi rất xa, tiếp xúc gần với nhiêu người. Điều đó gây khó khăn trong việc khoanh vùng và cách ly các đối tượng nguy cơ.
Hơn nữa, tình trạng hoảng loạn trong vụ dịch cũng khiến người dân đổ xô đến các bệnh viện để khám, xét nghiệm dẫn đến quá tải và làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo tại đó. Ngoài ra nếu có những trường hợp chạy trốn hoặc dấu bệnh, không tuân thủ cách ly cũng là yếu tố gây khó khăn cho việc cách ly và khống chế dịch.
Ông đánh giá thế nào về việc ứng phó với dịch bệnh nCoV của ngành y tế?
- Cho đến thời điểm hiện nay, nước ta chỉ ghi nhận 2 ca bệnh xâm nhập. Tuy nhiên, số du khách nước ngoài và người Việt Nam từng đi qua vùng có dịch hiện đang ở trong nước không ít. Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn về giám sát, dự phòng và điều trị bệnh viêm phổi do n-CoV, chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị phòng chống dịch, chỉ đạo việc tổ chức cách ly phòng chống lây chéo trong bệnh viện và giám sát dịch tại cửa khẩu và trong cộng đồng; đề xuất các biện pháp phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương trong hoạt động kiểm soát dịch bệnh.
 Chốt kiểm tra y tế tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hoàn An
Tôi cho rằng, Chính phủ cũng như ngành y tế đã vào cuộc rất quyết liệt, khẩn trương, tích cực. Tuy nhiên, việc phòng, chống dịch còn phụ thuộc vào ý thức người dân. Mỗi người cần tuân thủ tốt các hướng dẫn của Bộ Y tế bao gồm: Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.
Những người trở về từ vùng có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người đã nghi ngờ có viêm phổi do n-CoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Theo ông, năng lực chẩn đoán, khả năng thu dung, chữa bệnh của nước ta sẽ như nào, nếu không may, dịch n- CoV lan rộng tại Việt Nam?
- Ngành y tế Việt Nam đã có kinh nghiệm chống dịch thành công với nhiều vụ dịch lớn. Qua đó đội ngũ cán bộ y tế đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tiến bộ về trình độ chẩn đoán, điều trị và giám sát dự phòng cũng như khả năng tổ chức phòng chống dịch. Các trang thiết bị cũng được đầu tư và bổ sung trong nhiều năm qua. Nhiều bệnh viện cũng đã được xây mới và mở rộng. Nếu không may dịch n- CoV lan rộng trên đất nước ta, tôi tin ngành y tế có đủ khả năng đáp ứng và khống chế hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!