Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu. (Nguồn: TTXVN)
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Nguyên Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; nguyên Viện trưởng sáng lập Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam- Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Đại Tạng kinh Việt Nam; Nguyên Hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, cơ sở I, chùa Quán Sứ, Hà Nội (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội); Nguyên Hiệu trưởng Trường cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II tại Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh); nguyên Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; nguyên Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ABCP), Chủ tịch Trung tâm ABCP Việt Nam; Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VII, VIII, IX và X; Trụ trì Tổ đình Tường Vân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế; Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã trụ thế 95 năm; hạ lạp 64 năm.
Lễ nhập kim quan chính thức cử hành vào lúc 8 giờ ngày 2/9 (ngày 17 tháng 7 năm Nhâm Thìn). Kim quan được tôn trí tại Thiền viện Vạn Hạnh, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
Lễ viếng bắt đầu vào lúc 9 giờ ngày 2/9 đến hết ngày 8/9 (từ ngày 17-23/7 năm Nhâm Thìn).
Lễ truy điệu được cử hành lúc 8 giờ ngày 9/9 (ngày 24 tháng 7 năm Nhâm Thìn), sau đó cung tiễn kim quan Trưởng lão Hòa thượng nhập Bảo tháp tại Thiền viện Vạn Hạnh.
Hòa thượng Thích Minh Châu, họ Đinh, húy Văn Nam, pháp danh Tâm Trí, pháp hiệu Viên Dung, sinh ngày 20/10/1918 (Mậu Ngọ), tại làng Kim Thành (Quảng Nam); nguyên quán tại làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Trong phong trào Thanh niên nghiên cứu đạo Phật, Hòa thượng là một trong những người sáng lập Đoàn Phật học Đức dục và Gia đình Phật hóa phổ (tên cũ của Tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam sau này). Trong công cuộc chấn hưng Phật giáo từ Cố đô Huế đến các tỉnh Trung bộ, ngay từ buổi đầu, Hòa thượng đã có nhiều cống hiến đáng kể…
Trong thời gian làm việc ở Hội quán, Hòa thượng đã học hỏi và thâm hiểu giáo lý Đại thừa. Thời gian này, Hòa thượng đã vào ở hẳn trong chùa Tường Vân và thực tập nếp sống Thiền môn như điệu chúng trong chùa. Cũng từ đó, Hòa thượng quyết chí xin xuất gia.
Trong quá trình nghiên cứu Kinh Luật Luận Hán tạng, Hòa thượng thấy cách phiên âm các từ ngữ Pali, Sanskrit mỗi người mỗi khác, khiến văn bản trở nên khó hiểu. Từ đó Hòa thượng xin phép Bổn sư và Hội Phật học Trung phần cho phép mình tu học tại Sri Lanka và Ấn Độ về Kinh Luật Luận Pali và Sanskrit, nguyện sau này về nước tiếp tục phiên dịch kinh điển làm phong phú kho tàng Tam tạng nước nhà. Năm 1952, Hòa thượng đã du học tại Sri-Lanka, học Pali và Anh văn tại Colombo…
Tháng 4/1964, sau khi trở về nước, Hòa thượng đã đem khả năng của mình để ứng dụng và Phật sự như phiên dịch kinh tạng, mở trường Đại học Vạn Hạnh… ngõ hầu báo đáp thâm ân Phật tổ.
Năm 1979, Hòa thượng tham gia thành lập Ban vận động thống nhất Phật giáo nước nhà, vận động cho sự thống nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong toàn quốc sau này. Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Hòa thượng được suy cử giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam liên tiếp ba nhiệm kỳ.
Mặc dù bận rộn nhiều công việc cho Giáo hội, Quốc hội, giảng dạy nhưng trọng tâm chính mà Hòa thượng hướng tới vẫn là dịch kinh và giảng kinh. Từ khi về nước cho đến nay, tác phẩm của Hòa thượng ngày càng phong phú. Với kiến uyên thâm và khả năng ngoại điển xuất sắc, Hòa thượng còn được Giáo hội giao phó nhiều trọng trách trong công tác đối ngoại.
Với uy tín và đạo hạnh của mình, Hòa thượng được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội và được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VII,VIII,IX,X (từ tháng 5/1981 đến 2002).
Dù ở cương vị nào, Hòa thượng luôn nhận được tình cảm kính trọng đặc biệt của Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam cũng như cộng đồng xã hội. Hòa thượng là tấm gương sáng tốt đời đẹp đạo của hôm nay và mai sau.
Ghi nhận những công lao đóng góp cho Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội của Hòa thượng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Đại đoàn kết, huy chương và nhiều hình thức khen thưởng khác do các cơ quan ở Trung ương và địa phương trao tặng.