Ngày 6/3, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đối với 86 bị cáo.
Thâu tóm SCB để… tham ô tài sản
Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm dùng nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội. Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cũng như đầu tư, mua các dự án bất động sản của các công ty liên kết, Trương Mỹ Lan tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trong đó có hoạt động cho vay.
Từ trước thời điểm SCB hợp nhất, Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng. Sau khi hợp nhất, tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần của SCB; tiếp tục mua và đứng tên cổ phần SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình tại SCB. Tính đến tháng 10/2022, Trương Mỹ Lan sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần SCB, chiếm 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân (trong và ngoài nước), cá nhân đứng tên giúp; Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên chủ sở hữu 75.888.800 cổ phần, chiếm 4,982% vốn điều lệ.
Khi đã thâu tóm SCB, Trương Mỹ Lan tuyển dụng, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt SCB, trả lương từ 200-500 triệu đồng/tháng; tặng, thưởng, cổ phần SCB, để thông qua các cá nhân này điều hành hoạt động và sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách lập các khoản vay khống.
Để rút tiền từ SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân chủ chốt tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập ra nhiều bộ phận, đơn vị, công ty, thông đồng với các ông ty thẩm định giá (công ty TĐG - PV), rút tiền từ SCB.
Từ năm 2020, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc SCB), Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc SCB) lập 3 đơn vị cho vay chỉ để phục vụ các khoản vay của Trương Mỹ Lan.
Từ ngày 3/6/2020-24/6/2022, ba đơn vị cho vay đã lập hồ sơ, giải ngân 396 khoản vay với tổng dư nợ 212.725 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 185.183 tỷ đồng, nợ lãi 27.542 tỷ đồng (chiếm 38,27% dư nợ gốc các khoản vay của Trương Mỹ Lan).
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty “ma”, thuê/nhờ hàng nghìn người đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, ký hợp thức chứng từ nộp/rút tiền để lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền của SCB. Việc lập các công ty “ma” được Trương Mỹ Lan giao cho Hà Thục Kim, Đặng Phương Hoài Tâm phụ trách, phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương và Nguyễn Phương Anh (là Tổng và Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Peninsula) thực hiện, như: đặt tên, tìm địa chỉ trụ sở công ty, tìm người đứng tên đại diện theo pháp luật, chọn ngành nghề kinh doanh...
Kết quả điều tra xác định có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuê/nhờ đứng tên.
Cấu kết với công ty thẩm định giá nâng khống tài sản
Mỗi khi cần rút tiền của SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung phối hợp, câu kết với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh lập hồ sơ, phương án vay vốn khống; đưa cho các cá nhân được thuê/nhờ đứng tên khoản vay, tài sản, đại diện công ty “ma” ký vào hồ sơ vay khống là những tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký. Trong 1.284 khoản vay còn dư nợ, có 684 khoản vay với dư nợ 382.876 tỷ đồng, chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân, số còn lại tài sản bảo đảm chủ yếu là cổ phần, quyền tài sản; có 201 khoản vay với dư nợ 11.686.649.546.345 đồng, hồ sơ vay vốn không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền tại SCB.
Ngoài những thủ đoạn trên, Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo cán bộ SCB thông đồng, câu kết với 19 công ty TĐG với 46 đối tượng là giám đốc, phó giám đốc, thẩm định viên… tham gia phát hành 378 chứng thư TĐG nâng giá tài sản lên gấp nhiều lần. Khi cần rút tài sản có pháp lý, có giá trị để bán, Trương Mỹ Lan chỉ đạo đồng phạm thực hiện hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị ra khỏi SCB rồi thay thế bằng tài sản giá trị thấp hơn.
Trong 1.284 khoản vay thuộc trách nhiệm của Trương Mỹ Lan, có 240 tài sản đảm bảo có tổng giá trị trên sổ sách 487.451.526.350.000 đồng, bị hoán đổi thành 278 tài sản bảo đảm, giá trị trên sổ sách 351.948.265.970.604 đồng; Công ty TĐG Hoàng Quân chỉ định giá được 260/278 tài sản với tổng giá trị 108.109.794.111.760 đồng.
Khi các khoản vay quá hạn, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5, Trương Mỹ Lan không trả nợ mà chỉ đạo đồng phạm bán nợ xấu cho VAMC, bán nợ trả chậm cho các công ty “ma” của nhóm Vạn Thịnh Phát để che giấu nợ xấu… nhằm tiếp tục chiếm đoạt tiền của SCB. Giai đoạn từ 1/1/2012-7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã bán nợ xấu cho VAMC, bán nợ các khoản cấp tín dụng trả chậm, cấn trừ nợ 269 khoản vay/216 khách hàng, số tiền gốc giải ngân 133.335.961.717.876, đến ngày 17/10/2022 dư tổng nợ 200.452.191.939.634 đồng.