Xét xử vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát–Giai đoạn 2:

Trương Mỹ Lan và đồng phạm lừa đảo 35.824 bị hại ra sao?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP)–Giai đoạn 2, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” số tiền 30.081.509.700.000 đồng của 35.824 bị hại, bằng việc dùng 4 công ty: An Đông, Quảng Thuận, Sunny World, Setra (đều thuộc Tập đoàn VTP) phát hành 25 gói trái phiếu “khống”.

Phát hành trái phiếu “khống”, lừa đảo chiếm đoạt 30.081.509.700.000 đồng

Trong giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan (SN 1956, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn VTP) cùng 33 đồng phạm bị xét xử các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Bị cáo Lan bị xét xử 3 tội danh, ở tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền 30.081.509.700.000 đồng của 35.824 bị hại, có 28 bị cáo là đồng phạm với vai trò giúp sức cho Lan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 2.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 2.

Năm 2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ SCB gặp nhiều khó khăn, nợ xấu kéo dài nên Trương Mỹ Lan họp với Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT); Võ Tấn Hoàng Văn, Nguyễn Phương Hồng (là Tổng, Phó Tổng Giám đốc SCB), Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt–TVSI), Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VTP) chủ trương dùng Công ty An Đông và các công ty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ, huy động tiền trong dân để xử lý khó khăn tài chính cho SCB.

Các nhân sự chủ chốt của SCB, TVSI, Tập đoàn VTP đã lên phương án lập trái phiếu, thông qua TVSI và SCB phát hành, chào bán với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại SCB. Để lừa đảo, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn: lập “công ty ma”, thuê người đứng tên công ty, chọn ngành nghề kinh doanh... phù hợp với các hoạt động tài chính, sở hữu cổ phần, tài sản, khoản vay, ký khống tài liệu... Việc lập “công ty ma” do Văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh (là Tổng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula-SPG).

Sau khi lập các “công ty ma”, Phương Anh phân bố cho các kế toán thuộc nhóm SPG (khoảng 30 người), mỗi người quản lý 20-30 công ty, có nhiệm vụ mở tài khoản, kê khai kế toán, báo cáo thuế... và quản lý hồ sơ “công ty ma”, phục vụ cho hoạt động tài chính của Tập đoàn VTP (vay vốn, phát hành trái phiếu, mua bán/chuyển nhượng cổ phần, tài sản...). Ngoài nhóm chính là SPG, còn nhiều nhóm khác cũng tìm người cho Tập đoàn VTP.

Nhóm SPG được sắp xếp nguồn tiền từ 8–10 tỷ đồng/tháng, để trả lương cho người được thuê, tùy vào mức độ tham gia, như: lương đứng tên thành lập công ty 12 triệu đồng/tháng/công ty có khoản vay; 7-10 triệu đồng/tháng/công ty không có khoản vay; đứng tên cổ phần 2 triệu đồng/tháng/công ty; đứng tên khoản vay 15-25 triệu đồng/năm/khoản vay.

Đối với người đứng tên tài sản cho Trương Mỹ Lan, được trả khoảng 15 triệu đồng/năm, cuối năm Đặng Phương Hoài Tâm tổng hợp danh sách tài sản và cá nhân đứng tên rồi nhận tiền từ Tập đoàn VTP chi cho các “trưởng nhóm tìm người” đứng tên.

“Công ty ma” mua bán lòng vòng trái phiếu, nâng khống giá để lừa

Đến thời điểm khởi tố vụ án (ngày 7/10/2022), Tập đoàn VTP đã có 1.470 công ty (46 công ty nước ngoài và một số công ty do Trương Mỹ Lan mua lại), gần 1.800 cá nhân đứng tên doanh nghiệp, khoản vay, cổ phần, tài sản, ký khống tài liệu. Trong đó, có 85 công ty được lập để chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, 63 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam thông qua SCB (trong đó có 23 công ty sai phạm nằm trong Giai đoạn 2); gần 50 công ty được sử dụng để tạo lập, phát hành trái phiếu và hàng trăm công ty khác được lập cho các mục đích: mua tài sản, đứng tên dự án, chuyển nhượng cổ phần, tài sản cho các cá nhân theo mục đích của Trương Mỹ Lan. Việc lập số lượng lớn “công ty ma”, thực chất để mua bán lòng vòng rồi nâng khống giá cổ phần lên nhiều lần tùy vào quy mô, tài sản của các công ty…

Khi đã có hệ thống “công ty ma”, từ năm 2018-2020, trên cơ sở đề xuất của Nguyễn Phương Hồng (hiện đã chết), Trương Mỹ Lan chỉ đạo các tổ chức phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn VTP ký hợp đồng với TVSI–Tổ chức đại diện phát hành trái phiếu để hoàn thiện hồ sơ, công bố thông tin phát hành trái phiếu và ký hợp đồng mua/bán, chuyển nhượng với các trái chủ thứ cấp (người dân).

Sau đó, các đối tượng có liên quan tại TVSI, SCB và Tập đoàn VTP sử dụng 4 công ty phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, gồm: An Đông (3 mã năm 2018, 2019), Quảng Thuận (1 mã năm 2018), Sunny World (1 mã 2018), Setra (20 mã năm 2020). Trong đó, Công ty An Đông phát hành trái phiếu có giá trị từ 10.000-15.000 tỷ đồng, và chọn 5 công ty trái chủ sơ cấp là: VIPD, VN GROUP, DUC, Tập đoàn đầu tư VTP, WMC và công ty đối tác là SPG tạo dòng tiền “khống” tại SCB để hợp thức hóa tư cách trái chủ sơ cấp; tạo lập các gói trái phiếu “khống” để lừa bán cho nhà đầu tư. Tổng khối lượng trái phiếu bán ra 308.691.388, thu về 30.869.138.800.000 đồng. Đến thời điểm khởi tố vụ án, cả 4 công ty nêu trên còn dư nợ 30.081.509.700.000 đồng của 35.824 trái chủ, không có khả năng thanh toán.