Trường nghệ thuật lên tiếng về yêu cầu “tiến sĩ hóa”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau công văn số 454/2014/QĐ-BGD&ĐT, có tới gần 200 ngành học thuộc các trường đại học (ĐH) trong cả nước được thông báo dừng tuyển sinh trong năm 2014. Rất nhiều giảng viên, nghệ sĩ của các trường đào tạo nghệ thuật nằm trong danh sách này lên tiếng phản đối.

Sân khấu chỉ còn đào tạo người làm máy

Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT: "Ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký khi giảng dạy mới được tuyển sinh", nên hiện có tới hơn 200 chuyên ngành của các trường ĐH, CĐ nghệ thuật trên cả nước phải dừng tuyển sinh. Đáng kể nhất, ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội có tới 15 chuyên ngành, Học viện âm nhạc Huế (4 chuyên ngành), Học viện Âm nhạc Quốc gia (1 chuyên ngành), Nhạc viện TP Hồ Chí Minh (1 chuyên ngành), ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh (4 chuyên ngành). Hầu hết giảng viên cũng như nghệ sĩ đều không tán thành quyết định này của Bộ GD&ĐT. PGS Trần Thanh Hiệp - Hiệu trưởng ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội cho biết: "Gần như tất cả các chuyên ngành đặc thù của trường bao gồm biên kịch sân khấu, đạo diễn điện ảnh - truyền hình, biên kịch điện ảnh - truyền hình - điện ảnh, quay phim, biên đạo múa nằm trong danh sách này. Và từ 18 chuyên ngành hiện có, chúng tôi chỉ còn được đào tạo đúng… 3 ngành liên quan tới máy móc, kỹ thuật".
Giờ lên lớp của sinh viên Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Giờ lên lớp của sinh viên Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
ĐH Sân khấu & Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Mới nâng cấp từ CĐ lên ĐH được vài năm, các bộ môn cơ bản của trường như diễn viên kịch hát truyền thống, diễn viên sân khấu điện ảnh, đạo diễn sân khấu, mỹ thuật sân khấu, quay phim… vẫn còn ở cấp đào tạo CĐ, song cũng bị dừng tuyển sinh vì không đáp ứng được yêu cầu "4 thạc sĩ" (thay vì 3 thạc sĩ, 1 tiến sĩ như đào tạo ĐH). Ngay cả chuyên ngành đạo diễn điện ảnh, truyền hình vừa được nâng cấp lên đào tạo ĐH cũng bị yêu cầu dừng tuyển sinh.

"Nghĩa là chúng ta xoá luôn việc đào tạo diễn viên, đạo diễn, quay phim, nhiếp ảnh trên toàn quốc" - ông Vũ Huyến - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bày tỏ. Mà theo Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 xác định các trường trong nước mỗi năm cần đào tạo 10 - 15 nhà sản xuất phim, 10 - 15 biên kịch, 10 nhà lý luận phê bình, 10 - 20 quay phim, 10 họa sĩ hoá trang và 25 - 30 diễn viên. Nếu chiếu theo yêu cầu của Bộ GĐ&ĐT, việc đạt được mục tiêu này trong năm 2020 là không thể.

Tìm tiếng nói chung

Đưa ra Quyết định 454, Bộ GD&ĐT vướng phải khá nhiều ý kiến phản ứng của nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn, lãnh đạo các trường nghệ thuật, cho rằng nhà quản lý giáo dục chưa hiểu đặc thù của các ngành nghệ thuật. Nếu yêu cầu trước khi có bằng tiến sĩ đã học piano, thanh nhạc còn có thể. Chứ người học piano, thanh nhạc… muốn làm tiến sĩ phải có công trình nghiên cứu nên phải chuyển sang làm tiến sĩ về lý luận âm nhạc. Vì vậy, nếu đòi hỏi trình độ tiến sĩ piano, tiến sĩ thanh nhạc… sẽ không có. Đặc thù chung của đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam (cũng như của đại đa số các nước) từ trước đến nay nằm ở việc ưu tiên tính thực tiễn, do đó giảng viên đa phần là những nghệ sĩ giỏi, có kinh nghiệm lâu năm và có thành tựu trong sáng tạo. Và khi tham gia hoạt động nghệ thuật thực tế, hầu hết các đạo diễn, diễn viên, hoạ sĩ… đều không theo đuổi việc học tiếp để nâng cao học hàm, học vị.

Ngày 8/2 vừa qua, ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội đã gửi công văn tới lãnh đạo Bộ VHTT&DL và Bộ GD&ĐT. Theo công văn, các môn học kiến thức cơ bản và các môn cơ sở của trường do những người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ giảng dạy; các môn học chuyên môn do các nghệ sĩ tài năng và có tư chất sư phạm giảng dạy. Bởi vậy, trường đề nghị Bộ GĐ&ĐT tham khảo ý kiến của Bộ VHTT&DL để vận dụng phù hợp đối với đơn vị này.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: "Thực tế, khi xử lý những ngành học này, Bộ đã rất linh động. Ví dụ, không có tiến sĩ đúng với chuyên ngành như piano, sân khấu… thì phải có tiến sĩ gần với chuyên ngành này và có công trình nghiên cứu liên quan. Nếu trong trường hợp bất đắc dĩ không tìm được tiến sĩ như yêu cầu, phải có 5 thạc sĩ thay vì 3 thạc sĩ". Mục đích Bộ GĐ&ĐT đưa ra Quyết định 454 là để chấn chỉnh chất lượng đào tạo, thầy trò không ngừng cập nhật kiến thức, phương pháp hiện đại. Tuy nhiên, có lẽ Bộ GD&ĐT đã quá vội vàng, chưa khảo sát kỹ đặc thù của các ngành. Phải chăng ngành giáo dục cần thêm thời gian tính toán để đưa ra một quyết định khiến các ngành khác "tâm phục, khẩu phục".