Do đó, điều đầu tiên, nếu muốn con trưởng thành, các bậc phụ huynh cần đối xử với con như người lớn. Thể hiện ở việc luôn coi trọng ý kiến của con, lắng nghe và trả lời con như cách bạn trả lời những người trưởng thành khác. Đồng thời, tạo điều kiện để con tự đưa ra quyết định riêng và chịu trách nhiệm về quyết định của chính mình. Đây là một phẩm chất giúp hình thành tính cách của trẻ. Kinh nghiệm cũng cho thấy, nếu con thất bại, thay vì can thiệp, hãy để con tự rút ra những bài học và kinh nghiệm sống, thông qua thất bại của bản thân và tự đứng dậy sau mỗi thất bại đó. Việc được tự mình hoàn thành một công việc được giao phó theo cách riêng của mình, chính là cách trẻ muốn cha mẹ tin tưởng và cho thấy trách nhiệm của trẻ trước cuộc sống.
Và khi những đứa trẻ ấy bước vào tuổi vị thành niên, bố mẹ tránh quát mắng mà nên nói lời nhẹ nhàng, dạy bảo con. Bởi, quát mắng nhiều khi không làm cho con nể sợ, mà trái lại chúng có thể có những thái độ phản kháng tiêu cực như lầm lì, cứng đầu hay tích cực như cãi bướng lại. Như thế, chỉ làm cho mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái rạn nứt. Ở tuổi này, trẻ muốn được tôn trọng như người lớn và muốn mọi người nhìn thấy trẻ là một cá thể riêng biệt. Để đứa trẻ trưởng thành thực sự, không chỉ là việc chăm sóc về mặt thể chất, chính cách ứng xử hàng ngày của cha mẹ sẽ giúp trẻ cứng cáp và hoàn thiện hơn. Nhưng không có nghĩa rằng "đối xử như một người bạn" là bỏ mặc trẻ làm mọi việc theo ý mình, việc bố mẹ chuyện trò với con, kể cho con nghe những chuyện vui buồn trong quá khứ, những lỗi lầm mình đã phạm phải và cho con thấy những cố gắng sửa đổi của mình cũng là một kỹ năng cần có.