Trường THCS vẫn lúng túng trong sắp xếp giáo viên dạy môn tích hợp

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2021- 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với lớp 2 và lớp 6. Với riêng khối 6, việc xuất hiện các môn tích hợp được coi là “làn gió mới” nhưng cũng mang đến không ít lúng túng cho các trường THCS trong công tác phân công giáo viên và sắp xếp thời khóa biểu.

Lĩnh hội được tinh thần đổi mới
Do đặc thù lớp 6 mới chuyển từ cấp tiểu học lên, chưa được làm quen trực tiếp thầy cô, bạn bè do điều kiện dịch bệnh lại tiếp cận với phương pháp giáo dục hoàn toàn mới đã tạo nên sự bỡ ngỡ cho các em học sinh. Chương trình GDPT mới lớp 6 xuất hiện ba môn tích hợp là: Khoa học Tự nhiên (Vật lý- Hóa học- Sinh học); Lịch sử và Địa lý (môn Lịch sử- Địa lý) và Nghệ thuật (Mỹ thuật- Âm nhạc). Nếu hai môn tích hợp còn lại kiến thức khá rõ ràng, tách biệt thì môn Khoa học Tự nhiên (KHTN) có sự liên kết chặt chẽ giữa các phân môn và cũng là môn học khiến các trường THCS “đau đầu” hơn cả.
 Chương trình GDPT 2018 với lớp 6 có 3 môn tích hợp
Lựa chọn giáo viên dạy giỏi, giàu kinh nghiệm đón đầu lứa học sinh lớp 6 năm nay là việc được các trường thực hiện để giảm bớt khó khăn, áp lực cho việc dạy chương trình GDPT mới. Các lớp tập huấn chương trình được tổ chức suốt 3 tháng hè; tiếp đến là tập huấn sách giáo khoa (SGK) mới được thực hiện kỹ càng đã mang đến tâm thế sẵn sàng, quyết tâm cho các thầy cô và nhà trường. Ngoài ra, các giáo viên cũng tự giác học hỏi, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu chương trình; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, trao đổi bài giảng, tăng tương tác, phản biện... để có những cách thức giảng dạy sáng tạo, truyền đạt kiến thức tốt nhất đến học sinh.
“Một yếu tố khác phải kể đến trong chương trình GDPT mới, đó là hệ thống văn bản hướng dẫn thống nhất xuyên suốt từ cấp Bộ, cấp Sở đến cấp Phòng; cơ sở vật chất dành cho chương trình, nhất là các môn tích hợp được đầu tư, nâng cấp nên phần nào đáp ứng được yêu cầu môn học…”- cô Đinh Thị Vân Hồng- Hiệu trưởng trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) cho biết.
Nhiều lúng túng khi thực hiện
Thầy Nguyễn Cao Cường- Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) chia sẻ: Mặc dù thầy cô, nhà trường đã được tiếp cận, tập huấn chương trình GDPT mới cả 3 năm nay nhưng khi cầm cuốn SGK mới lớp 6 trên tay và qua thực tế giảng dạy thì cũng gặp rất nhiều trăn trở. Trong quá trình tập huấn, các thầy cô nhận thức được rằng: Chương trình GDPT mới là căn cứ, SGK là cụ thể hóa chương trình nên phải linh hoạt trong giảng dạy và sắp xếp thời khóa biểu, sắp xếp giáo viên để đạt được yêu cầu, mục đích đề ra.
“Giữa rất nhiều vấn đề cần giải quyết, sự chú ý được tập trung nhiều hơn vào môn KHTN. Đây là môn tích hợp được hình thành từ 3 phân môn: Vật lý- Hóa học và Sinh học, có sự liên kết ngoại môn với các môn khoa học khác chứ không phải cơ học ghép môn. Do vậy, trong thời gian chưa có giáo viên dạy liên môn, nhà trường đã lựa chọn giải pháp là dạy môn KHTN theo từng chủ đề nội dung và lựa giáo viên dạy bộ môn gần gũi với các phân môn này để phân công giảng dạy; linh hoạt sắp xếp giáo viên, thời khóa biểu lớp 6 theo tuần”- thầy Nguyễn Cao Cường cho biết.
 Học sinh khối 6 tiếp cận chương trình GDPT mới của năm học 2021- 2022 qua hình thức online 
Đối với môn KHTN vì bao gồm 3 phân môn nên nhà trường có vướng mắc nhất định về phân công giáo viên bởi các thầy cô chỉ được đào tạo đơn môn. Hiện nhà trường đồng thời chạy song song 3 phân môn, bố trí thời lượng thay đổi từng giai đoạn, từng thời kỳ. Nửa đầu kỳ 1, nhà trường sắp xếp theo công thức 2-1-1/tuần (2 tiết Sinh, 1 tiết Lý, 1 tiết Hóa); nửa sau kỳ 1 lại thay đổi và tương tự như vậy với kỳ 2 để đảm bảo dạy đồng đều, hoàn thành tiến độ các môn học. Với những chủ để giao thoa, các giáo viên sinh hoạt trong tổ chuyên môn trao đổi, bổ trợ cho nhau để đảm bảo hoàn thành giảng dạy nội dung môn học”- một hiệu trưởng THCS tại quận Thanh Xuân cho biết.
Theo hiệu trưởng một trường THCS thuộc huyện Đan Phượng thì tại trường này, môn KHTN đang được sắp xếp 4 tiết/tuần. Một giáo viên không thể đảm nhiệm được ba phân môn nên nhà trường phân công ba giáo viên dạy song song. Vì tỷ lệ ba phân môn khác nhau, do vậy thời khóa biểu của khối 6 không cố định mà thay đổi từng thời điểm để hoàn thành kế hoạch môn học. “Năm nay là năm đầu tiên dạy môn tích hợp với lớp 6 nên trường còn có thể “xoay xở” được về nguồn giáo viên. Từ sang năm, việc sắp xếp giáo viên dạy môn tích hợp sẽ cực khó khăn bởi nguồn giáo viên dạy rất khan hiếm; do vậy cần cơ cấu lại giáo viên của cấp THCS, tính tỷ lệ giáo viên từng môn thật chi tiết để không bị động ở giai đoạn tiếp theo”- thầy hiệu trưởng này nêu ý kiến.
Chia sẻ với những khó khăn, lúng túng của các trường THCS đang gặp phải trong việc phân công giáo viên và thời khóa biểu môn tích hợp lớp 6, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Võ Đức Quế cho rằng, các trường cần nhận thức sâu sắc hơn về các môn tích hợp; nhất là với môn KHTN bởi môn học này khác với môn Lịch sử và Địa lý và môn Nghệ thuật. KHTN có sự logic giữa kiến thức nền với kiến thức cơ bản, được hình thành bởi 3 phân môn và có 4 mạch kiến thức: Chất là sự biến đổi của chất (phân môn Hóa học); Vật sống (phân môn Sinh học); Năng lượng sự biến đổi (phân môn Vật lý); Trái đất và bầu trời (liên môn Vật lý- Sinh học). Để học sinh tiếp cận logic hơn, đảm bảo kiến thức từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp thì cần có sự nghiên cứu kỹ hơn về nội dung từng phân môn. Vấn đề cần thiết nhất là cần dành toàn bộ sự ưu tiên về nguồn giáo viên với khối 6, sắp xếp giáo viên, thời khóa biểu cho khối 6 trước rồi mới đến các khối còn lại. Bên cạnh đó cần tiến hành sinh hoạt, giao ban, tập huấn tổ chuyên môn thường xuyên để trao đổi, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho giáo viên.