Trường THPT Hà Nội – Amsterdam có biến khuôn viên trường thành nơi kinh doanh?

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, giáo viên và phụ huynh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam phản ánh, nhà trường đang hợp tác với Công ty Long Sơn, trưng dụng toàn bộ nhà thể chất, biến khuôn viên trường thành nơi kinh doanh... Việc làm này của nhà trường có vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh (HS) hay không, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã vào cuộc tìm hiểu.

Thí điểm dịch vụ công
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam được TP đầu tư cơ sở vật chất vào loại hiện đại bậc nhất không chỉ ở Thủ đô mà trên cả nước. Trong đó, riêng khu thể thao được chia làm 2 phần, phục vụ nhiều bộ môn thể dục thể thao khác nhau.
 Học sinh trường Hà Nội - Amsterdam chơi thể thao. Ảnh Trung Đức
Để khai thác tối đa các chức năng, đồng thời có kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình này không phải là điều dễ thực hiện, đây là thực tế đã, đang xảy ra đối với hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, đầu năm 2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2016/NĐ-CP (Nghị định 04) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ. Tại Nghị định này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc công nhận và xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN theo quy định.
Tháng 8/2017, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 3824/UBND-KT thông báo danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN. Trong danh sách này có trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đây là cơ sở để trường Hà Nội - Amsterdam thực hiện thí điểm hợp tác hoạt động thể thao với đối tác tại khu thể chất... Tuy nhiên, điều đáng nói, văn bản UBND TP chỉ đạo thực hiện từ tháng 8/2017, nhưng nhà trường đã ký thỏa thuận với DN, cụ thể là Công ty CP Thể thao và Giải trí Long Sơn từ tháng 4/2017... “Về chủ trương thực hiện thí điểm dịch vụ công trường không vi phạm, nhưng cách thức thực hiện và khâu truyền thông tới HS, phụ huynh chưa tốt khiến dư luận hiểu sai” – lãnh đạo trường Hà Nội – Amsterdam chia sẻ.
Hợp tác ngoài giờ học
Nhiều người phản ảnh, việc nhà trường cho DN thuê khu thể chất khiến xe cộ đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến HS... Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi trong các ngày 3, 4 và sáng 5/10 (giờ hành chính) cho thấy, khuôn viên trường yên ả, không có người ra vào. Sân tennis không có người chơi, sân bóng chỉ khoảng hơn 10 HS của trường đang đá bóng...
Làm việc với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị sáng 5/10, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam Lê Thị Oanh khẳng định, khu nhà thể chất phục vụ các môn thể thao do nhà trường quản lý đang phối hợp, thỏa thuận với Công ty CP Thể Thao và Giải trí Long Sơn để khai thác dịch vụ. Thời gian công ty sử dụng để kinh doanh được thực hiện ngoài giờ hành chính.
Theo bà Oanh, để bảo đảm việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục thể chất, nhà trường đã xin phép lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội được triển khai thí điểm hợp tác các hoạt động thể thao thuộc cơ sở vật chất nhà trường đang quản lý. Mục tiêu chính mà trường đưa ra vẫn là đảm bảo quyền lợi HS, giáo viên trong các hoạt động dạy và học.
Bà Oanh cho biết, trường có 1.500 HS THPT, kinh phí TP cấp cho HS hàng năm là 15 triệu HS/năm, khoảng 30 tỷ/năm. Trong đó, 80% chi lương, 20% chi khác. Hàng năm trích 20% để phục vụ duy tu, sửa chữa không đủ. Sân bóng, nhà tập, bể bơi, sân tennis… HS tập thường xuyên nên rất nhanh hỏng, do đó trường liên tục phải duy tu… Cụ thể, năm học 2016 – 2017, sau 7 năm sử dụng, sân cỏ nhân tạo đã hỏng, phải làm lại để phục vụ HS, sàn nhà bong tróc, nhà thể chất mỗi lần mưa đều bị ngập, phòng chức năng hoen rỉ... phải sửa và nâng cấp hàng loạt. Năm học 2017 – 2018 nhu cầu sửa chữa rất lớn.
“Việc thí điểm hợp tác với DN vừa đem lại cơ hội duy trì chất lượng cơ sở vật chất, giảm thiểu chi phí bảo dưỡng từ ngân sách Nhà nước, đồng thời phục vụ tốt hơn cho hoạt động giáo dục thể chất của thầy trò nhà trường.
Tất cả các giáo viên, HS trong trường đều được sử dụng miễn phí khu thể chất” – bà Oanh khẳng định. Đồng thời, bà Oanh cũng cho biết, DN chỉ hoạt động sau 17 giờ và ngày Chủ nhật, và không ảnh hưởng đến an ninh trật tự trường học.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng cho biết, Sở đã thành lập tổ công tác xuống làm việc và kiểm tra tại trường. “Chúng tôi đã yêu cầu nhà trường khắc phục những tồn tại, tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với công ty Long Sơn để đảm bảo hiệu quả của hợp tác đào tạo huấn luyện thể thao, đồng thời công khai trong trường, quản lý tốt thông tin tránh nội bộ và dư luận hiểu chưa đúng.
Bên cạnh đó, yêu cầu nhà trường dừng khoản thu từ liên kết chờ hướng dẫn khi có phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng đã có văn bản báo cáo Thành ủy, UBND TP để xin ý kiến chỉ đạo” – ông Dũng cho biết.