Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân các liệt sĩ sẽ được tổ chức vào chiều 18/7 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Phần lớn những trường hợp được công nhận đều lớn tuổi, lão thành cách mạng và hầu hết đã mất vài chục năm, đang nằm trong nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa được công nhận liệt sĩ. Cá biệt, người lớn tuổi nhất là liệt sĩ Đặng Văn Tiết, sinh năm 1891 quê ở Long An (127 tuổi) đã hy sinh 75 năm.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết hiện nay còn khoảng trên 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập; trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ chưa đủ thông tin. |
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, đến nay, toàn quốc đã xác nhận trên 2.000 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và bổ sung, cấp mới, đổi 35.000 bằng Tổ quốc ghi công. Công tác tìm kiếm, quy tập liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ cũng như việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sĩ được chủ động và đạt được kết quả tích cực. Hiện cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ.Từ năm 2005 đến nay, cả nước đã tìm kiếm, quy tập được trên 70.000 hài cốt liệt sĩ. Bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN đã xác định danh tính cho 3.423 danh tính liệt sĩ tới thân nhân và tổ chức gắn bia ghi tên liệt sĩ. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, điều day dứt nhất của Đảng và Nhà nước đó là hiện nay còn khoảng trên 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập; trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ chưa đủ thông tin. Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do Bộ Quốc phòng thực hiện và Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin do Bộ LĐTB&XH thực hiện. Hiện nay hai Đề án đang được triển khai tích cực. Thông tin về kết quả thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, đã đạt được những thành tựu to lớn. Hệ thống chính sách ưu đãi NCC đã được nghiên cứu, hoàn thiện và đi vào cuộc sống. Đến nay, hệ thống chính sách ưu đãi NCC đã bao phủ hầu hết các đối tượng có công với cách mạng. Tuyệt đại bộ phận NCC và thân nhân của họ được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.Không chỉ thế, Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung đáp ứng được với thực tiễn cuộc sống. Đại đa số NCC được xác nhận và thụ hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước; số lượng đối tượng được công nhận và thực hiện chế độ NCC ngày càng tăng cũng như các mức trợ cấp thường xuyên được điều chỉnh để hỗ trợ đời sống cho gia đình NCC.Thực hiện chính sách ưu đãi NCC, trong 10 năm gần đây (2007 – 2016), đã có 133.306 tỷ đồng trợ cấp cho NCC. Trong đó kinh phí trợ cấp hàng tháng khoảng 120.747 tỉ đồng, trợ cấp 1 lần 12.600 tỉ đồng. Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng được phát triển sâu rộng từ trung ương đến địa phương và đã đạt được hiệu quả thiết thực. Chỉ tính riêng từ năm 2007 - 2016, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của Trung ương và địa phương đã vận động được trên 4.165 tỷ đồng. Đã có 133.321 sổ tiết kiệm với tổng kinh phí hơn 4.620 tỷ đồng đã được trao tặng. Cùng với đó là xây dựng mới và sửa chữa 179.669 nhà tình nghĩa trị giá 4.647 tỷ đồng. Việc nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng. Trong đó có 7.344 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Đến cuối năm 2016, đã có 97% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú.
Thông tin từ Bộ LĐTB&XH, đến năm 2017, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt NCC, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ; 127.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học; 110.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. |