Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truy xuất nguồn gốc: Chặn đứng tình trạng “phù phép” nông sản

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thực phẩm mất an toàn, hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng bủa vây người tiêu dùng, việc truy xuất nguồn gốc không chỉ tạo điều kiện cho DN tăng kim ngạch xuất khẩu (XK) nông sản mà còn ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.

 Người tiêu dùng chọn mua hoa quả tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Người tiêu dùng ngày càng khắt khe

Tại hội thảo Truy xuất nguồn gốc hàng hóa góp phần tạo thuận lợi trong thương mại do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Tham tán Nông nghiệp (Đại sứ quán Australia) tại Việt Nam Amy Guihot cho biết: Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một phần quan trọng của hệ thống quản lý thực phẩm tại Australia. DN chế biến thực phẩm phải xác định được nguồn gốc của nguyên liệu đầu vào, quy cách đóng gói, tên và địa chỉ của nhà cung cấp, tên và địa chỉ khách hàng, ngày giao dịch và giao hàng, khối lượng, số lượng sản phẩm khi giao hàng.
Hiện nay, Hà Nội đang áp dụng sáng chế “Quy trình xác thực chống hàng giả”, sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm. Hiện đã có 21 tỉnh, TP hưởng ứng tham gia để thống nhất bộ mã truy xuất khi sản phẩm hàng hóa lưu thông trên địa bàn Hà Nội. Người dân có thể dùng điện thoại smartphone kiểm tra các quy trình sản xuất của DN và có sự so sánh giữa các sản phẩm cùng một chủng loại trên cùng một hệ thống với giá cả phù hợp nhất. Đây là một thành công lớn của TP. Hà Nội hiện đã đi đầu cả nước trong ứng dụng khoa học công nghệ để quản lý an toàn thực phẩm, quản lý thương mại, chính quyền điện tử...

Giám đốc Trung tâm DN hội nhập và phát triển Phạm Thị Lý
Theo Giám đốc Trung tâm DN Hội nhập và Phát triển Phạm Thị Lý, truy xuất nguồn gốc hàng hóa là việc mà cả thế giới đã làm. Khi hội nhập ngày càng sâu vào thế giới, Việt Nam sẽ phải chấp nhận tất cả các “luật chơi”, trong đó có cả việc đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, hiện Việt Nam đã có những nghị định, chỉ thị từ cách đây 2 - 3 năm. Khi thông tin về sản phẩm được niêm yết công khai, rõ ràng và DN phải chịu trách nhiệm về thông tin sản phẩm thì đây sẽ là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng xác nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang là yêu cầu phổ biến đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Có như vậy là bởi sự quan tâm của người tiêu dùng không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã mà còn bao gồm cả các thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe người sử dụng.

DN Việt phải làm quen

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhận định, truy xuất hàng hóa vừa là yêu cầu, vừa là xu thế tất yếu trong thời gian tới. “Khi việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa được xây dựng thành nếp quản lý sẽ giải quyết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái và cũng sẽ tạo cơ hội lớn cho việc ứng dụng các công nghệ số, công nghệ blockchain cũng như hình thành hàng loạt các công nghệ ứng dụng khác” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định.

Chủ tịch Hội công nghệ cao TP Hồ Chí Minh Đào Hà Trung chia sẻ, mới đây, dư luận cả nước bất bình với việc khoai tây Trung Quốc "đội lốt" khoai tây Đà Lạt để tiêu thụ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng cũng gây nhức nhối toàn cầu nên các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc. DN Việt Nam muốn tăng kim ngạch XK hàng hóa nông - thủy sản phải thực hiện truy xuất nguồn gốc, từ đó hình thành sự an tâm, tin tưởng và trung thành trong khách hàng nhập khẩu.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Đại Dương, đại diện của Công ty iShopgo cho rằng: Cần làm kỹ việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa để ngăn chặn tình trạng “phù phép” cho hàng kém chất lượng, hay tẩm hóa chất nông sản. Tuy nhiên, DN phải xác định rõ truy xuất nguồn gốc hàng hóa không chỉ là việc dán tem đơn thuần mà phải quản lý được toàn bộ từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm. Đồng thời phải hỗ trợ được giao thương, sản xuất nhập khẩu và buôn bán trao đổi thông tin thương mại; phải tạo được hàng rào kỹ thuật để đảm bảo thị trường lành mạnh, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế…