Truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại: Nỗi lo “treo đầu dê bán thịt chó”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn nạn thịt heo bẩn vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Bơm nước bẩn, tiêm thuốc an thần hay thịt heo vẫn còn tồn dư kháng sinh, sau khi giết mổ không được bảo quản đúng quy định… vẫn được các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để “tuồn” ra thị trường.

Gia tăng buôn bán thịt heo bẩn

Rạng sáng ngày 14/5/2016, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) kiểm tra, phát hiện 8 lô với 623 con heo có dấu hiệu bất thường chuẩn bị nhập vào cơ sở Nam Phong (quận Bình Thạnh) để giết mổ. Qua xét nghiệm, 623 con heo này đã bị thương lái bơm nước bẩn và tiêm chất acepromazine - một loại thuốc an thần nhằm mục đích giữ cho heo không bị ức chế hệ thần kinh, không bị chết trên đường vận chuyển, đồng thời làm thịt mềm, đỏ tươi, “đẹp mắt” sau khi giết mổ. Tiếp đó, ngày 31/5/2016, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh tiếp tục bắt giữ 325 con heo có nguồn gốc từ Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai có dấu hiệu bơm nước bẩn trước khi đưa vào các lò mổ trên địa bàn TP. Trong đó, có 3 lô đưa về cơ sở giết mổ Xuyên Á, 1 lô đưa về lò Tân Thạnh Đông đều ở Củ Chi. Qua làm việc, các chủ hàng này đã thừa nhận số heo trên đã bị bơm nước bẩn trước khi vận chuyển về TP Hồ Chí Minh. Trong đó, đáng quan ngại là việc lợn bị tiêm acepromazine, nếu người tiêu dùng ăn phải loại thịt chứa chất này có nguy cơ ngộ độc, nguy hiểm tới tính mạng.

Truy xuất nguồn gốc

bằng điện thoại

Trước thực trạng nhức nhối đó, để đảm bảo nguồn thịt heo an toàn đến tận tay người tiêu dùng, UBND TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh. Hiện nay, Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh là đơn vị nghiên cứu, triển khai công nghệ truy xuất nguồn gốc thịt heo. Giải pháp được đơn vị này lấy tên TE-FOOD, dựa theo sự tích hợp nhiều công nghệ khác nhau. Thịt heo khi được quản lý bởi chuỗi ứng dụng công nghệ này sẽ qua một con tem, người tiêu dùng chỉ cần một phần mềm quét mã vạch trên điện thoại thông minh sẽ truy xuất được nguồn gốc miếng thịt mình mua. Từng miếng thịt đều có nguồn gốc rõ ràng từ ngày thả heo giống của từng trại nuôi, quá trình chăm sóc đến ngày xuất chuồng, cán bộ kiểm dịch và được mổ ở lò mổ nào...

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào quản lý tốt được quá trình từ khi nuôi cho đến khi miếng thịt đến tay người tiêu dùng đảm bảo là thịt sạch? Ông Lê Hoàng Phong – Phó phòng Kinh doanh Chợ đầu mối Hóc Môn cho rằng: Sau khi nhận được thông tin, chúng tối rất đồng tình và quyết tâm làm. “Nhưng khó khăn nhất để truy xuất nguồn gốc đó là ở khâu vận chuyển heo về lò giết mổ. Cùng với đó, vấn nạn heo trôi nổi và lò mổ lậu nên rất dễ lẫn lộn vào thịt heo sạch” - ông Phong băn khoăn.

Còn bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Trưởng Ban quản lý Chợ bán lẻ Bàu Cát, quận Tân Bình cho rằng: Vấn đề áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc thịt heo được áp dụng có hiệu quả ngoài chức năng của các cơ quan quản lý, thì đạo đức của người kinh doanh vẫn là điều quan trọng. Vì vậy, vấn đề lẫn lộn thịt heo trôi nổi vào thịt heo có nguồn gốc rõ ràng vẫn dựa trên đạo đức người bán và lòng tin của người mua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần