Truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Người tiêu dùng vẫn thờ ơ

Kim Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù truy xuất nguồn gốc thực phẩm đã được đưa vào triển khai tại các hệ thống siêu thị, nhưng người tiêu dùng vẫn thờ ơ với cách kiểm tra này.

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết nhưng người tiêu dùng khi mua thực phẩm tại các hệ thống siêu thị thì không ai quan tâm, thậm chí không biết tem dán truy xuất nguồn gốc. Tại hệ thống siêu thị Big C trên địa bàn quận 10, TP Hồ Chí Minh khi được hỏi mã truy xuất được dán trên quả ớt chuông, chị Nguyễn Thị Thư (39 tuổi, quận 8) cho biết: “Cái này là mã vạch bình thường như mấy mặt hàng khác vẫn có. Tôi cũng không biết cái mã này dùng để truy xuất nguồn gốc. Bình thường mua thực phẩm, tôi nhìn độ tươi ngon rồi lấy thôi, chứ cũng không quan tâm mấy”.

Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị BigC Tô Hiến Thành, quận 10, TP Hồ Chí Minh.  Ảnh: Kim Dung

Qua khảo sát, hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn không quan tâm đến mã truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Một vài người được hỏi dù biết chức năng của mã truy xuất, song cũng không mấy mặn mà. Chị Đào Thị Như Trang (34 tuổi, quận 10) chia sẻ: “Tôi có xem báo và biết được mã này dùng để truy xuất nguồn gốc, giá cả của thực phẩm. Chỉ cần có phần mềm là sẽ truy xuất được. Nhưng mà tôi thường không làm, vì khi nào mua thực phẩm ngoại tôi mới truy xuất, còn các loại rau củ này thì vào siêu thị mua chắc cũng ổn”.
Theo quan sát, tại các gian hàng thực phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc, không có người tiêu dùng nào áp dụng để tìm hiểu về thực phẩm. Theo giải thích của những người tiêu dùng, khi mua hàng ở các hệ thống siêu thị, họ tin đều là thực phẩm sạch, phần khác dựa vào kinh nghiệm về mua rau củ quả rồi lựa những loại theo cảm quan là tốt nhất rồi lấy nên không ai đứng lại để truy xuất nguồn gốc.
Tại siêu thị CoopMart trên địa bàn quận 3, sau một thời gian quan sát, chúng tôi cũng không thấy người mua nào truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Chị Xuân (30 tuổi, quận 1) chia sẻ: “Những loại thực phẩm được đưa vào siêu thị để tiêu thụ thì chắc chắn cũng phải qua kiểm định nhiều lần rồi. Với lại riêng bản thân cũng không quan tâm lắm với mấy cái này, vì trước giờ có hay không thì người ta vẫn vào đây mua rau củ. Cái này giúp người ta quản lý giữa các hợp tác xã với nhau, chứ người dân chúng tôi vẫn tin đồ trong siêu thị là sạch, nên cứ mua và không ai truy xuất làm chi”.
Có người biết mã truy xuất, có người không biết, nhưng ở hai hệ thống thống siêu thị lớn mà phóng viên khảo sát hầu như không thấy bất kỳ bảng thông tin hướng dẫn cách nào để truy xuất. Một nhân viên siêu thị cho biết: “Tôi thì không biết cách làm sao truy xuất mã vạch này, nhưng mã vạch này do công ty trồng rau người ta dán lên, trên đó có đầy đủ nơi sản xuất, đóng gói, ngày giờ thu hoạch. Nhưng bình thường thì thông tin đó đã được dán trên bao bì của thực phẩm. Người tiêu dùng cũng chỉ coi trên đó. Và thông tin này phải khớp với thông tin khi người ta truy xuất”.
Tính đến nay, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đã triển khai 2 tháng, nhưng đối với người tiêu dùng, họ coi mã truy xuất nguồn gốc thực phẩm như một “giấy chứng nhận” để tiếp thêm niềm tin mua hàng.
Chương trình truy xuất nguồn gốc được Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh chính thức vận hành sáng 18/1. Để thực hiện truy xuất nguồn gốc rau, người dùng sẽ sử dụng ứng dụng Zalo trên smartphone dùng hệ điều hành android, hoặc các phần mềm quét mã QR code trên điện thoại thông minh.Theo đó, thông tin khi được truy xuất sẽ hiện ra cụ thể như nguồn giống, bón phân, giờ ngày phun thuốc… đều được hiển thị lên trên màn hình điện thoại. Giá của tem truy xuất khoảng 100 đồng/kg rau quả nên không đội giá bán, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần