Có thể khẳng định, trong một thời gian dài, thị trường phát thanh, truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet (OTT TV VOD) có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp nội và các dịch vụ xuyên biên giới. Điều này đã dẫn tới hệ quả là phần lớn thị phần đang nằm trong tay doanh nghiệp ngoại.
Tại họp báo, lý giải nguyên nhân, Phó Cục trưởng, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) Nguyễn Hà Yên chỉ ra, với các doanh nghiệp trong nước, nội dung theo yêu cầu (VOD) phải thực hiện biên tập chặt chẽ bởi cơ quan có Giấy phép hoạt động truyền hình. Tuy nhiên, nội dung VOD trên các dịch vụ OTT TV VOD của doanh nghiệp nước ngoài không biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định pháp luật Việt Nam.
Chính điều này đã dẫn tới nhiều nội dung vi phạm các điều cấm, như: Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Theo Phó Cục trưởng, nhằm kịp thời bổ sung quy định điều chỉnh trực tiếp đến loại dịch vụ này, cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước có được sự cạnh tranh công bằng, Bộ TT&TT đã được Chính phủ giao sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Từ đó Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP đã được ra đời và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sẽ được bổ sung những quy định mới về quản lý dịch vụ OTT TV VOD, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp xuyên biên giới.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, Nghị định 7/2022/NĐ-CP là văn bản pháp lý rất quan trọng, khi tạo được mặt bằng pháp lý giữa doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Tới thời điểm Nghị định bắt đầu đi vào cuộc sống, báo chí cần tham gia giám sát việc thực hiện, và việc thực hiện phải có kết quả thật. ''Chúng ta cần đưa tất cả doanh nghiệp cung cấp cùng dịch vụ về một mặt bằng như nhau, tránh bảo hộ ngược, cũng như không quản lý được những dịch vụ xuyên biên giới, chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước'' - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.
Những điểm nổi bật của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP có thể kể đến như: Dịch vụ truyền hình xuyên biên giới phải được quản lý theo quy định tương tự với đơn vị trong nước; Dịch vụ OTT TV được cung cấp đến người Việt Nam không buộc phải cung cấp kênh chương trình như các dịch vụ truyền hình truyền thống; Doanh nghiệp được chủ động trong hoạt động biên dịch nhưng phải chịu trách nhiệm pháp luật nếu để xảy ra vi phạm …