Truyền hình trả tiền qua internet: Mất cân bằng “nội” và “ngoại”

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức doanh thu kém tới 7 lần cho thấy doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trả tiền qua internet trong nước đang gần như 'lép vế" hoàn toàn trước sự cạnh tranh từ các dịch vụ xuyên biên giới.

Quá chênh lệch

Số liệu thống kê mới nhất của Bộ TT&TT về lĩnh vực truyền hình trả tiền qua internet (OTT TV) cho thấy những con số rất đáng báo động. Cụ thể, doanh thu của lĩnh vực này trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 370 tỷ đồng, dự kiến cả năm là 740 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu nhìn sang số doanh thu của các dịch vụ xuyên biến giới trong cùng lĩnh vực, có thể thấy chênh lệch là vô cùng lớn, con số đó lần lượt là 2.610 tỷ đồng trong 6 tháng và ước đạt 5.221 tỷ đồng trong cả năm 2022.

OTT TV Việt đang có phần lớn thị phần thuộc về các dịch vụ ngoại như: Netflix hay QIY
OTT TV Việt đang có phần lớn thị phần thuộc về các dịch vụ ngoại như: Netflix hay QIY

Việc chênh lệch về doanh thu lên tới hơn 7 lần cho thấy sự mất cân bằng nghiêm trọng của lĩnh vực OTT TV hay nói một cách thẳng thắn là doanh nghiệp trong nước đang vô cùng "lép vế" so với các thương hiệu nước ngoài. Đáng chú ý, khoảng cách này vẫn tăng đều đặn qua từng năm và chưa cho thấy dấu hiệu giảm trong thời gian sắp tới.

Tính đến thời điểm hiện tại, lĩnh vực OTT TV tại Việt Nam đang có 22 doanh nghiệp trong nước cung cấp với những cái tên nổi trội như: VNPT với MyTV, Viettel với Next TV hay FPT với FPT Play… Bên cạnh đó còn có hàng loạt dịch vụ xuyên biên giới như: Netflix, Apple TV, IQIYI, iFlix …

Nhìn vào trường hợp của Netflix, dịch vụ OTT TV xuyên biên giới nổi bật nhất hiện nay có thể thấy rõ ràng sự thua kém quá xa của các đơn vị trong nước. Ước tính hiện Netflix đang có khoảng 600.000 thuê bao đến từ Việt Nam, trong trường hợp chỉ cần 1/2 trong số này là người dùng trả tiền theo năm với mức phí khoảng 2,4 triệu đồng thì tổng số tiền thu được lên tới 35 triệu USD tương đương khoảng 819 tỷ đồng. Con số này còn lớn hơn toàn bộ doanh thu dự kiến của mảng OTT TV trong nước trong năm 2022 với 740 tỷ đồng.

Nói về thói quen xem Netflix của mình, chị Xuân Lan (22 tuổi, Hà Nội) cho biết, dịch vụ này có nội dung rất đa dạng từ phim ảnh, ca nhạc, giải trí cho đến video theo yêu cầu. Không chỉ đa dạng về thể loại mà nội dung cũng được đầu tư chăm chút rất chất lượng với kinh phí lớn, do đó, việc trải nghiệm thường rất hấp dẫn.

Còn anh Lê Thanh (40 tuổi, Hà Nội), vốn là khách hàng quen thuộc của FPT Play cho biết, khi bật TV thì nội dung chủ yếu được xem là chương trình thời sự và thể thao. Phim ảnh và chương trình giải trí nước ngoài không nằm trong lựa chọn của anh bởi chúng đa phần là nội dung đã quá cũ ở thời điểm hiện tại.

Những ý kiến trên cũng đã phản ảnh đúng thực trạng phân loại người dùng của các dịch vụ OTT TV, người trẻ hướng ngoại, con người có tuổi thì hướng nội. Tuy nhiên, theo thống kê WeAreSocial, người Việt có độ tuổi từ 18-34 đang là tập khách hàng chính của các nền tảng OTT TV khi thường xuyên bỏ hơn 3 tiếng mỗi ngày cho dịch vụ này.

Có thể nói, sự thua kém của doanh nghiệp OTT TV trong nước so với các dịch vụ xuyên biên giới có nguyên nhân phần lớn xuất phát từ kho nội dung. Đơn cử, Netflix hay Amazon sẵn sàng bỏ hàng chục, thậm chí, hàng trăm triệu USD để làm một seri phim truyền hình phục vụ khách hàng của mình là chuyện rất bình thường.

Trong khi đó, với doanh nghiệp trong nước việc tự đứng ra sản xuất một bộ phim là điều rất khó khăn bởi nguồn kinh phí eo hẹp. Thay vào đó, họ thường mua lại các bộ phim nước ngoài có kinh phí thấp hoặc thậm chí là miễn phí bởi đã được công chiếu được 2-3 năm.

Cần sự công bằng cho doanh nghiệp nội

Nhìn vào câu chuyện nội dung của các dịch vụ OTT TV cũng có thể thấy rõ thực trạng doanh nghiệp trong nước không chỉ thua về chất lượng mà còn vô cùng “thiệt thòi” khi phải tuân thủ nghiêm những quy định của pháp luật, điều mà doanh nghiệp ngoại không hề bị ràng buộc.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo một doanh nghiệp OTT TV (xin giấu tên) cho biết, hiện dịch vụ trong nước đang bị ràng buộc bởi khá nhiều quy định như: Giấy phép hoạt động, phân bố tỷ lệ kênh có nội dung tiếng Việt và kênh nước ngoài, phải kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải… Đồng thời, việc đóng thuế cũng phải thực hiện đúng và đầy đủ. Trong khi đó, các dịch vụ OTT TV ngoại lại không cần quan tâm tới những vấn đề này.

Cũng chính vì không bị ràng buộc bởi nhiều chi phí có liên quan, nên hiện tại, đang có xu hướng các công ty sản xuất phim, nội dung giải trí ưu tiên hợp tác với OTT TV ngoại, mặc dù, kinh phí mua bản quyền thấp nhưng bù lại có thể kiếm được lợi nhuận tốt từ quảng cáo. Cùng với những nội dung này, nếu được bán cho doanh nghiệp OTT TV nội thì mức kinh phí thường rất cao, thậm chí, vượt qua khả năng sinh lời của nội dung.

Với việc không phải chịu những chế tài kiểm duyệt như với doanh nghiệp nội nên đã có nhiều sự cố nghiêm trọng, trái pháp luật về mặt nội dung trên OTT TV ngoại. Có thể kể đến như bộ phim truyền hình "Pine Gap" trên Netflix đã có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam hay như seri tài liệu Vietnam War có nhiều thông tin sai lệch về lịch sử đấu tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam Lê Đình Cường, thực trạng hiện nay của các dịch vụ OTT TV ngoại là đều thiếu tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Có thể kể đến như: Hoạt động không giấy phép, không chịu kiểm duyệt nội dung cũng như bỏ qua các quy định tại các Luật Báo chí, Luật Điện ảnh và Luật Quảng cáo.

Do đó, để đảm bảo pháp luật Việt Nam được tuân thủ cũng như đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp OTT TV trong nước, đã đến lúc cần gia tăng chế tài quản lý với doanh nghiệp ngoại. Có thể kể đến như bắt buộc OTT TV ngoại phải đăng ký cấp phép, nếu không có thì cương quyết không cho tham gia cung cấp dịch vụ vào thị trường Việt Nam. Tăng cường chế tài để kiểm soát việc tuân thủ các quy định về kiểm duyệt nội dung.

Ngoài ra, các dịch vụ OTT TV ngoại cũng cần phải kê khai đầy đủ doanh thu phát sinh ở thị trường Việt Nam nhằm áp dụng quy định về thuế, điều tương tự mà OTT TV nội đang phải thực hiện. Đồng thời, cũng đưa các dịch vụ xuyên biên giới này vào diện tăng cường kiểm tra các vi phạm về pháp luật cạnh tranh, ông Lê Đình Cường nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần