Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Ba thế hệ

Vũ Thị Huyền Trang
Chia sẻ Zalo

Nhà tôi cũng giống như rất nhiều gia đình khác, ba thế hệ sống chung với nhau trong cùng một mái nhà. Có đôi lúc bực dọc với bà, mẹ tôi đòi dọn ra ở riêng, cũng có đôi lúc giận con cháu điều gì, bà lại nằng nặc đòi bố dựng riêng cho một trái nhà ở góc vườn.

Thế nhưng, trải qua bao thăng trầm, buồn vui của cuộc đời, ba thế hệ chúng tôi vẫn ăn chung một mâm cơm, xem chung một chương trình tivi, cùng ngồi ở bậc cửa mỗi chiều chỉ đơn giản là để nhìn thấy nhau đang sống. Đã có lúc tôi giật mình tự hỏi, không biết làm sao mà ba thế hệ giống như ba nền văn hóa khác nhau lại cùng tồn tại được trong một mái nhà? Tôi lấy làm lạ dù tôi đã và đang sống những tháng ngày như thế. Kể từ khi câu hỏi ấy hiện lên trong đầu, tôi bắt đầu tập quan sát tỉ mỉ từng thế hệ, kể cả tôi - thế hệ thứ ba.

Minh họa Quỳnh Hoa.

Ông tôi là liệt sĩ, hy sinh trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào, giờ mộ ông còn nằm lại ở nghĩa trang Trường Sơn, nhưng cũng chỉ là tấm bia ghi danh chứ xương cốt ông thì không tìm thấy được. Bà tôi dằn vặt suốt mấy mươi năm cũng vì điều đó. Bà bảo người sống phải nhìn thấy mặt, chết phải có hài cốt thờ cúng chứ không tìm thấy xác thì có cúng cơm vàng, cơm bạc cũng là cúng vu vơ cho ma nhà khác. Thế là Trường Sơn từ bao giờ đã là mảnh đất máu thịt trong tâm trí bà, dù chưa một lần bà đặt chân đến đó. Đã có lúc bà bảo tôi:

- Đêm qua bà mơ thấy Trường Sơn. Thấy ông cùng cả một tiểu đội sáng sớm đang ra giếng rửa mặt thì bị bom đánh. Thảo nào mà không tìm thấy xác.

Rồi bà khóc hờ, bà già rồi không còn nước mắt nữa, nhưng mỗi lần bà khóc trông tồi tội như trẻ nhỏ. Những lúc ấy tôi đành gọi điện cầu cứu nàng, chỉ có nàng mới đủ kiên nhẫn và dịu dàng để dỗ dành bà. Đấy cũng là lý do vì sao bà luôn đứng về phía nàng để đối đầu với đứa cháu nghịch tử là tôi. Bà thường khen nàng đẹp như một bông hoa, khiêm nhường và hiền dịu. Bà mang nàng đi khắp nơi trong trí tưởng tượng của mình. Có thể vì thế mà tôi không thể nào ruồng bỏ nàng như đã từng ruồng bỏ những người con gái khác. Mà điều đó thì thật khổ cho tôi, bởi tôi vốn là một thằng đào hoa, cả thèm chóng chán. Mỗi lần nhìn thấy mặt nàng buồn là trong bữa cơm, bà lại nhìn tôi chằm chằm bảo:

- Mày cứ liệu đấy, yêu đương cho ra hồn không thì nhừ đòn với bà.

- Bà già rồi, quan tâm đến chuyện tình cảm của tụi cháu làm gì. Hợp nhau thì yêu, không hợp thì thôi, bắt ép nhau chi cho khổ.

Thế là bà dằn rỗi, bỏ dở bát cơm, bà trách bố mẹ tôi suốt ngày chỉ quan tâm kiếm tiền mà không biết cách dạy con. Rồi bà chỉ lên ban thờ, nơi có đặt di ảnh của ông, bà bảo:

- Cháu có biết ngày xưa chiến tranh ác liệt, người đi biền biệt không về, thế mà người ở nhà vẫn đợi chờ hết tháng này qua năm khác. Như bà đã đợi chờ ông cả đời dù biết ông không về nữa. Nghĩa tình thương yêu nhau nó thiêng liêng, cao đẹp mà sao mày cứ mang nó ra làm trò đùa là sao. Sống như thế sau này làm sao mà có thể hưởng phúc lành cho được.

Nói rồi bà khóc, bố dỗ dành bà vài câu không xong đành mặc kệ, còn mẹ thì cằn nhằn: “Sao mệt mỏi cả ngày mà ăn bữa cơm cũng không ngon”. Em gái tôi thì tủm tỉm cười, nó thuộc thế hệ thứ ba đầy năng động và lành mạnh. Nó học hành giỏi giang, ca múa tưng bừng, chiều chiều thể dục thể thao giữ gìn sức khỏe và vóc dáng. Nó không quan tâm nhiều đến mọi thứ diễn ra trong nhà bởi “mỗi người nên có một thế giới riêng cho dễ thở”.

* * *

Cha tôi mệt mỏi trong cuộc chiến cơm áo, gạo tiền với mấy cửa hàng tạp hóa trên chợ huyện. Mẹ chỉ phụ giúp cha khi có hứng, còn lại thời gian mẹ tụ họp bạn bè với mấy bà cô lắm chuyện và đáo để. Thi thoảng mẹ lấy cớ đi thăm nom bà con xa gần, nhưng thực chất là đi du lịch, bố đã quen nên không còn thắc mắc, hỏi han chi cho mệt. Tiền bạc bố khó khăn kiếm được, thì mẹ luôn là người phung phí bằng nhiều cách. Câu cửa miệng của mẹ là “khổ không chịu được”, mẹ ham hố đủ thứ kể cả những canh bạc thâu đêm với những người đàn bà bặm trợn chuyên cho vay nặng lãi trong thị trấn. Tôi thành kẻ coi khinh đàn bà cũng một phần là vì mẹ.

Mẹ vốn được sinh ra trong cảnh nhung lụa, bởi ông ngoại từng là một nhà buôn gỗ và cây cảnh nổi tiếng khắp vùng. Nhà ông bà ngoại chỉ có mình mẹ tôi nên cưng chiều lắm, cho học hành tử tế từ tấm bé. Mẹ lớn lên xinh đẹp, bao nhiêu bạn buôn của ông ngoại nhắm làm con dâu. Nhưng duyên số thế nào mẹ lại yêu một người thợ hồ sau một lần ông ngoại mướn người đến sửa sang nhà cửa. Tình yêu đó bị ông bà ngoại cấm đoán gay gắt, nên khi mẹ quyết định bỏ nhà đi theo anh thợ hồ thì cũng là lúc đời mẹ bắt đầu một cuộc sống cực khổ trăm đường mà không dám hé răng kêu. Người thợ hồ đó chính là cha tôi. Thế nên bây giờ mỗi lần bị ai đó cằn nhằn chuyện mẹ ham chơi, bỏ bê gia đình là thể nào mẹ cũng nhìn ba bảo: “Ngày xưa ông hứa sẽ mang đến một cuộc sống tốt đẹp cho tôi. Tôi biết đời tôi khổ thế này tôi đã không ngu dại mà chạy theo ông nữa”. Bố không nói gì chỉ thở dài thườn thượt…

Có nhiều hôm tôi trở về nhà bã bời sau một cuộc tình còn đầy mùi đàn bà vương trên da thịt. Tôi thấy bà ngồi câm lặng ngoài sân, trệu trạo nhai trầu và hay giật mình mỗi khi nghe một bẹ cau rụng xuống. Thấy vậy tôi đùa:

- Bà lại ngồi nhớ ông cháu phải không?

Bà rơm rớm bảo:

- Bà sắp đi theo ông cháu rồi, chẳng mấy chốc đâu cháu ạ.

Tôi ôm vai bà, trong buổi chiều tàn bỗng thấy bà mỏng manh như sương khói. Bà giống như cây cau ở trước nhà, giống như chiếc chuông gió treo ngoài cửa sổ, giống như cái bậc cửa bao năm rêu cũ. Lặng lẽ và cô độc, nhưng tâm hồn bà luôn phát ra những tiếng kêu lanh lảnh đầy thú vị bằng một tâm hồn mỏng manh, nhạy cảm. Bà giống như linh hồn của ngôi nhà, của cây cối trong vườn, của những bước đường tôi đi qua vốn rất nhiều va vấp nhưng may là nhờ bà mà tôi còn biết trở về. Dù vậy, tôi cũng như tất cả mọi người trong nhà, đa phần đều thản nhiên trước những suy nghĩ và trăn trở của bà. Như thể bà già rồi nên thường hay lẩm cẩm, chấp gì.

* * *

Mẹ tôi đánh bạc bị dân vay nặng lãi lừa cho thua lớn. Ban đầu mẹ còn trở về nhà trong bộ dạng thất thần, phờ phạc, nhưng khi bị chủ nợ đến tận nhà thúc giục và đe dọa thì mẹ đã bỏ nhà ra đi. Đêm mẹ bỏ nhà ra đi tôi biết, nhưng tôi lại chẳng biết phải giữ mẹ bằng cách nào, bởi chính trong thâm tâm tôi còn giận mẹ ghê gớm lắm. Mẹ nuôi tôi lớn lên, nhưng chính cách sống buông thả và vô trách nhiệm với gia đình của mẹ đã làm niềm tin trong tôi bị tật nguyền. Lúc mẹ bước chân ra khỏi bậc cửa, tôi nằm trong giường nghe trái tim mình như vỡ vụn. Mẹ sẽ đi đâu giữa cuộc đời lẫn lộn này, khi không có cha con tôi bên cạnh? Rồi gia đình tôi biết phải đối mặt thế nào với món nợ khổng lồ của mẹ? Còn cha, làm thế nào để chữa được vết thương trong tim cha? Những câu hỏi ấy từng khiến tôi nghẹt thở.

Mẹ bỏ nhà ra đi, người khóc nhiều nhất không phải là anh em tôi, cũng không phải là cha mà chính là bà nội. Bà bắt cha con tôi đi kiếm mẹ về bằng được, dù có phải đi đến tận chân trời góc bể. Bữa cơm nào bà cũng vừa khóc, vừa bảo:

- Nó thân gái một mình, trong túi lại không có tiền biết đi đâu, về đâu, biết sống ra sao. Nợ nần thì tìm cách trả chứ con người mới là đáng quý, vậy mà sao tao nói hoài cũng không đứa nào đi kiếm nó về. Hay là để cái thân già lọ mọ này đi vậy…

Khoảng thời gian ấy, tuy không thể hiện ra ngoài nhưng tôi biết cha chính là người suy sụp nhất. Tôi không biết bằng một cách nào đó cha đã đưa mẹ về nhà rồi bán đi hơn nửa mảnh vườn cùng với hai cửa hàng tạp hóa để lấy tiền trả nợ. Nhưng tôi có thể đọc được nỗi đau hằn trong từng ánh nhìn, dáng đi và cả những tiếng thở dài đêm vắng của cha. Bởi trên đôi vai cha, gánh nặng gia đình giờ tăng thêm nhiều phần khi chỉ còn duy nhất một cửa hàng tạp hóa. Em gái thì đang học, còn tôi với số lương văn phòng ít ỏi, chẳng giúp đỡ được gia đình là bao. Thêm nữa, sau cú sốc gia đình là một cú trượt dài của tôi trong cuộc dạo chơi tình ái.

Nàng có thai. Cái thai đó là của tôi, nhưng những ý nghĩ điên cuồng khiến tôi từ bỏ mọi trách nhiệm. Nàng yêu thương và hiến dâng cho tôi bao nhiêu thì tôi càng cảm thấy nàng dễ dãi bấy nhiêu. Chính điều đó khiến tôi ruồng bỏ nàng bằng tất cả sự hả hê, căm giận rồi chìm ngập trong hơi men, trở về nhà trong u mê đầu óc. Bà giận tôi lắm, một hôm khi tôi vừa khật khưỡng bước chân vào đến cổng đã thấy đòn roi ở đâu vụt tới tấp vào chân. Bà vừa đánh tôi vừa khóc:

- Nhà này không có loại đàn ông không ra gì như mày. Sống thì phải ra sống, yêu thì phải ra yêu chứ. Ở đâu ra cái kiểu làm tổn thương con người ta rồi vứt bỏ. Nhìn ông, nhìn bố mày đấy mà sống theo chứ. Sao nhà này lại sinh ra một đứa hư đốn như mày.

Bị bà đánh tôi không cảm thấy đau, vì bà rất yếu, đòn roi bà vụt chưa chạm vào đến da thịt tôi đã tuột trôi tận đẩu đâu, nhưng những câu nói của bà khiến tôi buồn bã. Bằng tất cả tình yêu thương bà đã mang nàng về nhà, cùng ngồi ăn chung với chúng tôi những bữa cơm chiều. Mẹ nấu cho nàng ăn vài ba món dưỡng thai, em gái tôi thì chiều nào đi học cũng mang nào thì xoài xanh, cóc, khế. Nàng lặng lẽ xuất hiện trong ngôi nhà, lặng lẽ tồn tại bên cạnh những lỗi lầm của tôi mà không hề phán xét hay trách móc. Rất nhiều đêm tôi nằm nghĩ ngợi về cuộc đời mình, phải chăng nó đáng phải bỏ đi. Phải chăng người chẳng ra gì nhất trong ngôi nhà này không phải là mẹ mà lại chính là tôi. Dường như tôi chưa bao giờ biết mở lòng yêu thương và cảm thông ai đó thật lòng, bởi ngay cả đứa con đang thành hình, tôi cũng đã từng muốn ruồng bỏ nó.

Đêm tôi ngồi phơi sương ngoài sân, cha nhẹ nhàng đến ngồi im lặng bên tôi rất lâu. Ngửi mùi mồ hôi và nghe những tiếng thở đều đều của cha tôi bỗng thấy mình bé lại như thuở lên mười được cha công kênh trên đôi vai vạm vỡ. Đêm đó, hai cha con ngồi rất lâu, nghe từng tiếng lá rơi, từng canh gà gáy làm chộn rộn cả một góc phố huyện, nghe tiếng bà thở đều đều trong phòng mỏng manh đến xót lòng. Đêm đó cha đã nói với tôi thế này:

- Con biết vì sao sau rất nhiều những sai lầm của mẹ mà bố vẫn tha thứ và yêu thương mẹ hay không? Bởi vì bố từng hứa sẽ yêu thương và chở che cho mẹ suốt cuộc đời này. Và quan trọng hơn là dù mẹ con phạm rất nhiều sai lầm, nhưng bà ấy không bao giờ phản bội bố để đi theo bất cứ người đàn ông giàu có nào trên đời hết. Sống ở đời đó là cái tình, cái nghĩa. Cũng chỉ có nó mới có thể gắn kết mọi người lại với nhau.

Bất chợt tôi nghĩ về tôi, về nàng, về đứa con bé nhỏ còn đang nằm trong bụng nàng, mà giật như mình choàng tỉnh sau một cơn mụ mị kéo dài. Bài học làm một thằng đàn ông cho ra hồn mà cha đã dạy đã đau lâu và ngấm sâu hơn bao giờ hết trong tôi. Ngoài sân ánh trăng chảy tràn thứ ánh sáng mát rượi đến diệu kì khắp mảnh vườn nhỏ, sương xuống mỗi lúc một nhiều hơn. Mẹ nhắc cha con tôi vào ngủ kẻo ốm, sương đêm độc lắm. Bà trở mình rồi dậy thắp hương cho ông, mùi hương nhang tỏa ra khắp ngôi nhà dìu dịu. Đêm nay có lẽ sẽ là đêm dài nhất của cả ba thế hệ...