Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Bạn cũ

Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
Chia sẻ Zalo

Sâm sẩm tối thứ Bảy. Dừng xe ngoài sân, nhận ra trước cửa nhà ai đã đặt một cái xắc tay và một bao tải dứa nặng trịch, còn chưa kịp ngạc nhiên thì Ðoàn đã thấy bóng một người đàn ông nhỏ bé đội cái mũ lá cọ, từ phía bên xáp tới, giọng khan rè gọi tên mình.

 Minh họa: Quỳnh Hoa
Ngay lập tức, hất vành chiếc mũ bảo hiểm lên cao, bỏ mặc chiếc xe máy cho nó lăn kềnh ra sân, không kìm được nỗi vui bất ngờ, Ðoàn kêu thật to: Trời ạ! Tưởng ai, hóa ra là Cừ! Ðúng là Cừ rồi! Cừ! Cừ, bạn cùng ban đầu máy với Ðoàn, hưu trí đã hơn mười năm, giờ ở tít tịt trên Chí Chủ, Phú Thọ. Cừ, đồng nghiệp thân thiết gắn bó cả mấy chục năm sống chết vui buồn có nhau! Vào nhà đi, Cừ. Ông về tàu mấy giờ? Ðẩy tung hai cánh cửa, quay ra, Ðoàn hồ hởi tay xách cái bao tải giúp bạn, tay nắm tay Cừ vậy mà lạ chưa, cứ như phải lôi Cừ thì Cừ mới chịu vào vì Cừ cứ trùn người lại, như e sợ, như ngại ngùng. Hai người cách nhau ba, bốn tuổi chứ mấy. Hay là sau hơn hai mươi năm xa cách, người ở thành phố, người về làng quê xa, đã tạo nên một khoảng trống, đủ để đổi thay cả từ tâm tính đến hình hài.
- Bây giờ ông đi tắm, tôi nấu cơm. Xong, ta vừa chén vừa nói chuyện.
- Dạ!
- Ơ kìa cái ông này. Ông dạ vâng với ai đấy? Quần áo đây, tắm ù cái đi!
Lầm lũi đi đến cửa nhà tắm, nghĩ thế nào, Cừ chậm chạp quay trở lại đi-văng ngồi xuống, kéo cái bao tải dứa lại, gãi gãi cái cổ gầy:
- Thôi, chả tắm nữa.
- Ô hay! Sợ gầy đi à? Tắm đi cho mát!
- Ừ thì tắm. À mà bà xã và hai đứa con đâu rồi?
- Một đứa tốt nghiệp giao thông. Một đứa vừa đỗ vào Sư phạm. Phấn khởi, bà ấy kéo tuốt cả hai về quê khoe với họ hàng rồi. Chốc nữa bà ấy về.
- Ờ ờ…
Nghe Cừ vừa ậm ậm ờ ờ vừa cúi xuống mở cái bao tải dứa, lôi ra lủng củng nào bọc, nào gói, nào túi ni-lông, Ðoàn liền giãy nảy:
- Ôi cái ông này. Ai dạy ông giở cái trò khách khí ra thế! Ðường xa dặm lại còn quà với cáp. Nhưng thôi, cảm ơn ông. Chà chà, sắn dây, lạc, trám, lại cả hạt dẻ rừng. Bà xã nhà này khoái nhất món trám xanh đây. Lâu lâu bà ấy lại hỏi: không hiểu hồi này bác Cừ thế nào? Bệnh thấp khớp và dạ dày đã đỡ chưa? Hai đứa con nghề ngỗng gì rồi?
Cách bức đã được giải tỏa phần nào. Tuy vậy, lát sau từ bếp đi lên, thấy Cừ từ buồng tắm đi ra, đầu tóc ướt rượt, nhưng vẫn trong bộ quần áo bảo hộ lao động cũ đang mặc, rõ là không dám động chạm đến quần áo, khăn mặt của Ðoàn.
- Khăn đây, lau đi. Rồi chén cơm!
Ðoàn đưa khăn cho bạn, bưng mâm cơm lên, đặt ở trên sàn nhà. Bữa cơm do một anh đàn ông sửa soạn, có đĩa dưa chua, bát thịt gà rang mặn và lọ muối vừng. Nhưng có thêm chai rượu trắng của Cừ. Cừ khoe mới nấu được nồi rượu nếp cái và có vẻ tự nhiên trở lại.
- Ông còn nhớ những ngày lên ban ở đoạn đầu máy Vinh không?
- Nhớ chứ!
- Xách cái cặp lồng lên đầu máy. Lúc mở ra, nó đã nhão nhoét sắp thành mẻ. Trời đất! Nhưng mà ông Ðoàn ạ, gì thì gì giờ cũng còn sướng gấp vạn lần thời chiến tranh. Tuy vậy...
Cừ nhấc chén rượu, mắt khép lại lim dim, như có hơi men tỏa, như đắm chìm vào miền ký ức xa xôi mịt mờ.
Miền ký ức xa xôi mịt mờ. Cái tưởng đã biến vào miền vô tăm tích mịt mùng vậy mà hóa ra vẫn là cái bất biến. Vẫn sống động cùng hình ảnh, ngôn ngữ, sắc màu riêng. Như lúc này là Cừ. Trước hết là ở Cừ, rồi từ Cừ như có phép màu hồi sinh trở lại trong Ðoàn. Là vì chỉ nghe Cừ nói vài câu, nhất là nhìn thấy Cừ là như thấy tất cả những gì đã qua hiện lên rõ mồn một như khắc khảm vào trí nhớ rồi.
- Này Ðoàn, ông có nhớ…
Sao lại không nhớ, sao lại có thể quên được nhỉ? Cầu nhỏ bị giặc đánh gãy từ buổi trưa. Giờ qua sông phải lấy tà-vẹt bắc cũi để đặt ray lên. Nửa đêm, trong vòng một giờ đồng hồ thôi phải lao xong dầm cầu. Và với Ðoàn mười chín tuổi giữ chân phụ tài xế, Cừ ngồi cầm lái cái đầu tàu 1.500 mã lực chỉ là chiếc xe ô-tô mác Giải phóng bốn bánh đã bóc bỏ bộ lốp cao-su, chỉ còn trơ ra cái vành thép. Bốn cái vành xe thép lăn rì rì kèn kẹt trên vệt ray nghe ghê cả răng. Ðạn, gạo đã ra chiến trường bằng cách như thế. Ðương đầu giáp mặt với cái chết mãi rồi cũng phải quen. Ở núi Nhôi, một quả bom đã rơi trúng hố bom cũ, nơi ẩn nấp của cả một đại đội thanh niên xung phong làm đường sắt. Thì cũng cứ tưởng: không bao giờ quả bom sau rơi trúng hố bom cũ. Cuộc sống dạy ta khôn lên. Nhưng làm sao mà biết trước được cái bất ngờ. Bất ngờ thật, vì không hiểu sao đầu tàu lại trật bánh đúng lúc tàu sắp vào cầu Hàm Rồng, đúng lúc pháo của bọn Mỹ ở Hạm đội 7 nổ ùm ùm.
- Sau hồi ấy chúng mình chuyển sang chạy đường Hải Phòng nhỉ?
- Ðúng! Cừ thở dồn. Ông bảo thế này có chết không? Hôm ấy, đang vào ga gì trên Ðường 5 ấy nhỉ, tưởng là đầu tàu trật bánh, mình nhảy xuống, leo lên toa sau, ngước lên. Thì ra bọn mình đang kéo đoàn tàu chở đạn pháo cao xạ 37 ly. Mà trên trời thì mấy chục thằng giặc lái đang vo ve.
- Ðúng rồi! Lúc ấy là đoạn gần đến ga Hải Dương.
- Ðang cuống cà kê thì xịch đến trước mặt mình là hai bố công an, mặt đỏ gắt, quát: "Ðịnh giở trò gì đấy?". Bỏ mẹ! Không chừng các bố nghĩ mình là gián điệp!
- Hà! Thế có nhớ cái lúc anh và tôi trên đầu tàu Tự Lực đi vào đường tránh ở Ninh Bình thì hai cái F4 ở sau rừng Cúc Phương nó xồ ra không? Kìa, Cừ, ngủ rồi à…
- Ngủ đâu mà ngủ. Bum bum bum… Còi ba tiếng dài là gì có nhớ không? Có nhớ cái lần hai thằng mình thằng kéo thằng đẩy đoàn tàu mười hai toa chở vũ khí vào Nam gặp mấy thằng thần sấm Mỹ suýt… chết… Bum bum bum…
- Nhớ chứ quên sao được! Thế này nhé. Ơ kìa ngủ rồi à?
- Ờ ờ ờ… ngủ ngủ ngủ.
Ðặt bát cơm xuống rìa mâm, Ðoàn vừa buồn cười vừa thương cảm nhảy sang phía bên đỡ Cừ. Rõ thật chẳng khác trẻ nhỏ. Nhưng chắc là đường xa mệt mỏi đây. Hai mắt díp lại, Cừ líu lưỡi, chén rượu trên tay sóng sánh, từ từ gục xuống sàn nhà.
***
Bà xã Ðoàn đã về. Ðập đập chân Ðoàn mấy cái rồi bà lay vai chồng. Này, cơm nước thế nào rồi mà khách với chủ ngủ lăn ngủ lóc mỗi người một nơi thế? Ðoàn ậm ờ, bảo bà cứ yên tâm, ăn uống no nê rồi, khe khẽ chứ để yên cho bác Cừ ngủ. Ngủ đâu mà ngủ, bà xã Ðoàn làu bàu, giở mình trằn trọc suốt, mà nghe hơi thở bác ấy thấy nặng nhọc như người có bệnh ấy, chưa kể lại còn lảm nhảm như là nói mê nữa!
Lát sau, chuông đồng hồ đổ nhịp bốn tiếng. Ðoàn mở mắt nhìn sang bên giường Cừ nằm thấy trống vắng liền chống tay ngồi dậy. Cừ đâu rồi? Hóa ra Cừ đang ngồi ở ngoài hiên.
- Hóa ra ông bạn ra đấy ngắm trăng! Lãng mạn ghê nhỉ!
Nghe tiếng Ðoàn, Cừ quay lại, cười nhè nhẹ:
- Ngủ đẫy mắt rồi, ông ạ.
- Ngủ gì mà giở mình liên tục thế. Bà xã còn nói, nghe hơi thở thấy ông yếu lắm.
Ðoàn ngồi xuống cạnh Cừ:
- Hồi ấy anh mới chưa đến ba mươi nhỉ?
- Ừ! Còn cậu, mới hăm nhăm hăm sáu chứ mấy. Mà này có nhớ cái đoạn cách ga Thanh hai mươi cây số không? Cái đoạn năm nào cũng xảy ra tai nạn ấy. Một lần một cái đầu trâu bị cán, trật bánh tàu, gãy mỏ vịt. Còn lần này, cũng một đêm trăng mờ mờ mờ tỏ tỏ thế này, khi mình hãm cấp tốc, tàu dừng lại thì thấy, cách đầu tàu chừng ba mét là một cái thân ngườì nằm ngang trên hai thanh ray.
- Nhớ chứ. Anh nhảy xuống, quát: Ai đấy? Còn sống thì dậy đi! Thì nó bật ngay dậy và nhe răng cười hì hì: Hóa ra em vẫn còn sống hả hai anh! Ðiên hả? Nghe vậy, tôi dấn lên, quát tiếp. Cứ tưởng nghe tôi quát nó sẽ đi, ai ngờ nó lắc đầu kêu, em không điên, em tỉnh lắm! Hứ! Tỉnh sao lại muốn chết.
- Ðúng rồi. Anh gằn thế thì nó kêu muốn chết vì hoàn cảnh. Nghe vậy, tôi liền tiếp: Hoàn cảnh gì? Hoàn cảnh gì thì cũng về ngành cứu trợ xã hội địa phương mà yêu cầu giúp đỡ chứ! Ăn vạ ai ở đây? Thằng cha này nếu không là người bị ma ám thì đích là kẻ mắc chứng tâm thần rồi. Tôi nghĩ vậy rồi giơ tay, vặc: Thôi, biến đi! Và cùng anh đang định trở lại đầu tàu thì thằng cha đã túm lấy tay tôi. Bàn tay hắn gai góc và lạnh toát. Làm cái gì thế? Anh ơi! Cái gì? Anh cho em ít tiền! Vâng ạ. Ở dưới âm em cũng phải tiêu tiền mà rằm tháng Bảy vừa rồi chả có ai đốt cho em lấy một thoi bạc, một nén vàng. Năm ngoái con bồ em nó đốt cho em một sấp đô-la, nhưng quên gửi vào nhà kho ông Vũ Lâm nên bị lũ ma đói ma khát nó cướp mất hết cả, anh ạ.
- Khiếp quá thật! Ðoàn vừa nói vừa rùng mình. Anh có nhớ không? Lên đến đầu tàu anh ôm lấy tôi mà tôi vẫn còn run.
- Tôi nhớ là về sau, chúng ta hỏi địa phương thì được biết vùng này không có ai gàn dở như vầy. Nhưng đoạn đường đó nằm cạnh một bãi tha ma; trong đó có ngôi mộ của một người bị tàu chẹt chết cách đây hai năm. Có đúng không nhỉ?
***
- Anh Ðoàn, sáng bạch rồi. Mời bác Cừ vào ăn sáng đi chứ!
Nghe thấy tiếng bà xã vọng ra, Ðoàn đập tay vào vai Cừ. Vợ Ðoàn bưng lên bàn ăn hai bát mì. Hai ông sao lại kéo ra ngoài ấy ngồi, không sợ sương à? Cừ chào vợ Ðoàn rồi đi vào toilet rửa mặt. Vợ Ðoàn ghé tai Ðoàn thì thầm. Này, nghe giọng ông ấy thều thào lắm. Mà ông dở người hay sao thế. Mới tang tảng sáng đã không bảo ông ấy vào lại còn ngồi rì rầm trò chuyện hàng tiếng đồng hồ.
Ăn sáng xong, Ðoàn kéo tay Cừ ra bàn nước. Cầm tay Cừ anh thấy tay Cừ lạnh toát và chỉ như một lóng xương khô. Ám ảnh vì câu chuyện ma quái đêm qua, rót nước mời Cừ, đột ngột anh hỏi bạn:
- Nhưng mà anh Cừ à, nghe mình hỏi đây, bây giờ cuộc sống thế nào?
- Cũng tàm tạm.
- Nói cụ thể xem!
- Ðại khái là vợ và hai con không phải vay giật. Ruộng thì không đáng kể vì trung du chỉ có ruộng trong thung. Hiện giờ có bảy mươi con gà mới xuống ổ. Ba chục gà giò. Nuôi theo ba cách: nuôi nhốt lồng, nuôi bầy, cho ăn cám cò. Ngoài thí nghiệm lai gà theo công thức: mẹ là giống Tam Hoàng, bố là giống pha, được trứng thì cho gà ta ấp. Còn cái ao cũ mới vượt thổ, thả một trăm con trắm cỏ, giờ bằng cái chai bia Tầu rồi.
- Còn cây ăn quả?
- Sâu đục thân tàn phá chết sạch cả vườn hồng xiêm không thì Tết này hái ra tiền.
- Nhà cửa sao?
- Vừa làm xong. Cái nhà to, gần trăm mét, làm xong thấy rộng quá, sợ phát run lên. Mà Ðoàn ơi, ông có biết là làm xong nhà thì mình cảm thấy thế nào không?
Cừ ngừng lời, quay lại. Ðoàn nhận thấy hai con mắt Cừ vốn u oải, rụt rè, chợt bừng dậy. Cừ thở hổn hển mệt nhọc và cồn cào:
- Lạ lắm cơ, ông Ðoàn ạ. Cứ mỗi lần làm được xong một cái gì đó, lại thấy người rỗng rễnh thế nào, lại thấy phải đi tìm bạn, để khoe với bạn để xem bạn mình sống có khó khăn gì không? Ông Ðoàn, hơn hai chục năm xa nhau rồi. Dẫu không thư từ nhiều, nhưng vẫn theo dõi được nhau. Vẫn nhớ nhau lắm. Vì đã một thời trai trẻ với bao kỷ niệm sống chết vui buồn với nhau. Nên bây giờ gặp nhau rồi, thỏa mãn rồi. Mình xin phép ông…
- Ô hay, thế ông về với tôi nhằm mục đích gì mà chưa kịp đôi hồi đã vội vã ra đi thế.
Cừ cúi mặt, dè dặt rồi ngẩng lên, giọng nghèn nghẹn:
- Mục đích gì à? Mục đích là thăm thú bạn bè. Mục đích là để vợi bớt đi nỗi nhớ. Vì nhớ lại thời trai trẻ. Vì thương nhau lắm, Ðoàn à. Giờ, thấy anh khỏe, gia đình ổn định vui vẻ. Cá nhân anh từ một tài xế được đề bạt lên cương vị trưởng ban điều độ, mà giờ vẫn thân tình không xa cách, anh vẫn là bạn. Thế là mừng rồi. Còn mục đích nào nữa! Ðoàn ơi, ông có biết không, mình đã ngoại bảy mươi, bị mắc bạo bệnh nằm liệt mấy năm liền mới nhúc nhích được ít lâu nay thôi. Nhưng, nhúc nhích đi lại được là phải đi tìm bạn. Mình còn phải đi vài chỗ nữa cơ!
- Trời!
- Này, Ðoàn. Ông có nhớ cậu Thiết cao cao cũng có một thời chạy đường Tây Bắc với bọn mình không? Nghe nói đã chuyển gia đình vào Ðà Nẵng rồi, có phải không? À mà, cậu Thung phụ lái cho ông Thiết hồi này sức khỏe thế nào. Năm ngoái mổ tim, mình có đến thăm, thấy thằng con út bị bệnh bại não nằm một chỗ mà thương quá.
Ôi Cừ! Thế là rõ rồi. Cừ đã mắc trọng bệnh và đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời. Con người không danh tiếng, xuất hiện trong cái bóng hình nhòa nhạt, khổ ải và ốm o, bệnh tật, ở nơi xa xôi vẫn một mình âm thầm lưu giữ bóng hình kỷ niệm xưa, chính người đó đã nuôi dưỡng những tình cảm thiêng liêng tưởng như đã chẳng còn tồn tại trong cuộc sống đang quay cuồng.
Nước mắt ào ra khỏi hai hốc mắt Ðoàn. Ðoàn tiến lại ôm chầm lấy Cừ. Cừ cũng vòng hai tay xiết chặt Ðoàn vào cái cơ thể gầy gò của mình. Cái ôm khiến hai người như gắn chặt vào nhau. Như trở thành một. Nó khiến Cừ sung sướng trào nước mắt. Cứ như đó là cái cử chỉ cả hai đều mong chờ. Nên một lúc thật lâu sau thấy vòng tay Ðoàn hình như đã nới lỏng, Cừ liền nghẹn ngào nói, bao nhiêu năm nay rồi mình mới lại có được cái ôm của đồng nghiệp như thế này đấy, Ðoàn à. Nói thật nhé, về đây được ôm bạn một cái là thỏa mãn rồi.