Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Dù bạn nằm ở đâu…

Lê Ngọc Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiếc điện thoại để chế độ rung vì Bắc đang chủ trì cuộc họp. Dù vậy, nhìn qua anh cũng biết là ai đang gọi. Dạo này, chủ nhân số điện thoại này liên tục gọi cho anh vì một chuyện không mấy vui.

Tạm dừng cuộc họp cho mọi người giải lao, Bắc xin một đồng nghiệp trẻ điếu thuốc, thứ mà đã lâu anh không đụng tới rồi bước ra hàng hiên… Cây bàng già xòe tán trước cửa phòng họp đang mùa rụng lá. Những cành bàng khẳng khiu vẽ lên nền trời như những vết khứa của kí ức, gợi nhớ một thời đã xa…
Dạo ấy, học sinh trường cấp III  Thăng Long hầu hết là con em các gia đình sống ở khu phố Hai Bà Trưng, một trong 4 Khu phố nội thành Hà Nội. Lũ học trò cùng lớp 9K với Bắc đều quanh quẩn mấy con phố những năm đó còn khá vắng vẻ như Hòa Mã, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ, Tô Hiến Thành, Triệu Việt Vương… Nghĩa là nếu muốn tụ tập, mỗi đứa chỉ cần dăm phút đạp xe hoặc mươi phút đi bộ. Cả bọn hay tụ tập ở nhà Hoàng, một căn nhà cấp 4, núp dưới bóng một cây bàng già trên phố Triệu Việt Vương. Nhà Hoàng thành tụ điểm cho nhóm vì mấy lẽ. Trước hết, Hoàng là lớp phó phụ trách học tập, học vừa chăm lại vừa giỏi. Thứ hai, bố Hoàng là phóng viên tại một tờ báo của thành phố, nhà nhiều loại sách báo, tha hồ đọc. Thứ ba, Hoàng là con trai duy nhất trong nhà, giữa một bà chị và một cô em gái nên hay được chăm chút. Điều đó cũng đồng nghĩa với giữa giờ học nhóm bao giờ cũng có chút đồ ăn vặt. Khi thì mấy củ khoai lang luộc, lúc chiếc bánh đa vừng hay vài quả mận…
 Hình minh họa.
Nhóm bạn có 5 đứa, 2 trai 3 gái. Bắc vốn ít lời, nhiều hôm chỉ có Hoàng đấu lại với “ba con vịt” mà cũng um xùm cả nhà. Phần thắng bao giờ cũng thuộc mấy đứa con gái vì dù hiểu biết nhiều, lắm lí lẽ nhưng Hoàng biết nhường. Đã thế anh chàng lại có vẻ ngoài khá duyên với mái tóc hơi gợn sóng, chiếc răng khểnh cùng chiếc lúm đồng tiền làm nên nụ cười rất dễ thương. Có lẽ chính vì vậy mà trong nhóm có đến 2 đứa con gái thầm mến nó.
Một hôm, học xong bài, đang ngồi ăn lạc luộc chị Hoàng đãi, cái Nga, bình thường lanh chanh, đáo để tự nhiên sụt sùi:
- Đang vui thế này, ít nữa vào đại học, mỗi đứa một trường thì chán nhỉ?
- Thì cuối tuần chúng mình vẫn tụ tập chứ sao!
Hoàng an ủi, chìa ra củ lạc vừa tách vỏ có những ba hạt hồng hồng làm ba đứa con gái chí chóe tranh nhau.
Nhóm bạn phải chia tay sớm hơn họ tưởng. Tháng 1/1972, khi vừa hết học kì I năm cuối cùng của phổ thông, Bắc lên đường nhập ngũ, sau 2 tháng đã vào tuốt Quảng Trị. Anh chẳng kịp mời các bạn lên Tôn Đản ăn bữa kem đã đời mừng sinh nhật tròn 18 tuổi như đã hứa. Ba tháng sau, lúc chuẩn bị vào mùa thi tốt nghiệp thì đến lượt Hoàng. Lần cuối hai thằng gặp nhau là trong một đêm Hoàng hành quân qua bến phà trên thượng nguồn sông Hiếu mà Bắc cùng đơn vị anh phụ trách. Đang đứng làm cọc tiêu cho xe qua phà thì Bắc nghe tiếng hét gọi tên mình rồi ào một cái, anh đã nằm gọn trong vòng tay của Hoàng. Bạn anh cùng đơn vị đang tiến vào phía trong, hướng Thành Cổ.
Cùng một chiến trường mà đó là lần duy nhất họ gặp nhau. Không gặp, nhưng Bắc vẫn nghe nhiều tin về bạn mình, vì Quảng Trị lúc ấy đông lính Hà Nội, mà Hoàng khá nổi tiếng. Anh đang đánh giặc theo tâm thế của nhiều người lính lúc ấy: Đã dấn thân vào chiến trận thì “một là xanh cỏ hai là đỏ ngực”! Có vẻ như Hoàng đã đạt được mục đích. Một người bạn từ Thành cổ ra cho biết Hoàng chiến đấu rất dũng cảm, đã được phong tiểu đội trưởng, được kết nạp Đảng ngay trên chốt. Mừng đấy mà cũng lo cho bạn ngay đấy. Vì Bắc biết tính Hoàng, đã nói là làm, bất chấp. Anh chợt nhớ bạn mình với cái dáng lúc nào cũng như lao về phía trước.
Thế rồi, Bắc bị thương vì dính bom B52 và được chuyển ra Hà Nội an dưỡng sau khi điều trị. Hoàng lúc ấy vẫn ở Quảng Trị, nghe đâu cũng sắp được ra học sĩ quan ở Sơn Tây. Đùng một cái, có tin Hoàng hi sinh, mà hi sinh ngay trước ngày lên đường ra Bắc trong một trận đánh nhằm giành lại điểm cao phía bên kia lấn chiếm vi phạm hiệp định Paris. Đau một điều Hoàng hi sinh mà đất vẫn không giành được, xác anh nằm trên hàng rào. Nghe nói, để lấy được xác Hoàng, đơn vị mất thêm 2 người nữa!
Cuộc đời có những chuyện ngẫu nhiên kì lạ. Tốt nghiệp đại học, ra trường Bắc lại được về nhận công tác ở chính tờ báo mà trước đây bố Hoàng từng làm việc. Từ một phóng viên, anh trải qua nhiều công việc, để  cuối cùng là người đứng đầu cơ quan. Với cương vị của mình, năm nào Bắc cũng cùng đồng nghiệp đến thăm bố mẹ Hoàng, lúc đó đã nghỉ hưu. Đặc biệt, năm nào cũng vậy, Bắc cũng dẫn đầu đoàn cán bộ của báo đến nhà thắp hương cho Hoàng vào dịp 27/7. Mỗi lần ngắm di ảnh Hoàng qua làn khói hương, ngắm nụ cười với chiếc răng khểnh cùng chiếc lúm đồng tiền và ánh mắt thông minh, tinh nghịch, Bắc lại nhớ đến câu Hoàng nói hôm hai người gặp nhau lần cuối nơi bến phà dã chiến: Bắc ơi, một là xanh cỏ hai là đỏ ngực, không được hổ danh lính Hà Nội nhé!
Cũng đến mấy chục năm, Bắc mới có dịp hội ngộ mấy cô bạn cùng nhóm. Sau cái năm Bảy hai đầy biến động ấy, hai trong số “ba con vịt” đi du học ở Liên Xô và một nước Đông Âu. Nga, cô bé sụt sùi hôm nào vào Đại học Y Hà Nội, sau đó đi làm nghiên cứu sinh ở Đức. Đường đời của họ có vẻ đúng như một ông thầy tướng nghiệp dư từng nói với mấy đứa: Các cô rồi sẽ khá. Con gái tuổi Giáp Ngọ sẽ làm nên, còn con trai thì vất vả. Họ gặp lại nhau tại buổi đón hài cốt của Hoàng từ một nghĩa trang ở Quảng Trị về yên nghỉ tại nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội. Cũng từ đấy, mỗi dịp 27/7, nhóm bạn thường hẹn nhau cùng đến thắp hương cho người bạn đã hi sinh vì đất nước. Mà cũng chỉ dịp ấy họ mới gặp nhau, vì mỗi người đã có một cuộc sống với đủ mọi lo toan, trách nhiệm cùng những niềm vui, nỗi buồn riêng.
- Hoàng dù mất rồi, vẫn là người kết nối nhóm mình nhỉ?
Một lần Bắc nói với mấy cô bạn thuở học trò.
Không ai hưởng ứng câu nói của Bắc, kể cả hai cô bạn từng dành tình cảm non nớt đầu đời cho bạn anh. Thậm chí họ nhìn Bắc với cái nhìn là lạ, như là anh đã gợi lại một điều gì không nên nhớ…
Từ lần ấy, không hiểu sao Bắc không muốn gặp lại những người bạn trong nhóm những tưởng sẽ gắn bó mãi với nhau thuở nào. Anh cũng không tham dự những cuộc họp lớp, họp khóa… mà có một dạo anh là một trong những người đứng ra tổ chức, là linh hồn kiêm vai trò Mạnh thường quân. Không hiểu sao, mỗi lần như vậy, chứng kiến những người bạn học thuở nào, với những cái bụng đã hơi đẫy ra, đuôi mắt đã rạn, nhiều người thành đạt, giàu có ôn lại chuyện xưa, vui vẻ hát hò, bỡn cợt, tán tỉnh nhau… Bắc lại nhớ đến Hoàng và những người bạn đã không về từ Quảng Trị năm ấy. Vẫn biết người chết thì đã chết rồi, người sống vẫn phải tiếp tục và có quyền vui sống, nhưng anh thường lặng lẽ rút lui, rồi không bao giờ dự nữa, dù bị không ít những lời trách móc, thậm chí cả lời chỉ trích : Nó bây giờ thì to rồi, cần gì bạn bè nữa!
Trong thâm tâm Bắc muốn giữ cho mình những kỉ niệm trong trẻo thuở học trò. Mỗi lần nghĩ tới Hoàng, Bắc lại có một niềm an ủi: Dù sao thì bạn anh cũng đã được đưa về nằm trên mảnh đất thân thương của thành phố quê hương, trong khi còn có bao nhiêu đồng đội khác chưa tìm thấy xương cốt và cũng có bao nhiêu người lính đã hi sinh còn nằm dưới mộ với tấm bia ghi hàng chữ nhói lòng: “Liệt sĩ chưa biết tên”…
Vậy mà đúng vào dịp cả nước kỉ niệm 60 năm ngày Thương binh liệt sĩ, niềm an ủi ấy cũng lung lay. Cô em gái của Hoàng, giờ đã là một phụ nữ trung tuổi mà vẫn váy áo điệu đà liên tục gọi điện và xin hẹn gặp. Vì là em Hoàng nên dù rất bận, Bắc cũng thu xếp thời gian để tiếp. Thì ra cô em Hoàng đã đi gọi hồn, “nói chuyện” với anh trai. Và từ kết quả cuộc gọi hồn ấy cô đã khăng khăng rằng hài cốt chuyển về nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nội năm nào không phải của anh mình. Cô còn khẳng định đã vào tận Quảng Trị theo chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm, đã tìm thấy mộ của anh mình, dưới tấm bia “Liệt sĩ chưa biết tên” ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Việc này đã gây sự bất hòa trong gia đình, đúng hơn giữa vợ chồng bà chị và cô em gái. Bởi ông anh rể của Hoàng chính là người đã thay mặt gia đình đưa hài cốt anh từ Quảng Trị về năm nào. Cô em Hoàng đề nghị Bắc bằng mối quan hệ của mình giúp cô để được phép làm giám định ADN. Trong khi đó thì vợ chồng bà chị cương quyết phản đối. Bắc cũng đã tổ chức những cuộc nói chuyện nhằm tìm một giải pháp hợp lý, (bố mẹ Hoàng đã qua đời từ mấy năm trước) nhưng cả hai bên không ai chịu ai. Cũng qua mấy lần tiếp xúc, Bắc cảm thấy nguyên nhân của sự bất đồng dường như không chỉ nằm trong lý do mà hai bên đưa ra. Nghe đâu họ đã bất hòa về việc sử dụng số tiền bán ngôi nhà nhỏ rợp bóng bàng thân thiết thuở nào…
Chuyện cứ kéo dài đã ngót nửa năm. Cảm thấy bất lực và thương bạn đến se lòng, lại một lần nữa Bắc lặng lẽ “rút lui”, tâm tư trĩu nặng bởi một câu hỏi: Bao giờ thì người sống mới thôi nhân danh người chết vì những toan tính của riêng mình? Và cũng bởi anh muốn bạn mình được yên nghỉ, dù đang nằm ở đâu. Với anh và anh tin rằng với nhiều người khác cũng vậy, Hoàng nằm ở đâu thì cũng thế. Bởi một lẽ giản dị: Những người như Hoàng đã và sẽ vĩnh viễn nằm trong trái tim, kí ức những ai thực sự nhớ thương họ…