Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Gieo một mầm xanh

Truyện ngắn của Kim Huệ
Chia sẻ Zalo

Cô trở lại quê ngoại với một công việc ý nghĩa: Cùng Câu lạc bộ Bảo vệ động vật hoang dã trồng cây.

Lãnh đạo xã ủng hộ. Các lão niên ủng hộ. Trước đây vùng đất bán sơn địa này vẫn bị coi là nơi chó ăn đá gà ăn sỏi, người dân còn dùng đủ mọi cách săn bắt chim muông và động vật hoang dã. Việc chặt phá những chỏm đồi diễn ra phổ biến. Sóng công nghiệp quét qua thị trấn và quất cái đuôi về vùng quê nghèo này, rồi tuột xa, để lại những vạt đồng và đồi thấp bị gặm nham nhở. Người ta chia lô san nền, thế rồi chục năm vẫn chưa triển khai. Trước đây cụ Vin vốn là một cựu chiến binh vì sốt ruột cho tấm thảm xanh quê hương đã bị tước mất, nhiều tán cây bị đốn hạ nên đã nhọc lòng tự nguyện mua cây giống trồng lại. Người dân ủng hộ lắm. Hai năm nay cụ yếu nhiều, rồi hai chân chùng hẳn. Chân chùng thì gối mỏi, mình mẩy đau nhức, lực bất tòng tâm. Hai cánh đồng tổng cộng tới hơn hai cây số đường kênh được trồng keo và bạch đàn, đều tăm tắp, nay đang trổ xanh. Cụ Vin mừng vì điều ấy, song tiếc vì không còn sức lực làm thêm. Sự lo toan vất vả của một đời hằn in trọn vẹn lên khuôn mặt, lên đôi bàn tay và bàn chân sứt sẹo nhăn nheo cảm giác không thể đen đúa và nhăn nheo hơn. Nhiều lần cụ Vin chạm mặt nhóm thanh niên làng, do Hùng cầm đầu leo lên những ngọn đồi săn chim, rồi nhặt củi khô nướng đánh chén luôn trên đó, có khi làm cháy cả một vạt cây. Gặp, cụ nhắc, Hùng hô hố cười bỏ đi. Thói ngang ngược chẳng biết bao giờ bỏ được. Nghe cậu An nói chuyện về cụ Vin qua điện thoại, Diệp Vân thấy một sự thôi thúc trong lòng và muốn tiếp tục công việc của cụ. Cô xin phép cha mẹ và được đồng ý. Đằng nào thì cô cũng không đi học nữa. Cô đã xong phổ thông ở nhà học nghề thiết kế thời trang.

Diệp Vân được chào đón ở quê ngoại, cùng Câu lạc bộ Bảo vệ động vật hoang dã. Giống vốn ủy ban xã chi một phần, còn lại do Câu lạc bộ quyên góp. Cây trồng xong, Diệp Vân sẽ ở tại nhà cậu An hằng ngày chăm sóc. Đoàn thanh niên xã tiếp quản một phần công việc. Số tiền thu hoạch cây sau này được dùng vào mục đích nhân đạo. Người vui mừng nhất có lẽ là cụ Vin. Cụ bảo: “Vùng quê khởi sắc thật sự rồi”. Nụ cười già nua của cụ bỗng chốc như mầm cây trổ trong Xuân ấm. Diệp Vân thưa: “Cụ là người thương cây và thương cánh đồng, chúng cháu muốn góp sức”. Cậu An đùa: “Con bé lớn rồi không chịu lấy chồng, lo chuyện thiên hạ”. Diệp Vân thưa: “Cháu chưa nghĩ đến chuyện chồng con. Cháu thích công việc hiện tại”.

Mồng năm đầu Xuân, đám trai làng dùng súng săn chim cò. Đạn chì chíu chíu, chim rụng tả tơi. Người cười chim khóc. Nụ cười không phải bao giờ cũng là nụ hoa. Những chú chim chưa được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn của mùa lộc mới đã phải từ giã cõi đời. Những chuyến săn vui Xuân vắt sang rằm tháng Giêng, và thậm chí tất bật quanh năm, khi gà vịt cá mú không còn là món ăn khoái khẩu, thì loài chim bị săn bắt nhiều. Hôm gặp đám thanh niên xách cả xâu chim, Diệp Vân đau nhói đến tận tim. Họ đi qua cô, hềnh hệch cười trêu. “Này, em xinh tươi, trồng cây mà làm gì. Rồi máy móc nó cạo hết. Theo bọn anh đi săn, rồi làm vợ anh cho vui”. Đồ vô duyên. Vân nghĩ. Ai thèm theo các anh đi tàn sát. Cô nhìn vào xâu chim lúc la lúc lắc, đỏ lòm máu, như thấy tim mình đang bị bóp nghẹt, rồi bị đạn chì bắn phải. Đám thanh niên vẫn không ngớt trêu ghẹo. Lấy lại bình tĩnh, Vân tiếp: “Em trồng cây để tất cả mọi người hưởng bóng mát và màu xanh. Còn các anh đi bắn chim, chỉ sướng miệng các anh uống rượu, còn những chú chim phải chết, tổ ấm của chúng tan vỡ”. “Ôi giời, em chỉ nói vớ vẩn. Của trời đấy, ai thích thì bắt chứ”. Nói rồi họ cười hô hố, bỏ đi.

* * * * *

Giật mình vì tiếng xe lăn đổ uỵch, Diệp Vân quay người lại. Là Hùng, anh chàng khét tiếng săn chim ngày trước nay phải ngồi xe lăn, đi đường lỡ đà. Cô gái chạy đến đỡ anh dậy. Anh chàng ngồi cân lại, vuỗi bụi, không nói lấy một câu cảm ơn, cứ thế đi thẳng. Người gì mà vô duyên, chút lịch sự tối thiểu cũng không có.

Cô ấn tượng bởi khuôn mặt cứng đanh lạnh lùng đến khó chịu đó. Về hỏi cậu An. Quả nhiên Hùng người làng này, con chủ trại vịt và lò gạch, gặp hạn vì đam mê săn bắn chim. Số là, Hùng cùng nhóm bạn đi săn ở đồi Cói, trong lúc sương mờ anh bị bạn bắn vào đùi, trúng chỗ hiểm. Một bên chân của anh vĩnh viễn bị liệt, không bệnh viện nào cứu chữa được. Gã trai ngang tàng, nghịch ngợm, đi đến đâu là chim chóc bay loạn xạ đến đó giờ bị trói bởi một giới hạn mà sự nghiệt ngã và sự ngu muội mà chính mình gây ra. Mấy lần anh ta tự tử nhưng không thành. Quê hương, dường như có cách xoa dần những vết nứt trong tâm hồn anh. Cô gái và Hùng cứ như có duyên. Hai hôm sau cô trồng cây ở đường Rặng Duối thì Hùng đi qua, vẫn khuôn mặt lạnh lùng ấy. Thấy Diệp Vân trồng cây, chàng trai dừng lại nhưng không nói gì, khuôn mặt lầm lì có vẻ bực bội. Lúc sau, Diệp Vân nói: “Anh nợ tôi một lời cảm ơn”. Hùng nhệch miệng: “Ai cần cô giúp mà cảm ơn. Nếu đợi lời cảm ơn thì đừng giúp”. Giỏi lắm! Miệng liến thoắng của Hùng làm Vân sững sờ. Cô nhủ gã này láu cá thật. Câu lạc bộ và Đoàn thanh niên xã đã phủ xanh đồi Cói. Cây ven đường Rặng Duối đã được trồng xong. Diệp Vân vui mừng vì lời đề nghị của mình và sự thôi thúc khó hiểu từ những giấc mơ màu xanh, từ sự nhọc nhằn muốn giúp quê hương của cụ Vin, qua câu chuyện cậu An kể, đã làm nên thành công này. Diệp Vân như bị quê hương bỏ bùa, quê hương nhuốm lên tim cô sự nhạy cảm về thứ trách nhiệm vượt qua số tuổi của một thiếu nữ. Nhiều người đã vui. Chẳng ít người trước đây từng chặt phá cây vô tội vạ làm củi đun đã cảm thấy xấu hổ. Đêm qua cô mơ thấy mình chìm trong giấc mơ lạ, cô cày cục trồng trước cửa nhà mỗi người dân quê cô một cái cây và chăm sóc trong tâm tưởng họ tình yêu màu xanh. Thế rồi mọi cái cây đều đổ trong một trận bão lớn. Giấc mơ làm cô hoang hoải đau. Sau, cô mơ đến Hùng, anh chàng ngồi xe lăn có khuôn mặt cáu kỉnh khó chịu. Cô tỉnh dậy và không thể chợp mắt. Tự nhiên sao lại nghĩ nhiều đến Hùng? Anh ta chỉ là con một nhà giàu, săn bắt chim chóc bất chấp nguy hiểm. Ông trời có đức hiếu sinh. Còn anh ta và các trai tráng ra sức sát sinh. Chuyện anh ta gặp nạn, phải ngồi xe lăn và tinh thần suy sụp phải chăng là một sự báo ứng? Anh ta gặp nạn không đi săn thì những gã trai khác tiếp tục. Dù thế nào thì gia đình Hùng cũng đã phải gánh chịu hậu quả từ việc quá nuông chiều con. Diệp Vân muốn dọn khỏi đầu những ý nghĩ này, nhưng nó cứ bám riết lấy.

* * * * *

Diệp Vân và Hùng rơi vào một cảnh huống dở khóc dở cười. Hùng ra đồng, lỡ đà cả người và xe lăn lao xuống mương nước. Cô gái có khuôn mặt hồng và nụ cười như hoa vội vàng nhảy xuống kéo Hùng lên. Đầu Hùng chúi trong nước. Anh quẫy đạp, vùng vẫy, không muốn ai giúp. Anh gào lên trong đau khổ và tuyệt vọng. “Mặc tôi. Kệ tôi!”. Vân hiểu sự đau khổ đang ngấm qua những biểu hiện này. “Hãy bình tĩnh, để tôi giúp anh”.

Thêm một lần Hùng không nói lời cảm ơn. Người và xe bê bết bùn, nước. Anh chàng lết xe trong chiều nặng nề tội nghiệp. Diệp Vân không muốn nghĩ nhiều đến anh, nhưng cứ thấy nhói đau trước một bi kịch. Ở nơi này, gia đình anh thét ra lửa, đám thanh niên trai tráng phải kiêng nể. Nhiều thằng choai choai làm đệ tử của Hùng. Nay Hùng như hổ bị nhổ nanh, như chim gẫy cánh, chẳng thể nào tung hoành. Muốn thoát khỏi chiếc xe lăn mà cứ phải ôm lấy nó. Đúng là bi kịch.

Câu lạc bộ thiện nguyện đã tạm ngừng công việc, chỉ mình Diệp Vân chăm sóc cho những hàng cây ven đường. Trên các quả đồi, Đoàn thanh niên xã chịu trách nhiệm phủ xanh và chăm sóc. Cụ Vin như trẻ ra đến mấy tuổi. Các bô lão gật gù khen đám trẻ giỏi giang. Mỗi người đều biết Diệp Vân là tấm gương. Cô được sinh ra ở phố, mà sao lòng luôn thao thức vì quê? Và cô, đã trồng trong họ hạt mầm tình yêu thiên nhiên.

Lẽ ra Diệp Vân muốn trở về thành phố với gia đình, nhưng cô lán lại vì Hùng. Anh ta không thể sống vô nghĩa được. Anh ta phải yêu lại bản thân. Một hôm, cô tìm đến Hùng. “Anh không thương mình thì cũng phải thương cha mẹ. Nếu cứ tìm đến rượu và sống trong sầu muộn, ghen tị, là anh đang hủy hoại cả tình yêu mọi người dành cho anh”. Hùng hơi điếng người. Hai bánh xe lăn run run. Mắt anh chắt ra hai hàng nước. Diệp Vân tiếp: “Tôi đã trồng ở đường Tuổi Trẻ mà làng mình mới gắn biển năm cây bằng lăng và năm cây phượng vỹ. Tôi trồng nó vì nghĩ đến anh. Anh hãy coi đó là kỷ niệm dành cho anh. Mong anh đừng hoang phí đời mình”.

Sau buổi gặp, Hùng lăn xe đến đường Tuổi Trẻ, con đường đang xanh trong sức sống mới. Hùng đã khóc khi nhìn những gốc phượng, bằng lăng. Từ hôm đó, tự nhiên Hùng trở nên lành hiền, nhã nhặn hơn. Anh muốn được nói chuyện với Vân, muốn nhìn thấy cô những buổi chăm cây. Thậm chí muốn đứng xa nhìn ngắm cô gái ngước nhìn mặt trời lặn. Diệp Vân ôn tồn hơn khi anh nở nụ cười. Lặng một hồi lâu, anh nói: “Xin cảm ơn em nhé!”. Đó là nụ cười đầu tiên Diệp Vân nhận được từ anh. “Này cô gái, anh sẽ không chán ghét bản thân nữa. Anh biết là em đã cố trồng trong tâm hồn anh hạt yêu thương và tha thứ. Anh chẳng ngu dốt đến nỗi không nhận ra. Và hạt đó đang nảy mầm. Cảm ơn em. Anh phải tự giúp mình thôi”.