Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Hơi ấm Linh Cảm

Trần Nguyễn Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đơn vị nhận lệnh vượt sông trong chiều tối, Hồ ở trong tiểu đội cuối cùng qua sông.

Anh còn nhớ như in khung cảnh dòng sông thênh thang và hai bên sông những quả đồi trơ trụi bom đạn. “Khẩn trương lên các đồng chí ơi, giờ này địch thường bắn phá”. Những khuôn mặt thanh niên xung phong thấp thoáng trong vành mũ nhuộm bùn non. Nụ cười khiến cho người ta cảm thấy mọi thứ trên cuộc đời này chẳng có gì đáng ngại.
 Minh họa: Mỹ Văn
Xốc ba lô lên vai mà anh vẫn còn tần ngần vì giờ đây cuộc chiến đấu mới thực sự bắt đầu. Anh sẽ qua dòng sông này tiến lên phía rừng núi nơi cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng năm xưa chống Pháp diễn ra, để bắt đầu một cuộc chiến đấu mới chống giặc Mỹ trong thời đại của mình. Anh vẫn tin ngày sẽ trở về bến phà, có thể là một anh thương binh, có thể là một anh hùng, anh muốn ghi nhớ những gì nhìn thấy hôm nay như ký ức cuối cùng trên đường vào Nam chiến đấu.

“Đồng chí ơi, sao lại thẫn thờ thế kia, nhớ người yêu hả! Muốn chết hả”. Ai đó gào lên và đẩy Hồ lên phà. Bực mình quá. Ngoái lại, anh thấy một khuôn mặt trắng như trứng gà bóc, những lọn tóc mai phất phơ dập dềnh cùng sóng nước. Chiếc phà qua sông mà tiếng ai đó kêu lên: “Các đơn vị chú ý, máy bay địch đang đến gần”.

Sao lại thế này nhỉ. Lên đênh trên phà dưới làn bom địch. Cảm giác ớn lạnh sống lưng. Hồ kéo khẩu súng AK khỏi vai chĩa lên trời. “Anh làm gì thế. Cất súng ngay đi. Hãy giữ bí mật qua sông”. Vẫn tiếng người con gái lúc nãy. Hậm hực, Hồ nằm xuống trên chiếc phà. Cảm giác bực bội khó tả của người lính tân binh không được phép nổ súng để đội hình âm thầm qua sông trong chiều tối, giữa những tiếng bom rơi đạn nổ vang trời.

Một quả bom sẽ rơi gần cái phà, hoặc trúng giữa phà, không phải một trái mà cả một chùm. Cột nước sẽ dựng lên chót vót và những chiếc ba lô còn mới tinh bay trên đỉnh trời. Cảm giác tái tê của Hồ trong đạn lửa rạch ngang dọc bầu trời. Anh tiếc nuối lắm, Hồ đã viết đơn bằng máu xung phong vào bộ đội vào Nam chiến đấu, nhưng mới qua phà Linh Cảm chưa vào đến rừng Trường Sơn mà anh sẽ nằm lại đây hay sao.

Cảm giác cay sè nơi sống mũi của anh chàng sinh viên Đại học Tổng hợp. Không, mình phải sống, phải vào Nam chiến đấu, không thể hy sinh ở hậu phương thế này. Anh nhào mình dậy, định băng mình xuống sông mà bơi vào trong bờ, nơi đơn vị đang chờ tiểu đội anh. Không, một ngọn núi đã đè sập anh xuống khiến Hồ như bất tỉnh trên chiếc phà phủ đầy sóng nước và khói bom.

***

Một hơi ấm lạ lùng đã khiến anh giật mình tỉnh lại. Anh đã nghe rõ tiếng pháo cao xạ của ta điềm tĩnh bắn lên trời, từng phát đạn đĩnh đạc, sắt đá khiến cho kẻ thù phải hoảng sợ. Anh thấy mình trôi đi như một dòng nước ướt rượt mồ hôi hay là máu?

Hồ nhận ra ai đó đang nằm trên lưng anh, đè cả lên khẩu súng của anh. Ôi, một người con gái. Chưa bao giờ anh gần một cô gái đến thế này. Cô ấy nằm che cho anh khỏi những mảnh bom, hay cô ấy đã hy sinh khi đưa anh qua phà Linh Cảm?

Hồ cảm thấy đôi chút cảm giác xấu hổ đang dâng lên. Lẽ ra anh phải là người che chắn cho cô thanh niên xung phong, nhưng hóa ra người được che chở lại là anh, một người tân binh chưa bao giờ giáp mặt với kẻ thù.

“Cám ơn cô, nhưng tôi không sao đâu”. Anh nói với người nữ thanh niên xung phong bến phà Linh Cảm. Anh mong đợi một tiếng trả lời sau lưng mình. Anh cần một tiếng quát, một lời mắng cũng được. Không. Hồ sợ sự im lặng này đến chát miệng.

Anh không rõ nước sông bom dội hay máu của họ đã thấm ướt trên chiếc phà. “Cô có sao không, bạn ơi?”. Hồ nhoài người dậy. Ôi, vẫn là cô gái ấy, mặt bánh đúc, trắng như trăng rằm. Nhưng sao không trả lời, không nói lấy một câu? “Hãy nói gì đi chứ? Người đã cứu mạng sống của tôi!”. Chàng sinh viên trẻ như muốn gào lên khi những đồng đội dìu anh vào bờ và một mảnh bom sắc ngọt sượt qua vai lúc nào máu tuôn chảy xuống bến phà Linh Cảm.

“Đồng chí hãy lo cho mình trước đi. Ở đây, chúng tôi quen với bom đạn quá rồi. Các đồng chí phải khẩn trương lên xe rời bến phà này càng nhanh càng tốt. May bay địch lại sắp tới nữa rồi”. Một nữ chỉ huy thanh niên xung phong nói với Hồ. Sao lại thế nhỉ. Anh sẽ lên xe và đi, để lại cách cô nơi bến phà này chống chọi với trận bom tiếp theo hay sao. “Tôi xin ở lại chiến đấu” – anh nói. Người nữ chỉ huy nghiêm giọng: “Lệnh trên là các đồng chí phải khẩn trương rời bến phà. Chúng tôi đã có phương án đối phó với máy bay địch”. Nhiệm vụ của chúng ta là vào Nam chiến đấu. Đồng đội nhắc Hồ. Anh theo mọi người lên những chiếc xe ngụy trang lá cây để tiến sâu vào rừng. Sau lưng anh, bến phà lại tiếp tục đón một trận bom mới.

Hồ giật mình, anh gọi to để người chỉ huy nữ thanh niên xung phong nghe thấy: “Chị ơi, cho tôi hỏi cô thanh niên xung phong đã cứu tôi tên gì? Cô ấy có bị sao không?”. Người chỉ huy không trả lời, một giọng nữ cất lên từ phía những làn khói bụi mịt mùng: “Cô ấy không có tên đâu. Cô ấy là thanh niên xung phong Linh Cảm. Chúng tôi cũng chưa biết cô ấy có bị sao không, hiện đang băng bó. Đồng chí cứ yên tâm chiến đấu. Hẹn ngày thống nhất nhé!”.

***

Anh trở về Linh Cảm sau nhiều tháng năm hòa bình. Không hẳn là anh quên bến phà này đâu, nhưng ký ức chiến trường của anh trải dài nhiều năm tháng, nhiều địa danh và nhiều trận đấu ác liệt. Tình đồng chí, đồng đội, nghĩa đồng bào… nơi nào cũng để lại trong anh nhiều ký ức không thể quên. Cho đến một hôm, khi đoàn xe thăm lại chiến trường xưa đi qua dòng sông xanh biếc. Ai đó buột miệng bảo: “Mọi người có nhớ chỗ này không nhỉ? Bến phà Linh Cảm đấy. Ai từng qua nơi này thì giơ tay”. Hồ giơ tay lên, một bàn tay của anh đã gửi lại chiến trường, nhưng cánh tay của anh vẫn vươn cao nhất: “Tôi đây các đồng chí”.

Đoàn cựu chiến binh ghé thăm đền thờ Linh Cảm Đại Vương gần bến phà năm xưa, chính nơi đây Hồ đã được băng bó trước khi lên xe đi vào chiến trường trong tối hôm đó. Một buổi tối mà lửa đạn thay ánh sao, bom nổ nhiều hơn tiếng người. Nghe có khách, các cựu chiến binh quanh đền thờ liền ghé tới mời nước chè xanh, kẹo lạc. Câu chuyện râm ran về bến phà, về những ngày gian khổ năm xưa.

Hồ đứng lên, thay mặt mọi người cám ơn những nữ thanh niên xung phong và nhân dân, dân quân, bộ đội phà Linh Cảm đã giúp đơn vị anh và nhiều đơn vị khác vào Nam chiến đấu an toàn. Tiếng vỗ tay râm ran.

Ngập ngừng một lúc, Hồ bảo: “Tôi muốn nhân đây tìm một nữ thanh niên xung phong đã lấy thân mình che cho tôi trên chiếc phà. Tôi không biết tên cô ấy. Tôi cũng không biết cô ấy sống chết ra sao, chỉ biết tôi cũng bị mảnh bom găm vào phần mềm. Nghe nói cô ấy được băng bó ngay dưới bến sông”. Không khí trầm lắng lạ thường. Nghe tiếng gió thổi ngoài sông, nghe cả những tiếng chim ca trên núi.

Một cựu nữ thanh niên xung phong đứng dậy. Khuôn mặt cô rám nắng, mái tóc hoa râm, nhưng đôi mắt còn xanh biếc như dòng sông kia vẫn thao thiết chảy. Cô nói: “Xin cám ơn đồng chí vẫn còn nhớ đến bến phà chúng tôi. Nhưng câu hỏi của đồng chí thật quá khó trả lời vì năm tháng qua đi, nhiều sự đã đổi thay. Chị em chúng tôi chiến đấu nơi đây, đa phần đều bị thương, nhiều người hy sinh, điểm chung là chúng tôi sẵn sàng lấy thân mình che chở cho bộ đội trong các trận bom. Bởi vì thế, thật khó biết ai là người đã che chở cho đồng chí vào cái đêm hôm ấy. Nếu nhận, mà nhỡ lại không phải là người hôm ấy thì sao?”.

Nghe tiếng các cô khúc khích cười, lại một câu hò vang lên “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục…”. Rồi các cô lại quay mặt đi, như thể không cho Hồ nhìn họ, không cho anh tìm kiếm người con gái năm xưa.

Chuyến xe chở các cựu chiến binh thăm chiến trường xưa lại rời Linh Cảm mà tiến vào Nam, theo dấu chân của chính họ năm nào, để lại Linh Cảm một bầu trời xanh nghe ngây ngất một câu hò, câu ví man mác đậm sâu. “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục, thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh”. Những nữ thanh niên xung phong ít ỏi còn lại sau năm tháng lửa đạn đứng bên đường vẫy chào đoàn xe. Họ cười nói với nhau: “Các anh ấy hẹn thống nhất sẽ về, bây giờ đã về, nhưng rồi lại đi”.

Bất giác, Hồ như tìm lại được hơi ấm năm xưa đã đánh thức anh trong trận mưa bom. Một hơi ấm thật là lùng, thật là vô danh, mà sao khiến tâm can anh rung động, khiến anh như từ cõi chết trở về, từ trong vết thương vùng đứng dậy hiên ngang đi vào cuộc chiến đấu can trường suốt nhiều năm sau đó. Anh chưa bao giờ thấy mình có được lòng dũng cảm như người con gái Linh Cảm kia, dù anh đã từng chiến đấu sinh tử và từng nhận nhiều huân chương chiến công, song đôi khi anh nghĩ tất cả điều đó cũng là bắt nguồn từ sức mạnh mà cô gái vô danh ấy đã truyền sang cho anh trên chiếc phà lọt giữa trận bom. Một hơi ấm của lòng dũng cảm và sự bao dung.

“Mình không bao giờ có thể tìm thấy cô ấy, vì mình không biết tên mà”. Anh tự trách mình sao không biết được cái tên người đã cho anh cuộc sống và chiến đấu, niềm tin, hy vọng lẫn năm tháng hôm nay. Cô ấy còn sống hay đã hy sinh? Cô ấy có ở trong số những người kia không nhỉ. Cô ấy không có tên đâu. Anh chỉ biết gọi cô là cô gái thanh niên xung phong bến phà Linh Cảm.