Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Hồi hương…

Vũ Thị Huyền Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáu năm trước, lúc Thuần đang loay hoay bắc ghế dùng băng dính dán lại những vết nứt trên trần nhựa thì chị gọi.

Giữa Xuân mưa suốt, ẩm ướt đến từng ngóc ngách trong nhà. Thuần đã chán ngấy cảnh đi ở trọ cứ đêm mưa phải thức dậy hứng chỗ dột khắp nơi. Mưa thường khiến con người ta thấy cô đơn nên hay có cớ nhớ thương ký ức. Chị gọi vào một ngày như thế. Lúc tâm trạng Thuần còn mải miết đâu đó trong căn nhà lợp lá cọ, tường đất nứt nẻ bốn phía gió lùa. Giọng chị lành và ấm:

- Chị mới nhận được bài em gửi viết về mùa cọ ỏm. Chị đọc mà rưng rưng khóe mắt. Quê em ở Phú Thọ đúng không? Ở chỗ nào Phú Thọ? Có gần đền Hùng không em?
 

- Dạ. Nhà em cách đền Hùng cũng không xa lắm. Độ nửa giờ đi xe máy là tới thôi chị ạ.

- Quê gốc chị ở Lâm Thao này. Nhưng chị theo gia đình chuyển vào Sài Gòn gần hai chục năm nay rồi. Từ bấy đến giờ vẫn chưa có dịp nào về thăm quê. Bao lần hứa về mà cứ bận bịu hoài. Tệ quá.

- Vậy chị em mình là đồng hương rồi. Em vẫn thường đi qua Lâm Thao. Đoạn đường đê dọc sông Hồng đó chị. Mùa này nước sông bắt đầu cạn. Cát trắng nổi lên từng bãi lớn.

- Người ta còn trồng những bụi tre ở đó không em?

- Còn chị ạ. Năm nào em cũng mua được vài cái măng mai người ta bán ở vệ đê.

- Chị thèm về quê quá. Đọc những câu chữ của em tràn ngập bóng dáng quê hương.

- Hay là Giỗ tổ Hùng Vương năm nay chị về đi. Cả nước đều được nghỉ lễ mà.

- Nhưng bố chồng chị yếu lắm. Chị đi thì ai chăm. Các con còn nhỏ nên chị chẳng yên tâm mà xa chúng dù chỉ một ngày. Nhưng thế nào cũng có dịp chị về, khi đó nhất định sẽ alo em.

Chị là biên tập viên một tờ báo văn nghệ trong Sài Gòn. Thỉnh thoảng Thuần vẫn gửi bài cộng tác kiếm tiền nhuận bút trang trải cuộc sống thường ngày. Thuần nghỉ làm báo đã lâu, chuyên tâm vào nghề viết văn mà mình được đào tạo. Dấn thân vào con đường chữ nghĩa nhọc nhằn, Thuần chỉ mong nhận được sự đồng cảm qua từng trang viết. Thỉnh thoảng lại có một cuộc điện thoại gọi đến để hỏi tác giả sao kết truyện lại không có hậu? Sao nữ chính chọn sống một cuộc đời vô vị thế? Sao cái thiện lại thua cái ác? Hoa bìm bìm nở vào mùa nào cô ơi? Tôi chưa đến vùng Trung du miền núi phía Bắc lần nào mà nghe cô tả phát mê… Họ khiến Thuần thêm yêu nghề, thấy bớt đi cô độc. Nhưng thường họ chỉ gọi một lần rồi thôi. Cuộc sống mưu sinh vất vả đã cuốn tâm trí họ rời khỏi những trang văn. Chỉ có chị là lần nào đọc xong bài Thuần cũng gọi. Nhiều khi chỉ để hỏi ngoài ấy mùa này cọ đã chín chưa? Thèm bát canh rau sắn ngâm chua quá em ơi, thả thêm vài con tép đồng vào là ngon hết nấc. Em biết ăn rau đắng cảy không? Mùa này ngoài ấy có sấm chưa? Sấm rồi à? Thế thì không ăn được rau đắng cảy nữa đâu, cứ có sấm là đắng ngắt. Những cuộc điện thoại kéo dài đôi khi chỉ để gợi cho nhau hương vị một món ăn. Chị nói ai xa quê biền biệt mới thấy ký ức đắt hơn cả vàng ròng…

- Măng khô em gửi vào nấu ăn ngon lắm. Khác hẳn thứ măng khô bán ở siêu thị và khắp các chợ lớn nhỏ trong thành phố. Chắc là bởi vì có thêm vị quê hương.

- Năm nào mẹ em cũng phơi măng. Không mang bán mà chỉ để làm quà cho thông gia, người thân và bạn bè của các con ở nơi xa. Những mẻ măng phơi đều nắng nhất bao giờ cũng rất ngon. Mẹ còn nói bao giờ chị về quê, nhất định sẽ đãi chị món cá thính.

- Em làm chị nhớ mẹ quá. Hồi còn sống mẹ chị cứ ao ước được quay trở lại vườn xưa. Được sống trong ngôi nhà cũ, cười nói với những người hàng xóm cũ. Trước lúc mất, mẹ nói ước nguyện được mang tro cốt về quê. Nhưng con cháu đều ở Sài Gòn nên chẳng đứa nào muốn mẹ về quê một mình. Ngày giỗ năm nào chị cũng nghĩ mấy món cỗ cúng toàn xôi thịt mẹ đâu có thích. Mẹ giống chị chỉ tha thiết thèm một bát canh rau sắn nấu với tép đồng. Mẹ đau đáu quê đến tận khi nhắm mắt…

* * * * *
Chị gọi lúc Thuần đang cặm cụi hoàn thành bản thảo dự thi. Trời nồm, nhà cửa dính dấp đến mức Thuần thấy những con chữ cũng co ro trong trang viết. Trời đang nắng bỗng đột ngột chuyển mưa. Không khí lạnh tràn về để đón một cái Tết Hàn Thực đang đến gần. Thuần gấp rút làm xong công việc vì muốn về nhà cùng mẹ nặn bánh trôi. Giờ này ở quê chắc mẹ đã kháp sẵn đỗ xanh, chỉ chờ các con về là đi xay bột nặn bánh. Nên năm nào Thuần cũng về nhà vào đầu tháng Ba Âm lịch. Như là một cái hẹn tha thiết với quê hương. Đúng lúc Thuần bận rộn nhất thì chị gọi. Giọng mừng vui như trẻ nhỏ, chị hớn hở thông báo:

- Chị đặt vé máy bay rồi. Tuần sau sẽ bay ra Bắc để kịp về dự lễ Giỗ tổ. Chỉ được nghỉ một ngày thôi nhưng cơ quan tạo điều kiện cho nghỉ thông đến cuối tuần.

- Vậy còn bố chồng, còn tụi nhỏ. Ai trông?

- Tụi nhỏ đi picnic với trường đã có cô giáo chủ nhiệm lo. Bố chồng chị dạo này khỏe hơn đã tự đi lại được. Nên chồng chị bảo cứ yên tâm mà đi. Mà em thích ăn gì trong này không để chị mang ra? Chị có mua thêm vé hành lý để mang ít bánh trái về thăm quê cũ biếu bà con hàng xóm thân thiết khi xưa.

Thuần nghe như trong chị cũng có mưa. Phải xa quê đằng đẵng như chị mới có thể hiểu được niềm xúc động khi có dịp hồi hương. Chị còn gửi cho Thuần cả hình chụp vé máy bay với lịch trình rõ ràng. Như muốn nói “lần này chị không thất hứa đâu. Chị ra Bắc thật”. Cả đêm hình như chị không ngủ được. Cứ thỉnh thoảng lại nhắn hỏi Thuần trời còn mưa không em? Ngoài ấy có lạnh không? Từ sân bay bắt xe nào để về đến chỗ em trọ? Chị muốn về thăm quê cũ. Sau đó đi đền Hùng rồi ghé thăm mẹ em trước lúc vào lại Sài Gòn… Thuần mường tượng ra cảnh chị hồi hộp đến không ngủ được, chứ trằn trọc trên giường. Thỉnh thoảng lại mở vali xem còn quên thứ gì không? Xem mang bấy nhiêu quần áo liệu đã đủ mặc? Xem quà mang theo liệu đã đủ chia? Chị sợ lâu ngày không ăn món Bắc bụng dạ sẽ ẩm ương nên mấy loại thuốc thông thường chị mang đi đủ. Thuần cười bảo ngoài này đâu có thiếu thuốc, chị mang làm gì cho cực? Ở đầu dây bên kia tiếng chị cười lanh lảnh: “Ờ thì…”

Hôm đón chị ở sân bay trời mưa lất phất. Thuần đưa áo khoác nhưng chị không vội mặc. Mỏng manh áo lụa, chị ngửa cổ lên trời hít một hơi thật sâu. Thuần nhắc:

- Mặc áo vào đi chị. Ốm đấy.

- Rét ngọt quá. Chị thèm bao lâu nay cái cảm giác này. Nếu thêm chút nắng ấm nữa thì hẳn là rất thơm. Đôi lúc chị sợ cái nắng nóng khắc nghiệt và bụi bặm Sài Gòn sẽ biến mình thành con người khác. Nhưng hóa ra không phải thế. Trong mỗi chúng ta luôn có chỗ cho những điều tốt đẹp.

Thuần thấy mình lẫn đâu đó trong ánh mắt đẹp mà buồn của chị. Lúc ngồi sau xe Thuần trên chặng đường về quê chị lặng im như mải miết chìm đắm vào khoảng trời ký ức. Chị ngồi giữa Thuần và đống hành lý chằng buộc đằng sau. Thỉnh thoảng chị thò hai tay vào túi áo khoác của Thuần, dựa đầu vào lưng Thuần hát một bài ca gì đó. Trên đường thỉnh thoảng lại thấy một chuyến xe khách căng biển “Hành hương về Giỗ tổ”. Chị bảo “chắc là đông lắm. Mà xem trên tivi thấy đền Hùng được trùng tu, tôn tạo đẹp lắm. Lần này về chị phải đi hết. Cao mấy cũng gắng sức leo. Ngày bé chị được đi Đền Hùng cùng mẹ vài lần. Trước hôm đi mẹ hay nắm cơm muối vừng hoặc thổi xôi mang theo. Hồi ấy mẹ con đèo nhau bằng xe đạp. Đi thành từng đoàn hội phụ nữ. Cực nhưng vui”. Rồi chị im lặng hồi lâu mải miết trong dòng suy tưởng.

Thấp thoáng phía xa dòng sông Hồng hiện ra trước mắt. Chị nói khi nào đến cầu thì dừng lại. Chị muốn đứng trên cầu ngắm dòng phù sa êm đềm chảy. Ngày nhỏ, chị hay theo ông ra sông câu cá. Mùa nước cạn thì theo mẹ ra bãi sông trồng ngô, trồng lạc. Sông gắn liền với đời sống những người dân quê chị. Trong bữa cơm có bát tép sông kho, trong giấc ngủ có gió sông thổi mát. Đất nhà chị ở ngày xưa là đất phù sa bồi đắp. Trồng cây gì cũng tốt tươi trĩu quả. Ấy vậy mà phải từ bỏ để theo gia đình bên nội đi lập nghiệp nơi xa. Giờ trở lại, những người già chắc không còn sống. Bạn bè thuở ấu thơ không biết có còn bám trụ quê hương hay cũng sống tha phương. Thuần hiểu cảm giác thương nhớ bồi hồi của một người con xa quê mới trở về. Thuần giục chị “lên xe thôi kẻo tối. Sắp về tới nơi rồi”. Xe chạy dọc triền đê, gió thổi ù ù bên tai thoảng mùi phù sa, mùi rơm rạ bếp chiều. Từng đàn bò thong thả về chuồng, tiếng nghé ọ gọi đàn văng vẳng. Dưới đồng, lúa đang thì con gái mơn mởn tươi xanh.

- Bao lâu rồi chị mới thấy lòng mình bình yên đến vậy. Cứ gồng mình sống giữa thị thành chật chội bon chen mới thấy quý những phút giây này. Chị đói rồi, thèm được ăn cơm quê quá.

- Chắc giờ này mẹ em đang chờ cơm ở nhà. Nghe nói có món mà chị thích.

- Canh rau sắn ngâm chua ư?

- Cả cá thính rán, cà pháo muối và gà thả đồi nữa chị. Gà nhà nuôi sạch, ngày nào cũng leo đồi như vận động viên. Thịt săn chắc, rắc thêm ít lá chanh thì cứ gọi là… ngon hết nấc.

- Đãi chị món gà đồi để chị lấy sức leo hết các bậc thang trong Đền Hùng đấy ư? Yên tâm đi, chị đã chuẩn bị giày thể thao chuyên leo núi đây rồi. Thứ gì cũng đầy đủ chỉ thiếu mẹ và cơm nắm muối vừng. Nhưng chị tin chuyến hồi hương lần này luôn có mẹ đi cùng.

Chị khẽ mỉm cười tựa đầu vào vai Thuần. Xe trôi đi giữa triền đê lộng gió…