Truyện ngắn: Khôn dại ở đời

Hoàng My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở cái nơi học chủ yếu để lấy chứng chỉ ấy, tôi gặp Trà. Trái với cái dáng vẻ nhỏ nhắn nhẹ nhàng ấy, Trà khá tự tin và có chút thể hiện mình, khác hẳn với đám đàn bà con gái chung lớp.

Nhìn quanh hơn ba mươi mống trẻ có, sồn sồn có đang nhăm nhe bước vào lĩnh vực kinh doanh từ nghề chăm trẻ ấy, chắc chỉ mỗi tôi và Trà là có công ăn việc làm khác ngành. Một chị học viên khác, nhìn khó đoán tuổi lẫn vị trí xã hội buông lời nhận xét:

- Thật không phải muốn đụng chạm, nhưng cứ nhìn vào mặt bằng học vấn lẫn năng lực của mấy chị em xung quanh, là đủ hiểu vì sao cứ vài bữa là báo chí lại phanh phui một vụ bạo hành trẻ nhỏ. Đi học mà diện đầm dài thậm thượt, hở trước trống sau, lại còn bôi trét tung tóe, mở miệng ra thấy toàn váy áo mỹ phẩm và “mơ một hạnh phúc”, hỏi sao…

Nói thế, nhưng số buổi tôi ghé ngang lớp học ít lắm, thậm chí còn chưa đủ để biết hết mặt giáo viên phụ trách nữa kìa. Toàn bộ tài liệu chương trình tôi đều nhờ Trà tom góp dùm. Để trả ơn, tôi hay mời cô ấy ăn cơm văn phòng, nhân tiện trò chuyện giải trí chơi. Coi như tìm kiếm mối quan hệ để mai này biết đâu còn mở trường, kiếm cơm.
 Minh họa: Mỹ Văn.

Trà đang phụ trách nhân sự cho một công ty liên doanh, với mức lương đủ khiến cho một người có thâm niên đi làm như tôi phải thèm muốn. Gái hai con, nhưng trông Trà có vẻ thảnh thơi chứ không cau có tất bật. Hỏi, nhà có giúp việc à, Trà cười bảo không. Chiều nhờ bà nội trông cháu dùm để đi học. Mà bà cũng không vui vẻ lắm đâu chị à.

- Ừ thì mẹ chồng nàng dâu, nhà nào chẳng thế, em bận tâm làm gì cho nó chóng già!

Tôi động viên cô gái ấy. Nhận lại lời tình thật rằng, đúng ra chẳng tới mức đó. Em cảm giác cũng như mẹ và con gái thôi. Mẹ chồng đối xử với em cũng tốt, thật lòng, lại dễ tính. Cái hồi mà em dắt con bỏ nhà đi, sau đó quay về, mẹ cũng không nói gì.

- Ồ, nhìn em “thuần” thế này, ai biết là cũng máu lửa nhỉ!

Trà kể, đó là hồi ba chồng em bệnh. Nằm viện tới lui dài ngày, cả gia đình ai cũng mệt mỏi. Tốn kém chẳng biết bao nhiêu mà kể. Muốn mua cái gì, ăn thứ chi cũng đều nghĩ tới việc dành dụm thuốc thang cho ba. Tiền cả hai vợ chồng em kiếm ra đều đổ hết vào đấy. Tới hồi ba được xuất viện, chồng em đề nghị vợ hôm ấy nghỉ làm, để ở nhà trông hai đứa con. Ủa, nó vẫn đi học bình thường được mà, sao tự dưng biểu con nghỉ? Tại anh muốn con ở nhà, để khi ông nội nó về tới, có cháu đứng sẵn ở cửa, chào mừng. Thì chiều cháu về, mừng ông khỏe lại vẫn được mà anh? Hôm ấy bên em có sự kiện lớn đã được dự kiến trước, em làm nhân sự sao có thể vắng mặt. À, cô coi trọng công việc hơn gia đình, tình thân chứ gì? Cái thứ đàn bà tham công tiếc việc, lương bổng bao nhiêu mà đã vội lên mặt dạy đời?

Những lời khó nghe theo nỗi tức giận tuôn ra chẳng cần kiềm nén. Trà lẳng lặng không bàn cãi nữa, chỉ quyết định vẫn đi làm, chấp nhận vợ chồng bất hòa. Thêm vài lần chồng nặng lời thì Trà tuyên bố chia tay. Không đòi chia con hay nuôi cả hai đứa gì cả. Cô chỉ giải thích ngắn gọn rằng, mình chẳng có nhà cửa, bên ngoại cũng không có ai, túi Trà hoàn toàn rỗng tuếch khi rời khỏi. Trà đúng nghĩa là trắng tay trong cuộc hôn nhân gần mười năm ở nhà chồng. Thế nên, Trà không dám nhận nuôi con, sợ nó khổ. Anh nuôi con đi, Trà sẽ ra ngoài, làm lại từ đầu vậy.

Tưởng yếu đuối, nhưng Trà vô cùng cương quyết. Khi cô xách cái ba lô gọn gàng ra tới cửa, thì chồng Trà dường như vừa chợt hiểu, rằng vợ mình không đùa hay làm như giận hờn. Người đàn bà bấy lâu vẫn theo anh dường như đã quá thất vọng rồi. Trà nhất định phải buông tay thôi.

Bởi thực ra lương bổng bao nhiêu thì chồng Trà rõ hơn ai hết. Anh là người cầm thẻ ATM của vợ. Nhà này nào giờ vẫn có truyền thống đàn ông giữ tiền con ạ, ba con cũng thế, mẹ cả đời không hề biết đến đồng lương của chính mình, chứ đừng nó tới tiền của ổng. Con cứ để chồng giữ cho nó yên cửa yên nhà. Của chồng công vợ, nó cũng chí thú làm ăn chứ không hoang phí gì đâu, Trà à.

Những lời của mẹ chồng không khiến Trà ấm ức lo âu, ngoài chút ngạc nhiên be bé, vậy thôi. Bởi Trà vốn mồ côi ba mẹ từ nhỏ, sống với bà ngoại. Trà chỉ thèm có một mái ấm đúng nghĩa, được yêu thương chăm sóc, chứ nào cần gì nhiều cho bản thân đâu. Nên hàng tháng, chồng phát cho vợ ba triệu tiền chi tiêu. Tức là hơn mười phần trăm thu nhập của em rồi, đúng không chị? Đổ xăng, đám xá xã giao, ăn vặt trong cơ quan lẫn mua sắm vật dụng cá nhân của Trà đều nhờ vào khoản ấy cả. Có đủ không em? Tôi dè dặt hỏi. Trà cười rất hiền. Em thật ra nào có nhu cầu cao. Em sống đơn giản lắm chị. Sáng hơn năm giờ em dậy, vừa pha trà, nấu đồ ăn cho cả nhà vừa nghe thiền. Rồi hai vợ chồng em đưa con tới lớp, em loay hoay cả ngày, vừa hết giờ là vù về ngay. Cơm tối xong là chơi với con tới tận giờ đi ngủ. Cuộc đời bình dị mà vui vẻ vô cùng. Chị có thấy vậy không?

Những lời tâm sự của Trà được nói ra ở một quán ăn máy lạnh, nơi cánh phụ nữ văn phòng ra vô tấp nập. Từ trang phục cho tới xe cộ, phụ kiện đều phải sành điệu đúng trào lưu, thì mới thể hiện được đẳng cấp của mình. Tôi kín đáo quan sát Trà. Cô ấy ngay cả một miếng vàng mỏng dánh để làm điệu cũng không có, nếu không kể cái nhẫn cưới nhỏ xíu lấp ló ở ngón áp út. Tôi ngó Trà trân trân, như thể đánh giá xem câu chuyện khó tin kia có bao nhiêu là sự thật. Với con mắt của một phụ nữ tự nhận là “cái gì cũng từng trải qua rồi”, tôi hiểu, Trà không nói dối. Trên thế gian này, giữa thời buổi này, vẫn còn một người đàn bà sống và quan niệm như thế, thật sao? Cam chịu và lụy chồng đến mức vậy ư?

***

Hơn ba năm sau.

Tôi tình cờ gặp lại Trà khi đưa con mình đến nhập học ở cái trường mầm non gần nơi ở mới dọn tới. Giờ, Trà đã là chủ của một cơ ngơi ổn định, rộng rãi, cho thu nhập đáng thèm muốn. Nhận ra tôi, Trà vui mừng rủ vào văn phòng ngồi chơi, uống ly nước rồi kể chuyện mình.

“Chị tin không, em có được như vầy là nhờ ba chồng em đấy. Lúc chị em mình học xong, ra trường và bặt tin nhau, em đâu còn đồng nào để mà ươm giấc mơ chủ trường nữa. Bao nhiều tiền dành dụm của hai vợ chồng, chồng em mang ra hùn hạp làm ăn với em trai của anh ấy. Cuối cùng thua lỗ, mất trắng. Cái nghề trồng hoa lan kiểng thấy vậy mà bạc. Chỉ cần một chút sai sót là coi như xong bao nhiêu công sức chăm nom tưới tắm. Chị nhớ không, mấy năm em đi làm, đều là đưa chồng phụ với gia đình sửa chữa nhà cửa, trả nợ hồi trước. Em đâu có đòi hỏi gì, miễn sao cảnh sống vui vẻ đầm ấm là được rồi. Em vẫn nhớ lời chị dặn hồi đó, là phải biết tích cóp riêng phòng thân. Đừng cho rằng tình cảm vợ chồng là mãi mãi. Mãi mãi là bao lâu cơ chứ, lấy gì bảo đảm em không bị “hất cẳng”. Nhưng em chưa từng làm được. Em chẳng thích cảm giác lén lút phập phồng hay phải kiểm đếm tiền bạc này nọ. Em vốn khờ mà, chị chắc chưa quên hen!

Rồi Trà cười rất tươi, nói tiếp: Hồi đó chồng em bảo, em cả tin và lành quá, sợ khó mà tự mình coi ngó cơ ngơi riêng được. Nhưng ba chồng em lại ủng hộ con dâu. Phải cho nó thử sức chứ! Ông đã mang giấy tờ nhà ra vay ngân hàng để em có vốn mở trường tư thục đấy chị. May mà trời thương, nay mọi thứ đã ổn rồi. Em chuộc được sổ về cho ba, lại đã tích cóp được chút đỉnh. Tất nhiên vẫn là chồng em quản lý tiền nong.

Trà kể đến đây lại nhoẻn miệng, hạnh phúc. Lại như thể ngượng nghịu với tôi, bà chị đáo để đa nghi và hay đề phòng. “Em phải tách lương ra làm hai thẻ, nói với bên kế toán ấy, họ làm cho. Em không chủ quan được Trà ơi. Đàn ông bây giờ làm sao mà mình dám đặt trọn niềm tin kiểu ấy chứ. Chưa kể, nếu hắn không manh nha ý định hất cẳng mình, thì đôi khi định mệnh lại chủ động làm chuyện ấy. Ví như, em có mâu thuẫn chi đó với phía bên chồng, và chồng em chọn cha mẹ họ hàng chứ không phải vợ con. Hoặc giả bên ngoài mấy con hồ ly tinh nó chờn vờn níu kéo. Cái thời mà đàn ông phải đi săn đã qua lâu rồi, nay con mồi tự dẫn xác tới nộp mạng nếu đánh hơi thấy kèo thơm đó Trà. Không chuẩn bị cho mình, cũng là vô trách nhiệm với con. Lỡ như cha mẹ ly hôn, con trẻ không nhận được điều kiện tốt nhất để mà khôn lớn. Em nghĩ lại đi nhé…”.

Những gì đã khuyên Trà hôm ấy hiện lên mồn một trong đầu tôi. Hình ảnh Trà ngồi lắng nghe chăm chú vẫn còn đó. Dường như thời gian trôi qua cũng không khiến Trà thay đổi được nhiều. Người phụ nữ trước mặt tôi hôm nay có vẻ vẫn luôn đặt nặng cuộc sống bình yên vui vẻ hơn là những hơn thua được mất ngay trong mái nhà mình. Bất kể suy nghĩ thực tế vừa bật ngay trong đầu tôi “Thì em cứ cặm cụi cày bừa đi, cho nhà chồng nó hưởng”…

- Còn chị dạo này sao rồi? Em không biết là chị đã chuyển chỗ ở qua gần chỗ em thế này?

Tôi gượng cười, không biết nên trả lời Trà thế nào. Khi tôi và chồng (nay có lẽ cần thêm chữ “cũ” thì mới đủ) ly hôn, anh chỉ buông một câu ngắn gọn. Là em thực dụng toan tính quá. Em khác hẳn cô gái mà anh từng quen biết và yêu thương. Sống với nhau mà luôn canh me, lập quỹ đen, mua nữ trang, nhờ người đứng tên món này món nọ… thì có phải vô cùng mệt mỏi không? Em quản hết chi tiêu trong nhà, thời gian lẫn tiền bạc của chồng, mà vẫn chưa vừa lòng ư? Thật ra em tìm kiếm điều gì khi quyết định lập gia đình?

Tôi không trả lời được những câu hỏi đó. Nên chúng tôi rời khỏi cuộc sống chung mà chẳng mấy nuối tiếc gì. Cho tới hôm nay, tôi gặp lại Trà và nhớ lại lời cảnh báo của mình hồi ấy. Là, em cứ ngây ngô thế này, chả mấy chốc mà mất chồng lẫn công sức của mình vào tay kẻ khác. Đàn ông bây giờ dễ sa ngã và cơ hội lắm. Có khi họ không chủ đích lừa dối phản bội mình đâu, mà vì mình ngây thơ vụng dại quá chừng…

Rồi thì khoảnh khắc nhất thời, tôi bỗng thèm được mặc kệ tất cả để sống hồn nhiên tin người như cô ấy, một lần.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần