Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Làm cha thật khó

Lê Nguyên Ngữ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi sở hữu một đàn con bốn đứa, hai trai hai gái luôn chí chóe trêu nhau. Thật đau đầu hết mức.

Tôi tặng cho người đàn bà quanh năm tất tưởi đã cùng tôi “nặn” thành bốn đứa con đó bằng một cái tên vừa trìu mến, vừa buồn cười là “Tàu điện”. Bởi sự lo lắng, lam lũ trước cuộc sống cơ cực này mà vợ tôi có dáng đi không bình thường, lúc nào cũng tấp tểnh vội vàng y như… tàu điện. Việc giải quyết những tranh cãi của lũ trẻ đều do tôi đảm nhiệm. Tôi đóng vai trò là một quan tòa, nghiêm khắc, công bằng mà không thể bỏ qua tình phụ tử.

Vì thế không thể làm thằng cả vừa lòng mà mất lòng thằng hai, hay con ba cười còn con tư khóc. Thằng cả nhà tôi mười tám, chuẩn bị thi vào đại học. Nó từng làm tôi đau đầu vì mấy chuyện đánh nhau với chúng bạn, để người ta đến tìm tôi réo chửi. Rồi thầy cô giáo gọi đến trường nhắc nhở. Cái thể xác kềnh càng đó của nó, cộng thêm khuôn mặt có vẻ hơi dữ dằn khiến nhiều người… sợ. Thằng hai mới mười lăm nhưng rất thích gây gổ với anh. Thằng cả nhường thì nó nhất định lấn tới, ương ngạnh đòi công bằng. Với nó, công bằng là thằng cả đừng bao giờ coi nó bé. “Em không còn bé nữa, anh đừng có tinh tướng”. Chỉ câu nói đó thôi mà có khi thằng cả không chịu được, xông vào đấm thằng hai một cái, chỉ để dọa, nào ngờ thằng hai lấy cớ làm to chuyện. Nó hò hét ầm ĩ, và cứ thế nhảy vào vừa đánh anh, vừa ăn vạ. Thằng cả đau quá, vung tay quại lại, thế là khoảng sân khiêm tốn trước nhà biến thành bãi chiến trường của đôi tiểu hổ. Bà hàng xóm thấy hai anh em đánh nhau nhảy vào can nhưng không được. Sức bà không đủ để lôi chúng ra khỏi nhau. Khi đôi tiểu hổ gần như mệt phờ trên người đầy vết thương thì tôi về. Thấy tôi, hai thằng dừng lại, nhưng tay chân giằng vào nhau vẫn chưa chịu gỡ ra. Tôi quát toáng. Chúng bỏ nhau ra và kể liến thoắng tội đối phương. Tôi gắt:

- Thôi được rồi, chúng mày cứ cầu mong cho tao với mẹ mày chết đi để chúng mày xử lý lẫn nhau. Tao đã bảo làm anh thì phải nhường em cơ mà.

Thằng cả làu bàu:

- Con nhường nhiều rồi, nhưng càng nhường thì nó càng lấn tới. Chịu thôi. - Nói thế rồi thằng ranh cao kều bỏ đi. Tối đến, nó về rồi lại đi. Tôi hỏi sao không ở nhà mà học. Sắp thi vào đại học rồi. Thằng cả lắc đầu:

- Có khi con chỉ học xong cấp ba rồi đi làm thôi bố ạ. Chả thi nổi đâu, nhà ta cũng chẳng có điều kiện lo cho đi học. Nghe nói tốn kém lắm. Nhà bác Ước khá thế còn thấy khó khăn nữa là.
 Minh họa: Hải Lan
Tôi thấy giật mình. Ừ nhỉ? Nếu nó đỗ vào đại học thì quả là gay go. Tôi đâm lo. Thú thật là sức vóc vợ chồng tôi không lo nổi kinh tế. Hay là cho nó đi làm thuê? Tôi bảo nó: “Được rồi, để bố tính. Nhưng từ nay con phải sửa tính, đừng chấp thằng hai, người ta cười cho”. Nó có vẻ nghe ra, gật đầu.

Nhưng tôi đã chẳng thể trông đợi được gì ở thằng cả, khi mà nó bỏ bê học hành theo đám bạn để xin đi làm phu hồ khi chưa bàn với tôi. Tôi vẫn tưởng nó sáng cắp sách đi tối về, là nó đi học. Nó đã vượt mặt tôi. Chẳng lẽ lại đánh con. Thằng cả đi, “vương quốc” tôi cai quản giờ chỉ còn một vợ ba con. Thằng hai không còn anh cả để ganh tị, đánh cãi nhau thì chuyển sang với lũ nhóc các làng xung quanh, thậm chí ngay trong làng mình. Để tới hôm nay, tôi đưa con đi bó bột ở chân. Cũng vào ngày đó, hai đứa con gái cũng chí chóe về cái chân gãy của anh khi nó còn đang nằm viện. Con ba bảo thằng hai phải cắt phăng teo cái chân gãy đi, con út bảo không, người ta gắn liền được hết, nhưng gắn liền bằng cái gì thì không biết. Mẹ chúng nhìn thấy lôi ra, không thì…

Tôi không biết máu mình và máu vợ thuộc loại gì mà sinh ra lũ con bướng bỉnh, láu cá. Tôi không đến nỗi nào, thật đấy. Người ta vẫn bảo tôi hiền lành. Còn vợ tôi tuy đôi lúc ương bướng, nhưng có nghĩa có tình. Xét về nguồn gốc thì cả cha mẹ đẻ tôi, cha mẹ vợ tôi đều là những ông bà mẫu mực, là tấm gương cho con cháu. Vậy mà tôi sinh ra một lũ khó dạy. Có phải tôi chiều chuộng, buông lơi không dạy dỗ. Tôi đã áp dụng hết cách. Vợ tôi tin có điều gì dữ đang “án ngữ” trong ngôi nhà này. Vợ tôi đi chùa cầu khấn cho thuận hòa đổ về trên gia đình. Nhưng chẳng lay chuyển được điều gì.

Thằng hai sau khi đi viện về cũng hết muốn đi học, bảo đi học chẳng để làm gì. Cứ nghỉ quách đi rồi đi làm thuê, chỉ cần có sức khỏe thì làm gì cũng được. Cha tôi bảo tôi nên ép cho chúng học. Nhân bất học bất tri lý. Bọn trẻ phải khác bố chúng. Thằng cả đi làm đã khiến cha trách tôi rồi. Tôi xin vâng. “Con sẽ ép cho chúng học”.

Tôi bảo thằng hai:

- Mày không được bỏ, phải học lên nữa. Lực học của mày đến nỗi nào đâu con.

- Nhưng con đã quyết định rồi - thằng hai quả quyết.

- Mày dám quyết định? - tôi gắt - mày làm bố hay tao. Tao bảo mày có nghe không? Tao nói với cô giáo rồi, đừng để tao mất mặt.

Chỉ lát sau đó, tôi đã hạ thấp giọng xuống, vừa dỗ dành vừa vỗ về thằng hai. Nhưng đúng là nó quá cứng cổ.

- Con nói rồi, con đã quyết. Bố đừng ép con.

- Mày dám? Tôi lại tăng giọng - Bố muốn mày đi học là tốt cho mày thôi, để sau này đỡ khổ. Chả lẽ mày muốn suốt đời phải đi làm thuê cho người ta.

- Đi làm thuê rồi có cơ hội thì làm chủ. Anh Bốn nói thế, chú Sỉu cũng nói thế. Bác Mai đi làm ở Cao Bằng bây giờ cũng là ông chủ đấy thôi, mới học hết lớp ba - thằng hai đấu lý.

- Nhưng bác Mai chứ không phải là mày. Mày nghĩ mày sẽ làm được nước non gì. Tao cấm!

Dù dọa nạt thế nào thì thằng hai cũng không nghe. Nó học qua quýt, rồi trốn đi chơi với chúng bạn. Tôi bận chạy chợ tối ngày cùng vợ, với ruộng vườn, đồng áng. Rồi lợn bị dịch, gà toi, tất cả những chuyện đau xót đổ xuống đầu tôi, lên ngôi nhà leo lét yếu đuối của tôi. Mà tôi thì thấy bấp bênh quá chừng. Tôi không có thời gian để giám sát thằng hai, nên nó đã quá đà. Thi tốt nghiệp cấp hai còn chẳng đỗ, nói gì đến chuyện lên cấp ba. Thành thử tôi phải chạy cho nó đỗ tốt nghiệp, rồi tính cho đi học bổ túc. Nhưng nó nằng nặc không nghe. Tôi đã đánh nó, bằng cả cái gậy tre dựng góc nhà. Thằng oắt ban đầu cắn răng chịu đựng, nhưng về sau khóc thét. Tôi hỏi:

- Mày có đi học không?

Nó vẫn lắc đầu. Anh Tuần hàng xóm đi qua thấy thế, tạt vào can, nhưng tôi đang nóng, máu ộc lên tận óc, khi thằng con trai không chịu nghe lời. Anh Tuần không làm gì để tôi nguôi giận, đành phải lắc đầu bỏ đi, hình như gọi một ai khác đến can tôi. Thấy tôi đánh con không cầm được lòng, vợ tôi xông vào can.

- Tôi xin anh đấy, đừng đánh con quá.

- Cứ để tôi dạy nó. Có con nhà ai mất dạy thế đâu.

- Nhưng anh đã đánh nó nhiều rồi. Dừng lại đi.

Thằng hai vẫn tơi tả khóc. Trường hợp này, người mẹ nào cũng xót con. Tất nhiên rồi, nhưng tôi thấy mình không thể đừng được. Cái gậy trên tay trở nên vô tình đến lạnh.

- Cô cút ra kia, bênh con bằng mười hại con.

Một cái hất tay của tôi làm vợ ngã nhào. “Tàu điện” của tôi khóc rấm rứt theo tiếng khóc của con. Điều đó lại càng làm tôi khó chịu. Tôi cất lời to tiếng với vợ. Khi anh Tuần gọi được ông Mão đến can ngăn tôi thì thằng hai đã run lên, mặt tím tái vì đòn. Lúc này tôi mới bắt đầu thấy hoảng. Ông Mão lập cập đến vạch áo thằng hai ra xem, vết thương đầy mình.

Tôi được ông Mão kéo vào ghế. Rồi ông bảo vợ tôi mang thằng hai đến nhà lang Chiên khám xét vết thương. Vợ tôi làm theo, không thôi nói tôi sao mà ác. Chưa bao giờ ác đến thế. Tối đó hai vợ chồng lại cãi nhau một trận. Sáng sớm tỉnh dậy không thấy vợ đâu. Cả ngày hôm đó không về, tôi nghĩ chỉ chạy đâu đó, sai con ba đi tìm mẹ. Nó nói không thấy mẹ ở nhà ngoại. Vậy thì đi đâu được? Cả hôm sau cũng không thấy vợ về. Tôi bắt đầu lo. Hai đứa con gái khóc rưng rức sợ mất mẹ. Tôi bảo: “Mẹ mày đi rồi lại về, chả lo”. Quả thực, không có người nữ tướng ở trong nhà, thấy vắng khủng khiếp. Tôi bắt đầu tính toán khả năng xem vợ mình có thể đi đâu. Rồi tôi quyết định đi Cao Bằng. Có thể lắm, làng tôi nhiều người lên đó làm ăn, ngay cả gia đình người bạn thân nhất của vợ cũng lên. Chắc chắn cô lên đó nương nhờ. Khi tôi vừa xuống bến xe Cao Bằng thì thấy thấp thóang bóng vợ đang khoác một cái túi, định đi leo lên ôtô đi tiếp, tôi đuổi theo gọi. Vợ tôi đứng lại, hỏi:

- Anh đi đâu đấy?

- Đi tìm em - tôi nói - em về với anh đi.

- Em không phải bỏ đi đâu mà anh đi tìm. Em chỉ đi hai ba ngày cho khuây khỏa, cho khỏi giận anh thôi. Rồi sẽ lại về. Còn chăm lo cho các con chứ. Đã đứa nào nên người đâu. Em bỏ đi, chúng biết sống ra sao! Chỉ xin anh một điều, lần sau dạy con, đừng mạnh tay quá thế.

Tôi cùng vợ đi một chuyến xe khác về nhà. Tôi thấy thương “Tàu điện” của mình quá thể. Tôi tự nhủ, nếu không có người vợ chịu đựng, nhẫn nhịn và thương chồng con như thế, tôi sẽ sống ra sao.