Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nhớ nghĩa đồng bào trong mâm cúng trôi chay

Ngày mồng Ba tháng Ba âm lịch cũng nhằm vào lúc thời tiết phong quang, tươi sáng, gió xuân vãn thổi hiu hiu, cây cối đâm chồi nảy lộc. Ấy là lúc chúng ta lại nhớ về ngày giỗ Tổ 10.3. Thế là nhà nhà nô nức xay bột để làm bánh trôi, bánh chay theo tích quốc mẫu Âu Cơ đẻ 100 trứng, nở ra 100 con từ một bào thai.

Bánh trôi.

Bánh trôi.

Hãy gạt bỏ yếu tố văn hóa bị giao thoa khiến cho Tết mồng Ba tháng Ba của người Việt bị chồng lấp bởi tục ăn Tết Hàn thực của người Trung Quốc, vốn để tưởng nhớ nhân vật hiền thần là Giới Tử Thôi bị chết cháy.

Điều này cũng tương tự Tết mùng Năm tháng Năm của người Việt là Tết “diệt sâu bọ” trong ngày nóng nhất trong năm, chứ không phải để tưởng nhớ ngày Khuất Nguyên của nước Sở thời Chiến quốc trẫm mình dưới dòng Mịch La. Vả lại, Tết Hàn thực diễn trong 3 ngày, từ mùng Ba đến hết mùng Năm, chứ không gọn gàng trong ngày 3.3 như Tết mùng Ba của ta.

Khởi nguồn Tết mùng Ba của người Việt là bởi tính chất quan trọng của tháng Ba Âm lịch với nền văn minh lúa nước. Đó là khi những cánh đồng được cày xới kỹ càng để chuẩn bị gieo mạ cho vụ mùa mới. Ruộng đã được nghỉ ngơi, tưới tắm đủ đầy, thấm nhuần khí Xuân, giờ là lúc đánh thức gieo trồng.

Ở một nền văn minh lúa nước, chuyện sẽ có một vụ mùa bội thu hay thất bát, người Việt thường trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông nắng và trông vào phúc đức tổ tiên. Thế nên, khi ngày Tết mồng Ba tới, người Việt lại hiếu kính ông bà tổ tiên bằng những món ăn làm từ hạt gạo.

Thêm vào đó, từ cảm hứng mẹ Âu Cơ sinh trăm con từ trăm trứng ở cùng bào thai - khởi phát của từ “đồng bào”, cùng một bào thai - đã dẫn dắt người Việt làm ra những thứ bánh tròn trĩnh làm bằng bột gạo tẻ, bột gạo nếp như bánh trôi, bánh chay, bánh trứng ngỗng, bánh nhót để dâng cúng.

Hình tròn của bánh chính là hình dạng của quả trứng mà mẹ Âu Cơ đã hoài thai cùng cha Lạc Long Quân, để rồi từ đó sinh ra nguồn cội người Việt, cho dù có phải lên rừng theo mẹ, xuống biển theo cha thì vẫn trân trọng gọi nhau bằng hai tiếng “đồng bào”.

Làm bánh hình trứng cũng là tưởng nhớ công ơn mang nặng đẻ đau của quốc phụ, quốc mẫu vậy. Bánh được làm và dâng cúng trong ngày Tết mùng Ba cũng mang nhiều ý nghĩa, bởi chỉ một tuần sau ngày mùng Ba, là cả dân tộc lại nô nức giã bánh giày, gói bánh chưng làm Giỗ Tổ Hùng Vương mùng Mười tháng Ba.

Ngoài ra, hình tròn của các loại bánh được gọi là “viên”, nằm trong từ “viên mãn”, thể hiện được ước mong mọi việc, mọi sự trong năm được viên mãn, tròn đầy. Từ việc nông - tang - canh - cửi đến việc học - hành - hiếu- hỉ, rồi việc nhà, việc làng, việc nước đều được trôi chảy như bánh trôi chay vậy.

Bánh chay.

Bánh chay.

Bánh trôi và bánh chay được làm từ bột gạo nếp. Gạo nếp được xay ướt trong cối xay đá rồi cho vào vải màn treo lên, đợi nước chảy hết thì lấy bột nặn bánh. Bánh trôi sẽ được nặn thành những viên bánh tròn xoe như viên bi ve to, nhân là đường phên cắt miếng vuông, sau đó đem luộc.

Khi chín, bánh sẽ nổi lên, vớt bánh ra ngâm trong nước lạnh cho bánh săn lại, không dính vào nhau. Sau đó, lại vớt bánh lên cho ráo nước rồi xếp vào đĩa, rắc vừng trắng rang vàng thơm lên mặt trên của bánh. Nhìn đĩa bánh trôi thật đẹp, như những viên ngọc trắng hay những quả trứng tròn trịa, xứng đáng là vật phẩm cúng dường trời đất và tổ tiên.

Còn bánh chay được nặn to hơn, cỡ quả bóng bàn, nhân bánh gồm đậu xanh bỏ vỏ đồ chín rồi xay nhuyễn, xào với đường phên rồi nặn thành viên cỡ như bánh trôi. Sau đó, nhồi nhân vào vỏ bánh và vuốt cho thật kín, thật tròn và đem luộc như bánh chay.

Sau khi vớt, xếp bánh chay vào bát, dùng thìa ấn cho phần trên hơi dẹt, rắc những hạt đậu xanh đồ chín vào chỗ hõm đó, rồi đổ nước đường được quấy từ bột sắn dây, nước gừng tươi vắt, đường cho ngập bánh. Lại rắc vừng trắng rang vàng và sợi cơm dừa nạo nhỏ lên trên cùng nước hoa bưởi cho thêm thơm.

Mâm bánh trôi, bánh chay như thế là toàn bích. Bánh trôi trắng ngần, các viên bánh không dính vào nhau, dáng bánh tròn, không bị méo, nhân đường phên bên trong vẫn vuông vắn “tấm lòng son”, hội đủ cả trời tròn đất vuông trong một viên bánh.

Còn bát bánh chay đầy đặn, nước đường trắng mờ, không đục bẩn, bao phủ lấy viên bánh nửa chìm nửa nổi lập lờ. Những hạt đậu xanh tạo thành hình nhuỵ hoa, tỏa mùi thơm của gạo nếp, của nước đường hoa bưởi vô cùng thanh khiết và mát mẻ. Bày đĩa bánh trôi và bát bánh chay lên ban thờ thắp hương cúng, đến khi thụ lộc lại hưởng thêm mùi trầm thoang thoảng, vô cùng tiêu sái.

Bánh trôi được ăn bằng cách dùng tăm xiên từng viên. Khi cắn viên bánh, qua lớp vỏ bùi dẻo sẽ chạm đến vị ngọt ngào của đường, và thanh thoát mùi thơm của vừng rang. Còn bánh chay lại ăn bằng thìa. Dùng thìa xắn viên bánh thành các miếng nhỏ, rồi xúc một thìa gồm cả bánh và nước để ăn.

Thế nên, khi nhìn đồng bào Việt Nam nô nức giã gạo, xay bột, nặn bánh, luộc bánh rồi bày biện các mâm bánh trôi, bánh chay cho thật đẹp để dâng cúng, lòng ai chẳng thấy bâng khuâng nhớ về cội nguồn dân tộc và công đức của hai bậc Tiên - Rồng.

Đẹp đẽ thay, sự tròn đầy đó của những viên bánh, những mâm bánh lại được làm từ những nguyên liệu đã sinh sôi từ đất rồi được nặn hình tròn là tượng trưng của trời. Ở nền văn minh lúa nước của người Việt, còn có gì quan trọng hơn Trời và Đất, hơn sự vuông tròn của hàm ý mẹ tròn con vuông.

Thế nên, nặn bánh trôi, bánh chay vào ngày Tết mồng Ba, vừa là gửi tâm nguyện của con người tới trời và đất trong thời điểm trước xuống đồng để mong một vụ mùa bội thu, vừa là tưởng nhớ, nhắc nhở nhau về bọc trứng của mẹ Âu Cơ đã tạo ra tình nghĩa đồng bào của người Việt.

Tết Hàn thực 2025 vào ngày nào, cúng giờ nào đẹp?

Tết Hàn thực 2025 vào ngày nào, cúng giờ nào đẹp?

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tôi yêu Hà Nội mùa lá đỏ

Tôi yêu Hà Nội mùa lá đỏ

28 Mar, 12:28 PM

Hà Nội đã vào những ngày cuối cùng của tháng Ba khi mà mùa Xuân đã đi quá nửa chặng đường, nên những chồi non đang cựa mình vươn dậy, xanh mát thắp sáng mọi cung đường, ngõ phố. Dường như... trong cái tiết trời thanh minh, con người ta không còn cảm giác

Hơn 100 ca sĩ sẽ tham gia Dạ hội Cựu Sinh viên Thủ đô 2025

Hơn 100 ca sĩ sẽ tham gia Dạ hội Cựu Sinh viên Thủ đô 2025

26 Mar, 03:31 PM

Kinhtedothi - "Dạ hội Cựu Sinh viên Thủ đô" mùa thứ 2 sẽ chính thức trở lại sau 3 năm kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Đây là dịp hội ngộ của những ca sĩ, ban nhạc, là những cựu sinh viên của thập niên 90.

Tình yêu chân thành

Tình yêu chân thành

25 Mar, 03:10 PM

Kinhtedothi - Hoàng từng là nam vương của một trường đại học nổi tiếng. Không chỉ điển trai, anh còn rất tài năng và tốt bụng. Thời gian rảnh, Hoàng lại cùng bạn bè tham gia những chuyến thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Cùng sách bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Cùng sách bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

24 Mar, 07:21 AM

Kinhtedothi - “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo” là những thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ