Dấu nối ký ức và khát vọng
Kinhtedothi- Hà Nội nghìn năm không chỉ gợi nhớ thương bởi lô xô mái ngói rêu phong hay tiếng rao đêm vọng vang ngõ nhỏ, mà còn bởi những cây cầu vắt mình qua sông Hồng như những dấu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa ký ức và khát vọng. Từ cầu Long Biên huyền thoại - chứng nhân của chiến tranh và thời cuộc, cho đến cầu Tứ Liên vừa khởi công - biểu tượng của đô thị thông minh và phát triển bền vững, đều là những sợi dây bền chặt gắn kết hai bờ sông Hồng và những cung bậc cảm xúc của một TP không ngừng vươn lên.
1. Lật giở lại ký ức mới thấy, đúng là mỗi cây cầu vắt mình qua dòng sông đỏ nặng phù sa đều mang một câu chuyện riêng, một lớp trầm tích văn hóa, gắn bó mật thiết với đời sống người Hà Nội suốt bao thập kỷ.
Bất cứ ai yêu mảnh đất nghìn năm này đều nhớ thương cầu Long Biên - cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng và là một trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới thời bấy giờ. Ngay cả cái tên Long Biên thay thế cho tên Doumer ban đầu, cũng là một cách người Hà Nội khẳng định bản sắc của mình. Không đơn thuần là một công trình giao thông, Long Biên là chứng nhân sống động của những thăng trầm lịch sử đất Hà thành. Cây cầu ấy bao lần bị bom Mỹ công phá, cũng là bấy nhiêu lần người Hà Nội đứng ra sửa chữa, bảo vệ cầu; dưới bom đạn ác liệt, cầu vẫn kiên cường ở đó nối hai bờ sông Hồng và chở che những đoàn tàu chở hàng hóa, vũ khí vào chiến trường… Cây cầu huyền thoại ấy cũng gồng gánh bao ký ức đời thường giản dị của người TP. Giản đơn như những sáng tinh mơ, người dân đạp xe qua cầu trong bảng lảng sương sớm; những buổi chiều thanh bình, lũ trẻ nhỏ tha thẩn thả diều hay câu cá ven bờ sông; rồi những trên bến dưới thuyền, lao xao bán mua nơi góc chợ sát mép nước…
Du khách đạp xe trên cầu Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nối tiếp cầu Long Biên, cầu Chương Dương - cây cầu đầu tiên do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế và thi công (khánh thành năm 1985), lại ghi dấu ký ức thời bao cấp nhiều gian khó. Ai từng sống ở Thủ đô những năm 1980 - 1990 hẳn quen với hình ảnh hàng đoàn xe máy, xe đạp chở hàng hóa nối dài trên cây cầu sắt, len lỏi qua làn gió sông lạnh buốt mùa Đông hay cái nắng gắt gao mùa Hè. Người ta bảo, trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, công trình này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn là biểu tượng của lòng tự tôn dân tộc, tinh thần vượt khó của người Việt. Và giờ, khi các cây cầu hiện đại lần lượt xuất hiện, cầu Chương Dương vẫn âm thầm phục vụ hàng chục nghìn lượt xe mỗi ngày. Dù không còn oai phong như xưa, nhưng với người Hà Nội, cây cầu vẫn như lời nhắc nhở ý nghĩa về thời kỳ đất nước từng “thiếu trước hụt sau” nhưng đoàn kết, lạc quan và tràn đầy hy vọng.
2. Lật giở lại ký ức mới thấy, đi qua những nhịp cầu buổi gian khó, người Hà Nội bước chân lên những nhịp cầu mang dấu ấn của công cuộc đô thị hoá, tái thiết đô thị hiện đại.
Cây cầu Vĩnh Tuy, khánh thành giai đoạn 1 vào năm 2010 và giai đoạn 2 vào năm 2023, chính là biểu tượng cho làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ của Thủ đô. Cây cầu nối trung tâm Hà Nội với khu vực phía Đông như Long Biên, Gia Lâm, cùng hàng loạt khu đô thị mới như Times City, Vinhomes Ocean Park... được thiết kế hiện đại, quy mô lớn, đã góp phần giải tỏa áp lực giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế và đô thị hóa khu vực ven sông. Từ trên cầu nhìn xuống, dòng sông Hồng vẫn đỏ nặng phù sa, nhưng hai bên bờ không còn là ruộng đồng bạt ngàn năm xưa, mà là những tòa nhà cao tầng, khu đô thị quy hoạch hiện đại. Vĩnh Tuy không chỉ nối hai bờ vật lý, mà còn như chiếc cầu nối giữa quá khứ thuần nông và hiện tại công nghiệp hóa của Hà Nội.
Rồi yêu thương những cây cầu, dòng ký ức Hà Nội không bao giờ mờ phai cảm giác ngóng đợi ngày khánh thành cầu Nhật Tân năm 2015. Ấy là bước tiến lớn về mặt kỹ thuật và thẩm mỹ trong các công trình cầu bắc qua sông Hồng - cây cầu dây văng hiện đại với năm trụ tháp tượng trưng cho năm cửa ô Hà Nội xưa. Đêm đến, cầu Nhật Tân như một dải lụa ánh sáng lung linh, thu hút người Hà Nội và cả du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hà Nội từ một góc nhìn mới. Nhật Tân không chỉ là tuyến đường chiến lược nối trung tâm TP với sân bay Nội Bài, mà còn là biểu tượng của một Hà Nội hiện đại, hội nhập và năng động.
3. Lật giở lại ký ức trên những cây cầu cũ đến hôm nay, khi cầu Tứ Liên vừa được khởi công xây dựng, bất chợt thấy hiển hiện một giấc mơ mới đầy khát vọng trải dài trên dòng sông cũ, muôn đời đỏ nặng phù sa.
Những ngày qua, người Hà thành không thôi nhắc đến cây cầu nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh - cửa ngõ mới của Thủ đô về phía Bắc, một trong những dự án hạ tầng quan trọng nằm trong quy hoạch giao thông Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điểm đặc biệt của cầu Tứ Liên không chỉ ở vai trò kết nối giao thông, mà còn ở ý nghĩa biểu tượng: nối liền trung tâm văn hóa lịch sử lâu đời (phố cổ, Hồ Tây, chùa Trấn Quốc) với những vùng đất đầy tiềm năng phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Với kiến trúc mang hơi hướng nghệ thuật, tích hợp cảnh quan đô thị ven sông, cầu Tứ Liên hứa hẹn sẽ trở thành một điểm nhấn mới trong không gian Hà Nội tương lai. Đây là cây cầu kỳ vọng, nối giữa quá khứ trầm mặc và một Hà Nội năng động, phát triển bền vững.
Trong nhẩm đếm của người đô thị, từ độ Long Biên đến giờ là cầu Tứ Liên đã hơn 1 thế kỷ, Hà Nội đã có cả thảy 10 cây cầu bắc qua sông Hồng. Nếu Long Biên là biểu tượng của bản lĩnh và ký ức, thì Tứ Liên là đại diện cho khát vọng vươn mình của một Thủ đô đang chuyển mình mạnh mẽ trong thế kỷ XXI.
4. Ai đó nói thật đúng, Hà Nội có thể sẽ có thêm nhiều cây cầu mới, cao hơn, dài hơn, hiện đại hơn, nhưng sẽ không có cây cầu nào thay thế được những ký ức mà từng cây cầu cũ kia đã mang theo. Từ Long Biên gợi nhớ tiếng tàu đêm vọng lại giữa sông Hồng mờ sương, đến Nhật Tân rực rỡ ánh đèn như lời chào tương lai, rồi đến Tứ Liên đang hình thành chở theo bao kỳ vọng về một Thủ đô văn minh, hiện đại; các cây cầu không chỉ nối đôi bờ mà còn nối liền quá khứ - hiện tại - tương lai; kết nối con người, vùng đất và những khát vọng không ngừng vươn lên.
Mỗi cây cầu bắc qua sông Hồng là một nhân chứng của lịch sử và sự chuyển mình không ngừng nghỉ của Hà Nội. Nếu Long Biên là tiếng thì thầm của quá khứ, Nhật Tân là lời ca của tương lai, thì Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thăng Long là những nốt nhạc trung tính, nối tiếp trong bản giao hưởng đô thị đang lớn dậy từng ngày. Nếu Long Biên là ký ức, thì Tứ Liên là tương lai, mang theo kỳ vọng về một Hà Nội hội nhập, hiện đại, nhưng vẫn giữ hồn cốt truyền thống. Dù cách nhau hơn một thế kỷ, nhưng Long Biên và Tứ Liên vẫn cùng nhau kể câu chuyện phát triển của Hà Nội: Từ một TP thuộc địa cổ kính, qua những thăng trầm chiến tranh, đến một thủ đô năng động, hiện đại.
Giới trẻ thích thú ‘check-in’ tại cánh đồng cúc vàng dưới chân cầu Long Biên
Kinhtedothi - Những ngày này, nhiều bạn trẻ cũng như du khách đến Hà Nội không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bình dị, thơ mộng của đồng hoa cúc cánh bướm vàng óng trong nắng Thu dưới chân cầu Long Biên.

Theo chân Đại sứ Pháp trải nghiệm metro, thăm cầu Long Biên
Kinhtedothi - Trong một ngày cuối năm, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đã có một chuyến thăm ý nghĩa qua nhiều địa điểm ở Hà Nội mang dấu ấn biểu trưng cho hợp tác giữa Việt Nam và Pháp.

“Bến hoa Phúc Xá” gắn kết với cây cầu Long Biên lịch sử
Kinhtedothi - Xuất phát từ ý tưởng của kiến trúc sư – Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, công trình “Bến hoa Phúc Xá” đã hồi sinh vùng đất từng bị bỏ hoang, ngập rác thải trở thành điểm du lịch xanh gắn kết cây cầu Long Biên lịch sử.