Câu chuyện cuộc sống: ngày vui sẽ đến
Kinhtedothi - Sau giờ làm việc, Việt lựa chọn cho mình một góc sân nhỏ của bệnh viện để nghỉ ngơi. Đêm rằm đầu Hạ, vầng trăng tròn vành vạnh, những cơn gió mát thổi qua khiến Việt tỉnh người, những căng thẳng của một ngày làm việc vì thế cũng dần bị xua tan. Rồi Việt bị thu hút bởi câu chuyện của hai người phụ nữ ngồi gần đó. Họ tranh thủ ăn hộp cơm nguội ngắt và trò chuyện với nhau về gia đình, con cái.
Một bác ngoài 70 tuổi, đưa chồng đi viện điều trị bệnh về thận. 3 năm nay, chồng bác ở viện nhiều hơn ở nhà. Con cái đều ở xa, công việc bận rộn nên hai bác đã giấu các con chuyện bố bị bệnh. Nhiều lúc con cái gọi về trong khi bố đang truyền thuốc, hai bác không dám nghe máy vì sợ chuyện bị “bại lộ” khiến các con lo lắng. Bác thương các con làm việc vất vả, dù không có điều kiện nhưng vẫn gửi tiền biếu bố mẹ hàng tháng. Số tiền không quá nhiều nhưng cũng phần nào giúp các bác trang trải tiền thuốc men. Thời gian đầu, khi biết bác trai bị bệnh nặng, cả hai bác bị suy sụp tinh thần. Nhưng vì không muốn vợ lo lắng nên bác trai cố gắng bình thản như không có chuyện gì.
Bác động viên vợ: “Bà đừng buồn. Cuộc sống của ai cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Tôi sống từng ấy năm với bà, cuộc sống tuy không giàu sang nhưng đong đầy hạnh phúc. Các con ngoan ngoãn, trưởng thành, yên bề gia thất là tôi mãn nguyện lắm rồi. Bà và các con cũng chính là nguồn sống của tôi. Dù bây giờ có chuyện gì thì tôi cũng sẵn sàng đón nhận nhưng sẽ không nao núng trước bệnh tật”. Bác gái cũng nhận ra, mình cần phải mạnh mẽ để trở thành hậu phương vững chắc cùng chồng chiến đấu với bệnh tật.
Bác bên cạnh hơn 60 tuổi, ở viện chăm con trai nửa tháng nay. Chồng mất sớm, một mình bác vất vả nuôi con khôn lớn. Con trai học giỏi, đỗ vào đại học danh tiếng là niềm tự hào của bác. Thương mẹ tảo tần khuya sớm, anh cố gắng làm việc để mua nhà ở thành phố và đưa mẹ ở quê ra sống cùng. Cũng vì lao vào công việc, ít chú ý đến sức khỏe nên khi bệnh ở giai đoạn nặng anh mới đến viện kiểm tra. Ban đầu, anh không cho mẹ biết nhưng sau nhiều lần mẹ gặng hỏi, anh mới nói ra chuyện mình bị bệnh.
Bao năm mạnh mẽ một mình nuôi con, trải qua bao khó khăn, vất vả nhưng chưa khi nào bác cảm thấy sợ hãi, đầu hàng số phận. Thế mà lần này, con bị bệnh, bác cảm thấy mình bị sụp đổ. Nhưng bác cũng nhanh chóng lấy lại tinh thần, động viên con yên tâm chữa bệnh. Tháng trước, bác vừa giấu con bán một mảnh đất cho một người họ hàng ở quê để con chữa bệnh. Con trai biết chuyện, giận bác cả tuần nay. Biết mẹ cũng chỉ vì lo lắng cho mình nên mới bán đi mảnh đất bà giữ gìn suốt những năm qua, hôm nay con trai xin lỗi bác và hứa sẽ cố gắng điều trị, không để mẹ phải suy nghĩ thêm nữa. Anh cũng báo tin, người họ hàng mua đất của gia đình quyết định không mua đất nữa mà số tiền mua đất sẽ chuyển sang cho nhà anh vay. Hai mẹ con mừng quýnh, ôm chầm lấy nhau.
Sau cuộc trò chuyện, hai bác động viên nhau chăm chồng, chăm con tốt. Ước mơ của họ giờ đây là chồng, con khỏi bệnh. Dẫu biết, điều đó có lẽ thật lâu nữa mới đến nhưng họ vẫn lạc quan và tin tưởng sẽ có ngày vui đó.
Việt không biết nước mắt mình đã rơi khi nào. Câu chuyện của hai người phụ nữ vừa rồi chỉ là 1 trong số rất nhiều câu chuyện xúc động mà anh đã từng nghe. Cũng tại góc sân này, anh đã chiêm nghiệm được nhiều điều từ cuộc sống. Việt thầm nhắc nhở bản thân sẽ cố gắng hết mình để điều trị cho những bệnh nhân thật tốt, để góp phần biến ước mơ của gia đình họ thành hiện thực.

Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số
Kinhtedothi – Một trong những thông điệp được nhấn mạnh của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) năm nay là “Cùng sách bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, cho thấy vấn đề phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết.

Miền ký ức yên bình tại triển lãm “Qua miền thương nhớ”
Kinhtedothi - Chiều tối 22/4, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra Lễ khai mạc triển lãm "Qua miền thương nhớ".

Vấn vương mùa lá sấu bay
Kinhtedothi - Người ta thường biết và nhớ tới mùa Thu của Hà Nội bởi thảm lá vàng rơi như mùa thay áo mới, nhưng Hà Nội những ngày tháng Tư về cũng mang vẻ đẹp nao lòng bởi thảm lá sấu xào xạc, nhẹ nhàng rơi trong nắng mới đầu Hạ.