Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Kinhtedothi – Một trong những thông điệp được nhấn mạnh của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) năm nay là “Cùng sách bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, cho thấy vấn đề phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết.

Nhiều thách thức

Hiện nay, quá trình chuyển đổi số đã và đang tác động đến mọi ngành, lĩnh vực trong xã hội, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã xuất hiện những nguồn tài nguyên thông tin mới, nguồn thông tin dạng số có rất nhiều ưu thế, khả năng chia sẻ, lưu trữ, trao đổi đã thu hút số lượng lớn người sử dụng và đang làm thay đổi thói quen đọc của người dân.

Văn hóa đọc đứng trước nhiều thách thức. Ảnh: Thư viện Hà Nội

Theo Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ VHTT&DL), hệ thống thư viện Việt Nam hiện nay bao gồm mạng lưới thư viện rộng khắp cả nước, đa dạng từ T.Ư đến cơ sở, gồm 1 Thư viện Quốc gia Việt Nam; hệ thống thư viện công cộng có: 63 thư viện cấp tỉnh, 641 thư viện cấp huyện, 4.184 thư viện cấp xã và hàng nghìn phòng đọc, tủ sách, không gian đọc tại cơ sở.

Cùng với đó có gần 400 thư viện đại học và tương đương; khoảng 27.000 thư viện trường học, gần 100 thư viện thuộc các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học; 115 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng…

Trong bối cảnh chuyển đổi số, các thư viện Việt Nam hiện nay đang phát triển chuyển dần từ mô hình thư viện truyền thống sang xây dựng thư viện truyền thống kết hợp phát triển thư viện hiện đại, thư viện điện tử/thư viện số. Hoạt động của hệ thống thư viện công cộng đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng để bảo đảm nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức, phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời của người dân.

Mặc dù vậy, hoạt động đẩy mạnh phong trào đọc, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng còn gặp một số khó khăn, thách thức. Đó là cơ sở vật chất của nhiều thư viện công cộng đã xuống cấp, hệ thống máy tính và các trang thiết bị chưa được trang bị đầy đủ. Hiệu quả phục vụ của các thư viện cấp xã, tủ sách, phòng đọc cơ sở còn chưa cao do điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nguồn tài nguyên thông tin nghèo nàn, địa điểm đặt thư viện, tủ sách chưa dễ tiếp cận…

“Đáng chú ý, nhận thức về vai trò của thư viện đối với việc xây dựng môi trường văn hóa, thúc đẩy học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc tại một số địa phương còn hạn chế, nên chưa được quan tâm đúng mức” – lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện chia sẻ.

Trên thực tế hiện nay, những thư viện, phòng đọc, tủ sách cộng đồng vắng người đọc sách là thực trạng chung ở nhiều địa phương, đơn vị. Đặc biệt, công nghệ phát triển, các thiết bị thông minh như smartphone, máy tính, Ipad cùng với mạng xã hội nở rộ như TikTok, YouTube, Facebook… đã cuốn giới trẻ vào vòng xoáy ảo, rời xa văn hóa đọc.

Lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội tham quan trưng bày sách tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV - 2025. Ảnh: Thư viện Hà Nội

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay khoa học công nghệ phát triển, tác động rất lớn đến văn hóa đọc. Nhiều người trẻ và người lớn tuổi không còn đọc sách giấy. Vì thế, nhiều dòng họ hay các làng xã ở nông thôn xây dựng tủ sách miễn phí nhưng hiệu quả không được như mong muốn do người dân không đến đọc sách. “Bây giờ, mọi người muốn tìm hiểu điều gì thì hỏi ChatGPT, AI là nhận được câu trả lời ngay, thậm chí ChatGPT còn hỗ trợ làm thơ, sáng tác nhạc... Đó cũng là lý do khiến văn hóa đọc sách giấy bị mai một dần” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ.

Lan tỏa sâu rộng văn hóa đọc

Văn hóa đọc là một trong những thành tố cấu thành văn hóa, giáo dục. Phát triển văn hóa đọc gắn với phát triển con người, với sức mạnh nội sinh - sức mạnh mềm của mỗi quốc gia. Việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số là một trong những vấn đề mang ý nghĩa chiến lược quốc gia, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự thành công và phát triển bền vững đất nước trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Trong bài viết “Học tập suốt đời”, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, đất nước đang đứng trước thời cơ, vận hội mới để vươn mình, để "sánh vai" với thế giới như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của toàn dân tộc. Trong bối cảnh đó, học tập suốt đời trở thành một quy luật sống; không chỉ giúp mỗi cá nhân nhận biết, thích nghi, không tụt hậu trước sự biến đổi từng ngày của thế giới hiện tại, làm giàu trí tuệ, hoàn thiện nhân cách, vượt qua khó khăn, thử thách để ngày càng tiến bộ và định vị bản thân trong xã hội hiện đại; cao hơn, đây là chìa khóa quan trọng để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là con đường duy nhất, hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để đảm bảo sự phát triển thịnh vượng, bền vững.

Để phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số, theo lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ VHTT&DL), cần xây dựng môi trường đọc thân thiện, tổ chức không gian thư viện theo hướng mở, thiết kế tiện nghi, hiện đại ấn tượng, đa chức năng, đa dịch vụ và trải nghiệm, kết hợp nhiều dịch vụ hướng đến cộng đồng. Đồng thời hỗ trợ được chiến lược học tập của từng cá nhân và tập thể, có sự tương tác giữa các dịch vụ truyền thống và kỹ thuật số với người sử dụng, tạo sự thân thiện, thuận lợi cho người dân đến thư viện nghiên cứu, học tập, giải trí.

Trao giải cuộc thi vẽ tranh gắn với chuỗi hoạt động "Sách mở rộng thế giới tư duy" tại Phố Sách Hà Nội. Ảnh: Nam Dương

Thời gian qua, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, đổi mới hoạt động thư viện, kéo bạn đọc đến tìm đến những cuốn sách như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ... Theo đó, các địa phương đã tổ chức với hàng nghìn sự kiện văn hóa, phát triển văn hóa đọc và phục vụ học tập suốt đời thông qua các hoạt động như: trưng bày, triển lãm, hội báo Xuân, cuộc thi, hội thi, liên hoan, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Ngày Sách và Bản quyền thế giới (26/4), Tuần lễ học tập suốt đời...

Tại Hà Nội, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV - 2025, Trung tâm Văn hóa và Thư viện Hà Nội (Sở VH&TT) đã tổ chức nhiều hoạt động như trưng bày, giới thiệu hơn 500 tư liệu về Hà Nội; phát động Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc TP Hà Nội năm 2025; tổ chức thi vẽ tranh theo chủ đề “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” và “Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề: “Sách và Văn hóa đọc trong thời đại kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh cho biết, các hoạt động này không chỉ nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, mà còn lan tỏa tri thức tới cộng đồng. Thông qua chuỗi hoạt động phong phú, chương trình hướng tới mục tiêu khơi dậy niềm đam mê đọc sách, xây dựng văn hóa đọc trở thành thói quen, nét đẹp trong đời sống xã hội, từ đó góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy học tập suốt đời, hình thành xã hội học tập.

“Đây cũng là dịp đề cao vai trò và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Qua đó, khuyến khích phong trào đọc sách, báo trong cộng đồng; nâng cao nhận thức về ý nghĩa, giá trị và tầm quan trọng của việc đọc đối với việc mở mang kiến thức, phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người” – ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trích dẫn
Trích dẫn 1
Một số thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ IV - năm 2025 gồm: “Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”.

“Thư viện mở” nuôi dưỡng tình yêu sách

“Thư viện mở” nuôi dưỡng tình yêu sách

Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Phố Sách Hà Nội

Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Phố Sách Hà Nội

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
“Thư viện mở” nuôi dưỡng tình yêu sách

“Thư viện mở” nuôi dưỡng tình yêu sách

20 Apr, 09:13 AM

Kinhtedothi - Để bồi đắp văn hóa đọc trong nhà trường, thu hút học sinh tìm đến sách và níu chân các em ở lại thư viện lâu hơn, các trường học Hà Nội đã sáng tạo nhiều mô hình thư viện mở, thư viện xanh, thư viện thân thiện…, tạo điều kiện thoải mái, thuận lợi nhất cho học sinh khi đọc sách.

Khai mạc Đường sách Hải Phòng 2025 - “Con đường dẫn đến thành công”

Khai mạc Đường sách Hải Phòng 2025 - “Con đường dẫn đến thành công”

20 Apr, 08:19 AM

Kinhtedothi - Tối 19/4, tại vườn hoa Kim Đồng, vườn hoa Tố Hữu (thuộc dải trung tâm thành phố), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức lễ khai mạc Đường sách Hải Phòng 2025. Đây là hoạt động thiết thực nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa - thể thao chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2025) và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025.

Nghệ An: ấn tượng chương trình nghệ thuật "50 năm đại thắng - 54 dân tộc một nhà"

Nghệ An: ấn tượng chương trình nghệ thuật "50 năm đại thắng - 54 dân tộc một nhà"

20 Apr, 08:15 AM

Kinhtedothi - Tối 19/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An phối hợp với UBND huyện Nghĩa Đàn tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Chương trình là dịp ôn lại những truyền thống vẻ vang, bản sắc, anh hùng của dân tộc, qua đó góp phần phát huy, phát triển trong thời đại kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ