Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Ly sữa đậu nành

Trần Nguyễn Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến đi lịch sử ấy, mỗi người được phát một ruột tượng đựng gạo, một khẩu AK và 3 băng đạn. Lúc gần cập bến, chúng tôi biết mình đang ở khu V và đã đến nơi này phải sẵn sàng phương án chiến đấu, kể cả vào bờ.

Cảm giác của tôi xen lẫn sự lo lắng và hồi hộp. Chiếc tàu vận tải của chúng tôi sẽ đi vào Nam và lọt vào giữa trận địa của kẻ thù giăng ra, tiếp tế vũ khí cho chiến sĩ ta trong đó. Chúng tôi được quán triệt rằng nơi ấy đồng đội chúng tôi đang bị bao vây, vũ khí đã cạn dần và vòng vây của địch đang siết chặt từng ngày. Vũ khí chúng tôi đem vào sẽ giúp mặt trận thay đổi cục diện, nhiệm vụ của chúng tôi là đưa vũ khí vào Nam, đến tận tay anh chị em.
Từ ngoài hải phận quốc tế, con tàu chở vũ khí được ngụy trang thành tàu đánh cá, nhằm hướng đất liền tiến vào. Nhiệm vụ xuyên qua vòng vây của quân thù, đưa đạn dược vào cho bộ đội ta trong bờ.
Ảnh minh họa
Tôi ở mũi tàu, xuyên qua màn đêm và sóng gió, chợt phát hiện đèn chớp, báo cáo với thuyền trưởng. Thuyền trưởng bảo đây là Bến rồi. Tàu mở ra đa ra kiểm tra và nhìn mắt thường cũng thấy rất nhiều đèn, nghi là tàu cá, vì thấy đèn nhiều thế chỉ có tàu đánh cá tôi, khi tới gần phát hiện là đội hình tàu địch dày đặc.
Thuyền trưởng vốn là người đã có nhiều chuyến đi đưa vũ khí vào Nam, nhưng đây là lần đầu tiên đột phá vào trận địa kẻ thù thế này. Chúng tôi nghe lệnh của anh: “Đi tiếp vào bờ và tìm được bến, thả neo, thả vũ khí, sau đó di chuyển tàu đến hướng khác đánh lạc hướng địch”.
Con tàu âm thầm lọt sâu vào vịnh, tiến đến vị trí đã định, nơi mặt nước đủ độ nông để thả vũ khí. Địch hoàn toàn bất ngờ. Chúng không thể nghĩ rằng con tàu đối phương lại ngang nhiên lọt vào vịnh ngay trước mũi súng trên bờ và ngư lôi trên tàu. Sự chủ quan của đối phương hay sự táo bạo của chúng tôi đã giúp cho chuyến hàng thành công?
Toàn bộ vũ khí bao gồm rất nhiều súng và đạn các loại được thả êm thấm vào vùng nước nông. Nhiệm vụ của chúng tôi đã hoàn thành. Chiến khu sẽ cử người ra để chuyển vào. Chúng tôi biết, đồng đội trên núi vẫn đang dõi theo con tàu chúng tôi và những tín hiệu cho thấy chúng tôi cần khẩn trương rời điểm thả vũ khí.
Khi con tàu đã nhẹ tênh và rời khỏi bến hết sức bí mật và hướng ra biển khoảng 7 hải lý thì tàu địch mới phát hiện có tàu lạ thâm nhập vào vịnh. Chúng phả đèn vào tàu của ta, rồi nổ súng bắn trước. Thuyền trưởng hạ lệnh: “Hãy đè sóng tiến thẳng ra khơi”. Chúng tôi đánh lạc hướng địch, như thế chúng tôi từ trong bờ đi ra biển vậy. Phải kéo địch càng xa càng tốt, để đảm bảo an toàn cho số vũ khí đã thả xuống.
Tôi dùng DKZ, bắn trúng một tàu địch, anh em trên tàu cùng bắn, địch bị cháy một tàu nữa. Tàu ta vừa chạy vừa đánh, tàu địch tới bao vây ngày càng đông, đạn bắn như sao sa, tàu ta nổ tung khắp nơi, đạn địch găm khắp vỏ tàu. Có lẽ chúng muốn bắn sống tàu chúng tôi. Tôi báo cáo: “Báo cáo, hết đạn”. Thuyền trưởng ra lệnh: “Đánh bộc phá”. Tàu địch không dám đến gần vì thấy tàu ta chiến đấu can trường quá. Đây là cơ hội để đánh bộc phá, hủy con tàu, khiến đối phương nghĩ rằng toàn bộ vũ khí trên tàu đã bị hủy, chưa đến tay bộ đội ta.
Giật nụ xòe xong, tôi còn đến đưa cho thuyền trưởng kiểm tra. Cán bộ chiến sĩ rời tàu bơi vào bờ. Lát sau, nghe một tiếng nổ long trời lở đất sau lưng, nhìn ra không thấy con tàu nữa.
* * *
Trên bờ, địch thả pháo sáng như ban ngày, kêu gọi chiêu hồi. Đạn trên máy bay bắn, đạn tàu bắn lên chặn chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn vào tới bờ. Sáng ra, địch dùng trực thăng đổ quân xuống thung lũng tìm chúng tôi. Đơn vị chia làm hai nhóm đi hai hướng khác nhau để đánh lạc hướng đối phương và đánh hỗ trợ, giúp nhau ngăn chặn đối phương truy đuổi.
Thuyền trưởng bảo chúng tôi: “Anh em cứ đi tìm bến trước, chúng tôi cầm chân địch rồi đi sau”. Tiếng súng AK bắn cầm chân địch, hai người ở lại, đối đầu với một tiểu đoàn đối phương. Thuyền trưởng và đồng đội đã hy sinh, cầm chân địch để chúng tôi đi tìm người của bến trên núi.
Theo lời dặn của thuyền trưởng, tôi đi theo hướng Tây Bắc. Bây giờ địch đã đổ bộ xuống khắp thung lũng, tràn lên núi. Chúng tôi cứ ngày tìm nơi ẩn nấp, tối lại di chuyển trên những quả núi để tìm căn cứ của ta. Tôi cũng biết rằng, một khi chưa tìm ra chúng tôi, đồng đội của căn cứ vẫn tiếp tục đi tìm và tiếp tục đối mặt với nguy hiểm. Nhưng làm sao chúng tôi có thể gặp nhau khi mà địch ngăn chặn rình rập khắp nơi.
Nhóm tôi còn lại hai người và chúng tôi quyết định mỗi người sẽ đi một hướng, để đảm bảo an toàn và tăng thêm cơ may tìm kiếm người trong căn cứ. Đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy nhau. Người đồng đội của tôi đã kiệt sức và nằm lại đâu đó trong những bụi cây rừng.
“Các đồng chí đang ở đâu?” - tôi thầm gọi những người ở cứ. Tôi biết, tôi linh cảm họ vẫn đang ở đâu đó không xa, trong làn đạn kẻ thù, để tìm chúng tôi. Đi dọc dòng suối, cẩn thận và nhẹ nhàng, tôi tìm nước uống và tìm những người dân quân, du kích. Có lẽ địch cũng biết hướng đi của tôi, ném một quả lựu đạn về nơi dòng nước, tôi thoát khỏi một ổ phục kích.
Chao ôi, khi tôi thấy bầu trời bừng sáng thì khi đó tôi đã ở cửa rừng. Trước mặt là biển, là những đơn vị của địch đang dàn hàng ngang đi lên núi. Tôi bò qua những bụi cây lơ thơ, tiến vào một ngôi chùa. Tôi cảm thấy trong lòng mình như mát lại. Mái chùa kia, như những mái chùa quê tôi ở miền Bắc Bộ. Nơi ấy, tôi sẽ gặp các vị sư, tôi sẽ nghe tiếng chuông chùa và những câu kinh kệ. Những ngày chiến đấu sinh tử lòng tôi căng như sợi dây đàn, nhưng nhìn mái chùa hiện ra trước mắt, tôi cảm thấy như trên khuôn mình, xen lẫn máu, mồ hôi là những giọt nước mắt ấm áp lạ thường.
Nhưng lòng tôi không khỏi nhói đau? Lỡ nhà chùa sẽ báo cho địch thì sao? Đây là ngôi chùa ở miền Nam, không phải ngôi chùa làng tôi. Nơi đây, nhiều năm qua địch kiểm soát, họ nói biết bao điều xấu về chúng tôi. Liệu các sư có tin tôi là người tốt hay không? Tôi có nên đặt toàn bộ niềm tin và tình cảm của mình một cách dễ dàng như thế hay không?
Tôi quyết định sẽ vào ngôi chùa này. Con người sống không thể thiếu niềm tin và niềm tin sẽ đem đến cho chúng ta sự thanh thản. Tôi chỉ tiếc rằng, quần áo tôi rách nát, những ngày qua, tôi phải uống nước tiểu của mình để sống, người tôi đầy thương tích. Tôi không muốn mình bước vào chùa với bộ dạng này. Một lần nữa, tôi tin nhà chùa sẽ mở rộng cánh tay đối với tôi, bất chấp bộ dạng xơ xác và rách nát của một người lính cảm tử như tôi.
Thật ngạc nhiên, khi tôi bước chân vào chùa, vị sư như đã biết trước. Có lẽ, tiếng súng nổ suốt những ngày qua đã khiến sư không ngủ. Sư vẫn ngồi trước tượng Phật, vẫn tụng kinh cho hòa bình, cho lòng thương yêu của con người. Không quay mặt lại, sư vẫn biết tôi đang tiến vào điện. Sư nói: “Tôi biết anh là ai”.
Tôi chắp tay chào nhà sư, như khi tôi vẫn vào chùa ở làng tôi ngoài Bắc Bộ. Cúi mình xuống, tôi nói: “Con muốn thu xếp thời gian để ghé thăm sư và chùa”. Sư gật đầu: “Ta biết con sẽ tới nên đã chuẩn bị các thứ cho con”.
Tôi quỳ xuống để nhận một can sữa đậu nành mà sư đã dành sẵn cho tôi. Sư nói: “Giờ ta không thể giúp gì được cho con. Con hãy ra phía sau chùa và tự lo liệu cho mình”. Tôi đáp: “Dạ thưa vâng, xin đa tạ sư”.
Tôi ra sau chùa, chọn bụi cây, đào công sự, hái ổi trong chùa ăn vừa ăn vừa uống sữa đậu nành. Tôi cảm thấy như chiến tranh đã lùi xa và tôi muốn ở lại ngôi chùa mãi mãi. Nhưng rồi, tôi biết rằng địch sẽ vào chùa lùng sục và sẽ nguy hiểm cho sư. Sau khi hồi tỉnh nhờ can sữa đậu nành, tôi lau khuôn mặt vẫn rỉ máu của mình, quay lại khu rừng.
Tôi tự mình xóa đi cái công sự đã đào, lòng cất lên lời xin lỗi vì ra đi mà không thể chào sư lấy một câu.
Chẳng biết có phải vào chùa nên tôi gặp may mắn hay không? Vượt qua đồi cát với những bụi cây lúp xúp, tôi nhìn thấy một người con gái đang bắt cá trong một vũng nước bên suối. Linh cảm mách bảo, tôi biết đó là người của cứ đi tìm tôi. Vào lúc chiến trận ác liệt thế này, không ai đủ dũng khí vào đây để bắt cá cả.
Núp sau bụi cây, tôi lên đạn lách cách để báo hiệu. Người kia tỏ vẻ không sợ hãi gì. Tôi nói theo ám hiệu: “Hoa sim”, người kia cũng đáp: “Hoa sim”. Tôi thu súng vào, tiến ra. Người giao liên còn trẻ, khuôn mặt hình trái tim, bảo: “Em đi tìm anh suốt mấy hôm nay. Chúng em trên núi quan sát thấy các anh chiến đấu mấy hôm nay. Khi hết tiếng súng thì đi tìm để đưa vào cứ, nhưng không gặp”.
Tôi nghe nói, cũng ấm lòng, bảo: “Tôi cũng biết cứ sẽ đi tìm chúng tôi, sẽ gặp nguy hiểm đấy. Địch phục kích khắp nơi, nhất là chỗ có nước. Tôi trúng ổ phục kích nên dạt ra tận bờ biển”. Tôi lại bảo: “Các đồng chí hãy tìm các đồng đội của tôi, vẫn còn 5 người trên núi”, không ngờ cô giao liên bảo: “Chúng em đón về cứ hết rồi, chỉ còn mình anh bây giờ mới về thôi”.
* * *
Tôi gặp người cựu chiến binh năm xưa trong một chuyến đi công tác ra miền Bắc. Người chủ quán trà ấy hỏi tôi “Chú ở trong Nam có biết ngôi chùa nằm bên vịnh kia không?”. Tôi bảo tôi vẫn thường ghé. Tôi lại hỏi: “Bác ở ngoài Bắc mà cũng biết ngôi chùa cổ kia sao?”. Người chủ quán trà vén áo: “Tôi đưa vũ khí vào cho bộ đội ta trong ấy, kỷ niệm vẫn còn là một viên đạn nằm ngay sát xương sống không mổ lấy ra được”.
Người chủ quán trà hỏi thăm sức khỏe của vị sư già, tôi nói: “Sư đã qua đời rồi bác ạ, tháp đặt ở chỗ cây ổi năm xưa ấy”. Người lính già than: “Cuộc đời như đồi cát kia, sẽ san bằng đi tất cả. Nhưng tôi vẫn mang ơn nhà sư. Nhờ có can sữa đậu nành năm ấy mà tôi đủ sức đi tìm được đồng đội tôi”.
Nhà của người cựu chiến binh có vườn đậu để chuyên nấu sữa đậu nành. Những năm rời quân ngũ, đời sống khó khăn, nhờ bán sữa đậu nành mà ông nuôi mấy đứa con ăn học. Khi trái gió trở trời, vết thương đau nhức, tưởng không chịu nổi, bèn lấy sữa đậu nành ra uống, nhớ khi gian nan lòng không nao núng, thế là chiến thắng bệnh tật.
Người lính già hỏi tôi: “Có dịp tôi sẽ vào Nam, thăm chùa, thăm sư. Nhưng giờ hẳn chùa có sư khác trụ trì rồi”.
Tôi biết ngôi chùa ấy đã lâu. Chùa đẹp nằm bên vịnh. Bom đạn chiến tranh mà chùa vẫn còn lại cùng thời gian. Vị sư già viên tịch, đã có đệ tử lên trụ trì, sớm hôm nhang đèn.
Sáng sáng, người ta vẫn nghe tiếng chuông chùa cổ vang vọng khắp vịnh xanh biếc, tấp nập tàu thuyền đánh cá sớm hôm đi về.