[Truyện ngắn] Mầm Xuân

Lê Ngọc Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Họ gặp nhau trên một chuyến tàu từ Lạng Sơn xuôi Hà Nội. Tàu ngày thường vốn vắng khách, dịp áp Tết đông hơn một chút, nhưng cũng phần nhiều là người buôn chuyến, hàng hóa cồng kềnh.

Mang theo cành đào rừng biếu bố chơi Tết, nên Nam chọn đi tàu. Lúc anh khệ nệ bê cành đào lên tàu ở ga Đồng Mỏ thì Hảo đã yên vị giữa mấy bao măng khô.

Dịp cuối năm, gian hàng khô của mẹ chồng đắt khách, cô phải tự đi lấy hàng. Hảo chọn tàu hỏa bởi rộng rãi, chậm một chút nhưng lại tiện vì nhà cô ngay gần chợ Đồng Xuân, xuống ga Hàng Cỏ hay Đầu Cầu đều tiện. Thấy Nam loay hoay lựa chỗ đặt cành đào, Hảo sắp xếp lại mấy bao hàng, đon đả:

- Chú bộ đội để cành đào vào đây này.

- Cảm ơn chị.

- Mang tặng người yêu à, chú chọn khéo đấy…

Nam không trả lời, nhưng vẫn đặt cành đào vào đúng chỗ Hảo chỉ rồi nhìn cô có ý cảm ơn.

Đúng là Hảo không khen xã giao, cành đào Nam mang theo có vẻ đẹp tự nhiên. Từ hai cành chủ khỏe khoắn, gân guốc điểm rêu mốc, địa y… những tay đào bụ bẫm vươn ra, có la có bổng, mỗi nhánh mỗi vẻ với những nụ, những hoa, những lộc vừa đủ để tạo vẻ duyên dáng đậm đà mà không kém phần khoáng hoạt.

Mới nhìn, Nam đã biết cành đào này sẽ rất hợp với chiếc bình gốm Phù Lãng thô tháp cùng không gian phòng khách nho nhỏ nhà mình nên anh dành cả mấy tháng phụ cấp để mua. Bố chắc sẽ rất vui.

Hảo cũng bị vẻ đẹp mộc mạc, tự nhiên của cành đào cuốn hút. Cô cứ ngắm từng cành, điểm từng nụ của cành đào mà xoa suýt:

- Cành đào này Tết tha hồ đẹp. Mà còn phải chơi được đến sau Rằm.

- Vâng, bố em rất thích chơi đào rừng…

Trong tiếng rập rình tàu chạy, câu chuyện dần có đà. Thì ra họ cùng là dân phố cổ, học cùng trường Phan Đình Phùng. Hảo học trước Nam 3 lớp. Về đến Yên Viên thì đã khá đậm chuyện.

Vì Hảo có mấy bao hàng hóa cồng kềnh, Nam thì vướng cành đào nên hai người quyết định cùng về ga Hàng Cỏ. Hảo còn bảo, đi thế để có dịp ngắm chợ hoa Hàng Lược từ trên cao.

Khi tàu chạy qua cây cầu sắt vắt ngang phố Hàng Cót, Hảo nhoài người qua khung cửa, để mặc cho mưa bụi rắc những hạt li ti trên tấm khăn mỏng quàng mái tóc dày, trĩu nặng mà nhìn xuống chợ hoa bên dưới, không biết rằng cặp mắt chàng lính trẻ đang chăm chắm nhìn mình…

Minh họa: An Chi
Minh họa: An Chi

Chợ hoa Tết Hà Nội bắt đầu từ cuối phố Hàng Cót, qua Cống chéo Hàng Lược xuống đến ngã năm Hàng Mã, Chả cá, Thuốc Bắc. Vào những hôm 29, 30 Tết, người bán, kẻ mua đông đúc, nhộn nhịp, hoa tràn ra các phố Phùng Hưng, Hàng Khoai, Hàng Rươi… rồi ngược lên vườn hoa Hàng Đậu, sang cả phố nhà binh Lý Nam Đế. Bạt ngàn hoa là thế, nhưng riêng hoa đào chỉ tụ ở cuối phố Hàng Cót, đầu Hàng Lược cho đến chỗ Cống chéo xưa.

Từ trên đoạn cầu dẫn bắc ngang phố Hàng Cót nhìn xuống, chợ hoa đào ngày Tết như một dòng sông Hồng thắm đang trôi giữa đôi bờ phố cổ rêu phong, nhất là vào một chiều cuối năm khi thành phố đã lên đèn hay như sáng nay, khi mưa bụi giăng mờ mặt phố.

Xuống ga, Nam bảo muốn đi bộ về cho thỏa cơn nhớ phố phường. Đang vui chuyện, Hảo cũng giao cho bác xích lô quen đợi sẵn chở hàng về, còn cô thì đi bộ cùng Nam. Hôm ấy đã qua ngày Tết ông Công ông Táo. Phố cổ Hà Nội đã chộn rộn vào Tết.

Trên phố đã thấy những người bán rong đào, quất. Chàng lính trẻ trong bộ quân phục nhuốm màu sương gió, ôm cành đào rừng đậm nét xuân. Cô gái Hà Nội, dáng lam làm nhưng vẫn đầy vẻ thanh xuân, tươi trẻ. Họ vô tình điểm một nét xuân trên nền cổ kính phố phường Hà Nội.

***

Bẵng đi một thời gian, chuyến tàu cuối năm tưởng mãi chỉ là một kỷ niệm, thì bất ngờ họ gặp lại nhau.

Cũng một ngày áp Tết. Nam vừa ra quân, ra chợ hoa Cống chéo Hàng Lược tìm mua cành đào Tết. Đang cân nhắc một cành xem ra có vẻ ưng ý, bỗng anh nghe tiếng reo nho nhỏ: Ô, chú bộ đội! Ngoảnh lại, anh nhận ngay ra Hảo bởi cô hầu như không thay đổi. Vẫn đôi mắt hơi buồn, mái tóc dài mượt rủ xõa trên vồng ngực vun cao, cái bụng thon xuôi xuống đôi chân thẳng, chắc.

Hơi đẫy ra một chút nhưng cô lại thêm vẻ mặn mà. Hảo nhất định kéo Nam vào quán cà phê chỗ góc phố Cổng Đục khiến anh hơi bất ngờ. Còn Hảo, chính cô cũng không ngờ mình vui như thế khi gặp lại người bạn đường chỉ mấy tiếng đồng hồ dạo nào.

Hôm ấy họ ngồi với nhau khá lâu. Trong cái náo nhiệt của chợ hoa Xuân, bên tách cà phê nóng, không hiểu sao Hảo lại dốc lòng với một chàng trai kém tuổi, hầu như xa lạ. Có lẽ nỗi cô đơn cùng thời khắc nhà nhà chuẩn bị đón một cái Tết xum vầy khiến cô không nén nổi lòng mình. Còn Nam, phần vì cũng không có việc gì gấp, như anh hay đùa với đám bạn “nhà chẳng có gì ngoài thời gian”, nên cũng lắng nghe Hảo tâm sự.

Thì ra, hai năm qua đã có những biến cố xảy ra với Hảo. Lần Nam gặp Hảo trên chuyến tàu, cô đã có gia đình. Chồng cô là con cả một gia đình buôn bán, có gian hàng đồ khô ở phố Hàng Chiếu. Anh hiền lành, làm thợ sửa đồ điện.

Họ quen nhau trong một lần anh đến sửa cái máy giặt, khi ấy Hảo đang là giáo viên tiểu học ở một trường ngoại thành. Thấy nhà cô chỉ có hai mẹ con, anh để số điện thoại và dặn: Lần sau, nếu có gì trục trặc, cứ gọi điện cho anh. Và họ yêu nhau sau vài ba lần anh đến sửa đồ.

Năm đầu tiên hai người khá hạnh phúc. Lấy anh, Hảo nghe lời mẹ chồng, thôi việc ở trường tiểu học, về phụ bà bán hàng. Anh vẫn ngày đi làm, chiều về quấn quýt bên vợ. Nhưng rồi cuộc sống không được như ý. Hơn một năm, cô vẫn không có bầu. Hai vợ chồng vẫn sinh hoạt đều đặn, nhà có điều kiện nên họ có phòng riêng ấm cúng.

Vậy mà không hiểu tại sao? Ánh mắt của mẹ chồng nhìn Hảo đã có phần khang khác. Bà tỏ vẻ sốt ruột, nhất là khi người quen, họ hàng hỏi về chuyện con đầu cháu sớm. Hảo cũng rủ chồng đi khám, nhưng anh và cả mẹ anh nhất quyết không đồng ý. Dường như họ mặc định, lỗi này là do cô…

Hôm ấy chồng Hảo đi công tác dưới Nam Định. Bà mẹ chồng gọi cô vào nói chuyện:

- Hảo à, mẹ không có điểm gì chê trách con. Con là một nàng dâu hiếu thảo, nết na. Nhưng con biết đấy, nhà mình dòng trưởng. Thằng Hòa rồi ra là trưởng họ, nó không thể không có người nối giõi. Mà con thì…

- Thưa mẹ, con cũng đang cố thuốc thang. Nhưng con lo anh Hòa…

- Làm sao mà phải lo, nó khỏe mạnh như thế, trai họ Vũ đứa nào cũng hai ba đứa, nếp tẻ đủ cả. Hay thế này, mẹ sẽ cho con ít dấn vốn… Con thương mẹ, thương thằng Hòa, để nó tìm người khác. Cũng là con tạo phúc cho dòng họ này…

Sau cuộc nói chuyện ấy, thái độ của mẹ Hòa khắc hẳn. Và chuyện phải đến đã đến. Không thể chịu nổi những gằn hắt, bóng gió của bà mẹ và mấy cô em chồng, dù trong thâm tâm vẫn rất yêu chồng và biết anh không hẳn đã hết tình cảm với mình, Hảo làm đơn xin li hôn, quay về sống với mẹ ở căn phố nhỏ trên phố Phùng Hưng.

Đã chót bỏ việc khi lấy chồng, Hảo ở nhà phụ mẹ bán quán bánh cuốn nóng. Được hơn một năm mẹ cô mắc bệnh nặng rồi qua đời. Giờ thì cô ở một mình, thay mẹ trông coi quán bánh cuốn. Thi thoảng, vào buổi tối, khi đoàn tàu khách xuôi từ Lạng Sơn về gõ nhịp bánh sắt trên cây cầu cạn dọc theo con phố có những tán bàng già, Hảo hay nhớ đến câu chuyện trên chuyến tàu năm ấy. Một nỗi nhớ vu vơ. Điều đó cũng cắt nghĩa cho sự vui mừng hơi thái quá của cô lúc gặp lại Nam.

***

Kể từ hôm gặp lại, Nam thỉnh thoảng ghé hàng bánh cuốn nóng của Hảo. Học được nghề lái xe trong quân đội, khi ra quân Nam được nhận về làm lái xe cho một cơ quan trung ương. Công việc khiến anh hay phải đi các tỉnh xa, nhưng bao giờ về Hà Nội, anh cũng đến quán của Hảo. Nhất là vào những tối mùa Đông.

Quán nhỏ nhưng sạch sẽ. Bếp lò than hồng rực, quán của Hảo đón khách ăn khuya với làn hơi ấm tỏa từ nồi tráng bánh cùng mùi hành phi thơm nức… Không gian hẹp cùng những bộ bàn ghế cũ kĩ được bù lại bởi không khí ấm áp, sự đon đả mời chào, đĩa bánh nóng hổi, mỏng tang ánh lên lần nhân nâu nâu qua lớp bột trắng mịn, bát nước chấm pha khéo và đĩa rau húng, rau mùi đầu mùa xanh mướt mắt…

Lúc đầu chỉ như một sự chia sẻ. Lâu dần, Nam có vẻ nghiện món bánh cuốn. Và xem ra không chỉ món bánh cuốn. Có hôm Nam còn đến giúp Hảo thu dọn quán hàng. Họ vẫn gọi chị, xưng em, nhưng dường như đã có sự thay đổi nào đó trong mối quan hệ. Những hôm như thế, Hảo hay giục Nam về sớm. Có những lúc chị thấy nóng bừng gò má, cố tránh cái nhìn táo bạo của chàng trai kém mình tới ba tuổi.

Lại thêm một lần chợ hoa Tết Hàng Lược nhóm họp. Nam vừa có một chuyến công tác dài lên Tây Bắc. Cất xe vào ga ra, anh buộc cành đào rừng xinh xinh sau xe máy, hăm hở phóng về quán nhỏ. Lúc Nam cầm cành đào bước vào, Hảo cũng vừa tắm gội sau một buổi bán hàng. Nước ấm làm má cô ửng hồng. Chiếc áo len cổ rộng hơi trễ làm lộ bầu ngực mịn màng, đầy đặn thấp thoáng sau làn tóc xõa như hút cặp mắt của Nam, một chàng trai khỏe mạnh, đang độ thanh xuân.

- Nhìn gì, muộn rồi còn đến đây làm gì. Thôi về đi…

- Em nhớ chị, người ta thích chị mà… Nam ấp úng rồi như không kìm được cảm xúc, anh buông cành đào, nhào tới ôm riết lấy Hảo. Bị bất ngờ, sau vài động tác chống cự yếu ớt, Hảo dần lả đi trong vòng tay mạnh mẽ cùng hơi thở nóng hổi, cặp môi ấm áp của Nam.

Chuyến tàu đêm từ Lạng Sơn về đang ầm ầm lăn bánh qua đoạn cầu cạn trước cửa nhà…

Cái Tết rồi cũng qua đi nhanh chóng. Mồng 6, Nam đến sớm giúp Hảo dọn hàng. Lúc mở nắp âu hành phi, chợt Hảo cảm thấy khó chịu, cô bưng miệng chạy vào phòng vệ sinh. Chứng kiến hai ba lần cảnh ấy, bà chị tính thảo lảo được mời đến mở hàng lấy may, lẳng lặng chạy sang hàng thuốc bên cạnh. Dù bán tín, bán nghi, Hảo vẫn nghe lời khuyên của bà chị vốn biết rõ và luôn vun vào cho câu chuyện của hai người.

Hảo run bắn người, lặng người trong vòng tay hạnh phúc của Nam, cô ứa nước mắt khi nghe trong mình cảm giác một mầm xuân đang nhú.

Chuyến tàu sáng đi Lạng Sơn lại đang đều đều gõ bánh, bắt đầu một hành trình mới. Mưa bụi tháng Giêng rắc rây lên những chồi non trên tán bàng già. Một mùa Xuân mới đang về.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần