Truyện ngắn: Mùa hạ xanh

Truyện ngắn của Phạm Thanh Thúy
Chia sẻ Zalo

Nhà tôi neo người: Một mẹ một con. Đã thế lại còn sống xa nhau. Tôi một mình trong căn phòng chung cư khá thoải mái nhưng luôn bề bộn những nỗi niềm.

Mẹ tôi, người đàn bà một đời lặng lẽ, một đời hoài cổ. Ngôi nhà cũ, rất cũ. Vườn cây trồng nhãn lưu niên. Những mùa hạ, nhãn chín thơm nồng...

Minh họa: Hải Lan

Tất cả người và vật đều bình yên, rất bình yên. Nên khi người ta phá bỏ khu tập thể cũ, chặt hết nhãn trong vườn để xây một khu chung cư mới, tôi mới thuyết phục được mẹ ra thành phố sống với tôi. Tôi an ủi mẹ rằng ra phố nếu buồn thì mẹ có thể mở một quán nhỏ bán trà đá. Dân chung cư thành phố cũng tình cảm lắm chứ không hờ hững lạnh lùng như người ta vẫn thường than thở. Mẹ lặng lẽ gật đầu. Tôi biết cảm giác của mẹ. Đó là cảm giác vô cùng chông chênh khi phải chứng kiến tận mắt cái gì đó mình đã gắn bó, đã quý yêu, mà vì một lí do nào đấy đã không thể nào tồn tại nữa.
Đầu mùa hạ. Những cây dâu da xoan trong sân chung cư xanh ngăn ngắt. Nhưng chẳng mấy chốc chúng đã trổ từng chùm hoa trắng xốp như mây. Mẹ bảo buổi sáng sớm, hương hoa dâu da xoan nồng nàn lắm. Tôi ngủ nướng, khi trở dậy thì nắng đã rôm vàng. Còn hương hoa thì đã bị tiếng ồn đánh dạt mất cả rồi. Thế mà một sáng Hằng thúc mạnh và sườn tôi bảo: “Chị dậy đi. Dậy mà ngửi. Mùi hoa thơm lắm.” “Hoa gì?” Tôi mơ màng hỏi, nhưng Hằng không trả lời, chỉ bồi thêm một câu nữa: “Lần đầu tiên được ngửi đấy. Bà già chị hóa ra hay thật. Cứ như lúc nào cũng đúng”.
Mẹ tôi đến một tuần thì Hằng đến, đem theo một túi đồ đạc gồm quần áo và phấn son. Hằng lập tức thể hiện như thể Hằng là chủ nhân của ngôi nhà, chỉ vừa đi công tác về từ một phương trời nào đó. Khi Hằng đến, mẹ tôi đang đứng trên ban công nhìn xuống tầng tầng lá và hoa dâu da xoan. Hằng hỏi bác nhìn gì vậy. Mẹ bảo nhìn cây. Hằng cười hơ hớ: "Bác đúng là bà già. Hệt ông bà già cháu. Lẩm cẩm. Cây thì có gì mà nhìn cơ chứ".
Chập tối, khi Hằng còn đang mải hát ầm ĩ trong nhà tắm, mẹ hỏi tôi: "Cô Hằng tự nhiên nhỉ?”. Tôi gượng cười bảo thi thoảng Hằng đến ở nhờ vì vợ chồng giận nhau. Mẹ nghe xong, thở dài: "Các chị bây giờ tự do thật. Ngày xưa bố mẹ có giận nhau đến mấy cũng không để hàng xóm biết đến, đừng nói bỏ nhà đi dăm ba bữa thế này". 
*   *   *
Tôi và mẹ thường ngồi cùng nhau khoảng một giờ sau bữa ăn tối ngoài ban công. Mọi thứ ở đây vẫn y nguyên như cũ. Vẫn bộ bàn ghế uống nước bằng nhựa đã bị mưa nắng lạt phai gần hết màu xanh. Vẫn duy nhất một chậu cây thiết mộc lan trang trí. Nghĩa là đã bốn năm ly hôn, bốn năm Khiết rời khỏi ngôi nhà này, chỉ có chúng là tôi không thay đổi.
Mẹ tuyệt đối không một lần nào nhắc đến tên Khiết - người con rể cũ. Trước đây khi tôi yêu Khiết, mẹ không bằng lòng. Mẹ bảo đàn ông có đôi mắt dài, hàng mi cong vút thế kia, nếu thuộc về người khác thì không biết, chứ nếu thuộc về tôi thì tôi lại đứt gánh giữa đường. Tôi hỏi làm sao mẹ biết điều đó. Mẹ bảo mẹ cũng không có cơ sở nào, chỉ dựa vào linh cảm của một người mẹ. Tôi không cãi lại mẹ một câu nào, nhưng lặng lẽ nuôi mối tình đó cho đến lúc chín muồi. Tôi ly hôn xong xuôi mới dám về nói với mẹ. Nhận tin không hay đó, mẹ im lặng. Sự im lặng kéo dài đó đối với tôi ngỡ là một nỗi buồn bất tận, là nỗi đau khôn nguôi, nỗi đau càng kéo dài đến tận bây giờ khi tôi biết rằng dù không còn có Khiết nữa, tôi vẫn nhớ thương Khiết biết nhường nào. Có ai đó vẫn rỉ tai nhau một câu mà họ liệt vào hàng bất tử, không rõ của một triết gia hay của một kẻ khốn khổ nào đó đã lãnh đủ mọi cay đắng của tình yêu: "Ái tình là liều thuốc đắng nhưng không ai có can đảm chối từ".
Ở ban công nhà tôi có thể trông rõ ngôi nhà nghỉ bên kia đường phố. Nhà nghỉ đó vốn có tên ban đầu rất gợi: "Tại Sao Không?" Nhưng không hiểu vì lí do nào đó, chữ "không" lại bị hỏng, buổi tối, nó không thể sáng đèn. Thành thử tên nhà nghỉ chỉ còn mỗi hai chữ "Tại Sao". Hai chữ đó khiến người ta có rất nhiều suy nghĩ. Nó như một câu hỏi đầy đớn đau, đầy uất ức của một ai đó bị phản bội. Như thể chính nó nói toạc ra một sự thật cay đắng "Nơi đây đã, đang và sẽ diễn ra biết bao cuộc tình tội lỗi".
Chính vì tôi và mẹ thường ngồi bên nhau uống nước và trò chuyện ngoài ban công như thế, nên một hôm, mẹ kể rằng mẹ vô tình trông thấy một ông già cặm cụi đạp xe đến và biến mất trong ngôi  nhà đó. Hai mươi phút sau lại có một bà cụ cũng cặm cụi đạp xe đến và biến mất trong đó. Một tiếng sau thấy ông cụ đi ra, mười phút sau lại thấy bà cụ đi ra. Cứ thế, một tuần hai lần vào những ngày nhất định, cặp đôi cụ già đó như một cái máy đã được lập trình. Cứ thế, cứ thế và cứ thế. Tôi im lặng, chẳng biết tham gia bình luận gì. 
*   *   *
Mẹ bảo mẹ đến thăm một bà bạn. Bà ấy là người bạn đầu tiên của mẹ khi mẹ đến thành phố sống cùng tôi. Tôi bảo để con mang xe đưa mẹ đến chỗ bác ấy. Bao giờ muốn về thì gọi con đến đón về. Nhưng mẹ xua tay, để mẹ đi một mình, ra ngoài cho khuây khỏa. Tôi đứng trên ban công nhìn bóng mẹ lẫn vào trong phố. Tự hỏi tại sao trong khi có bao người chỉ muốn và tìm mọi cách gào thét lên cho thiên hạ biết là mình đang tồn tại, thì lại có một người bình lặng sống như mẹ? Đôi khi tôi ao ước mình giống mẹ ở lối bình thản ấy.
"Sao em không lấy chồng đi?"
Khiết làm như để thể hiện sự quan tâm thì nên hỏi câu hỏi đó. Tôi không nói gì. Tôi biết là mình sắp khóc. Nếu tôi căm ghét anh thì tôi không khóc. Nhưng tôi không căm ghét anh.
"Mỗi ngày bình quân em nhận được ba câu hỏi tương tự câu hỏi đó. Anh nhân với ba trăm sáu mươi ngày xem một năm em nhận được bao nhiêu câu hỏi. Có những người hôm nay gặp bảo em lấy chồng nữa đi. Ngày mai gặp cũng hỏi thế. Ngày kia gặp vẫn câu tương tự. Họ cứ làm như họ là những chuyên gia hoạch định cuộc đời".
"Sao em cay đắng thế? Họ chỉ quan tâm thôi mà".
"Từ khi sinh ra em đến bây giờ, chưa bao giờ mẹ nói với em câu đó".
Lặng nhìn tôi, mắt Khiết như buông lệ. Tôi cũng lặng im ngồi nhìn ra khuôn viên bệnh viện. Có biết bao người bệnh và người thân của người bệnh thơ thẩn trong vườn. Họ không nắm tay nhau, nhưng họ là chồng là vợ.
Tôi và Khiết tay vẫn trong tay, nhưng đã không phải vợ chồng.
Tôi không có can đảm để uống rượu khi sầu. Tôi chỉ biết đi lang thang trên con phố dài thật dài để về nhà khi chân tay rã rời và nuốt từng giọt đắng của tình yêu vào sâu trong lồng ngực. Gõ cửa phòng mình, tôi ngơ ngẩn nhìn Hằng và một thanh niên trẻ măng chỉ quấn ngang người bằng chiếc khăn bông tắm của chính tôi.
"Em đã như thế này ư? Với bao nhiêu người rồi?" - Tôi cay đắng như Hằng đã phản bội tôi.
"Khoảng năm hay sáu người gì đấy. Em không nhớ nữa" - Đốt điếu thuốc lá, giọng Hằng thản nhiên đến trơ trẽn.
"Thế em có yêu chồng nữa không?
"Có chứ chị. Rất yêu là đằng khác".
Chúng tôi im lặng nhìn nhau, đến khi điếu thuốc lá kẹp giữa đôi ngón tay thon dài của Hằng đã cháy đi non nửa.
"Thế mà trước đây chị cứ ngỡ em là giống người".
 
*   *   *
...Đêm của ánh sáng vàng võ tỏa ra từ những cột đèn đường. Cả những chiếc lá cũng không còn màu xanh của lá. Thành phố hết mình sôi động lại đằm thắm bình yên như một phố huyện nghèo nàn. Từng cánh cửa ken két khép mình. Từng ngọn đèn thưa thớt. Tôi nhấn chìm mình trong mộng mị ma quái về thăm thẳm một cõi người.
...Mẹ không về đêm nay.
...Chiều nay người ta xôn xao về câu chuyện con trai, con dâu, cháu trai cháu gái của "cụ ông lọc cọc đi xe đạp" đã đón đánh cụ bà cũng "lóc cóc đi xe đạp" về tội ngoại tình, lăng nhăng làm tan vỡ gia đình nền nếp của họ.
..."Chắc mẹ cháu lạc rồi. Dại thế? Sao lại để mẹ đi một mình?"
..."Hay là bà cụ nhớ quê?"
...Nhớ quê... Lòng tôi cồn cào nhớ về vườn nhãn bình yên những trưa hè. Nhớ ngôi nhà cũ xập xệ mùi rêu mốc. Tôi gọi về vườn cũ, chỉ những chuỗi " tu...u...ut" kéo dài vô định. Không người hàng xóm cũ nào còn ở lại vườn xưa.
...Tôi chạy xe suốt đêm. Vườn cũ và nhà cũ đã thành một công trường ngổn ngang gạch cát. Đèn điện bảo vệ tỏa từng quầng sáng nhạt nhòa. Tiếng chó sủa ong óc loanh quanh. Tôi chập choạng đi trên từng từng lớp lớp lá nhãn tươi non bầm dập. Một tiếng hát ai buồn tênh một bài hát cũ.
...Khiết chặn tôi bằng một vầng hoa nhãn:
..."Mẹ đi rồi. Chắc mẹ linh cảm là anh sẽ đến".
..."Mẹ không ghét anh mà".
..."Anh biết".
...Khiết nhìn tôi chăm chú. Tôi cũng nhìn anh, nhưng chẳng biết nói gì. Nếu căm ghét anh thì tôi sẽ khiến mình không khóc. Không yêu, không ghét, nghĩa là bình thản?
...Thành phố lại chìm vào trong ngày mới. Nắng lên cao và bầu trời trong trẻo. Tôi loạng choạng về sân chung cư. Cây dâu da tỏa một màu xanh ngát lên bầu trời, mẹ đang ngồi dưới gốc cây. Bất động.
..."Từ lúc người ta đánh ghen ầm ĩ ở cổng nhà nghỉ Tại Sao, bà cụ nhà chị cứ ngồi suốt đến giờ, không động đậy".
...Anh bảo vệ trẻ cảm thông chia sẻ thông tin. Tôi cảm ơn, đến ngồi bên mẹ.
..."Mẹ định về thăm chốn cũ con ạ. Lại thôi."
..."Vâng. Con biết. Mẹ ơi. Khiết đã chết rồi."
..."Mẹ biết".
...Mẹ đưa những ngón tay khô khốc rờ rẫn lên mái tóc tôi. Tôi òa khóc.
Tôi òa khóc.
Bừng tỉnh.
Mẹ ngồi bên tôi.
Khiết vẫn nằm trên chiếc giường trải ga trắng, bàn tay Khiết trong tay tôi lạnh dần.
"Đêm qua con về đuổi cô Hằng ra khỏi nhà rồi đi như mộng du. Mẹ lo quá phải theo con đến đây. Thôi con..."
Mẹ ấp tay tôi trong những ngón xương gầy. Ngoài ô cửa phòng bệnh:  Mùa hạ xanh. Mùa hạ xanh màu gì? Khiết bảo "Mùa hạ xanh màu mây em ạ".
Khi tôi còn nhỏ, mẹ cũng bảo mùa hạ xanh như thế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần