Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Mưa Xuân

Lê Ngọc Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không biết có phải là một ý tưởng theo chủ đích của người thiết kế, hay bởi nương theo thế đất mà từ đoạn qua cổng chính, lối đi dạo ven hàng rào của công viên Bách Thảo, lại thấp dần so với nền đường chính là con đường Hoàng Hoa Thám.

Lối đi dạo thấp xuống, cùng với bóng mát của rặng cây lâu năm, ngẫu nhiên đã tạo một không gian kín đáo, nên thơ cho những cặp đôi bên nhau đi dạo, dù là đang trưa hè râm ran tiếng ve hay trong một đêm mùa Xuân mưa bụi nhẹ bay…
Ngoài lý do là một không gian thơ mộng, quãng đường dạo này được chọn còn bởi đây là đoạn cuối của quãng đường họ hay đi cùng nhau sau mỗi buổi học tiếng Anh. Thông thường, từ lớp học ngoại ngữ buổi tối, họ đạp xe sóng đôi qua các con phố yên ả của Hà Nội, lúc này đã vắng người, xe.
Từ đoạn phố Hoàng Hoa Thám, nơi có con đường dạo đầy duyên dáng này đến nhà Trang trong làng hoa Ngọc Hà chỉ còn một quãng ngắn. Có lẽ cũng bởi vậy mà khi đến đây, họ thường dắt xe theo lối đi dạo, hòa dần vào bóng đêm thấp thoáng ánh đèn đường như muốn kéo dài đôi chút thời gian bên nhau, để rồi lại mong đến buổi hẹn lần sau…
 Minh họa: Mỹ Văn
Đêm nay cũng là một đêm như vậy. Trời đã vào cuối tháng Giêng. Mưa Xuân rắc nhẹ trên tàng sấu dọc đường Phan Đình Phùng, một trong những con phố đẹp nhất Hà Nội với những biệt thự im ắng hai bên đường. Không gian vốn yên tĩnh lại càng tĩnh lặng hơn, đến mức như có thể nghe được tiếng hạt mưa Xuân đậu nhẹ lên áo, lên mái tóc dài óng mượt có buộc sợi nơ đỏ thân quen của Trang.
Thành và Trang dừng lại ở chỗ đứng quen thuộc, nơi con đường dạo chạy sâu xuống, thấp nhất so với mặt đường Hoàng Hoa Thám trên kia, đến mức cả những ánh đèn xe thi thoảng lướt qua cũng không tọc mạch được vào cái không gian riêng tư của đôi lứa này. Đưa đôi bàn tay lành lạnh hơi Xuân, Thành khẽ nâng gương mặt trái xoan thanh thoát của người yêu, hôn nhẹ như muốn uống những bụi mưa li ti đọng trên cặp mắt đang khép hờ của Trang.
- Ngày mai anh đi rồi!
Không đáp lại lời Thành nhưng cặp môi run rảy của Trang nói lên tâm trạng của cô lúc ấy. Cặp môi ấy cuống quýt lần theo từng đường nét thân quen trên gương mặt của chàng trai đang thấm những giọt lệ trào ra từ đôi mắt của cô…Quen rồi yêu nhau gần hai năm, đây là lần đầu tiên Trang hôn Thành bằng những cái hôn thắm thiết như vậy.
- Thành ơi em xin lỗi…
- Em có lỗi gì đâu…
- Em biết là em có lỗi, anh à. Em đã làm khổ anh. Giờ thì phải đợi đến lúc anh trở về. Nhất định em sẽ đợi…
Thành quen Trang tại một lớp học Anh văn buổi tối. Nhìn vào hình thức bên ngoài, khó có thể nghĩ họ sẽ là một cặp. Từ quân ngũ trở về mới theo học đại học, đang là bác sĩ nội trú tại một bệnh viện lớn, kiêm giảng viên trường y, Thành có dáng vẻ nghiêm nghị, mô phạm. Trong khi đó, Trang trẻ nhất lớp, vừa tốt nghiệp phổ thông, mới đậu vào một trường trung cấp nuôi dạy trẻ. Nhìn cô nhí nhảnh nói cười, Thành thầm nghĩ: Cô nuôi dạy trẻ thì cần gì tiếng Anh. Chắc cô bé này đi học cho vui, ít hôm lại kết với một anh chàng nào đó để thành một cặp, “từng đôi chim bay đi” như hay thấy ở các lớp học ngoại ngữ hồi ấy!
Vậy mà không, cô bé ấy học hành rất nghiêm túc và là một trong những học sinh cứng của lớp. Có điều lạ, tuy vui vẻ, nhí nhảnh nhưng Trang có vẻ như muốn chủ động làm quen với anh, người mà cô ngầm xui nhóm bạn đặt cho cái tên “Cụ Khốt”. Ấy là sau này, khi đã yêu nhau, cô thú nhận như vậy. Còn hồi đó Thành gần như không để ý đến cô cùng nhóm bạn, nói gì bận tâm đến việc họ gọi anh là gì!
Cho đến một hôm lớp học phải nghỉ giữa chừng vì mất điện. Không biết có phải ngẫu nhiên mà lúc Thành dắt chiếc xe cà tàng của anh ra khỏi cổng thì cũng thấy Trang cùng chiếc Mifa màu xanh ngọc thời thượng ngay bên cạnh. Chẳng nhẽ học cùng lớp bao lâu, trong hoàn cảnh ấy không hỏi một câu thì bất nhã, Thành hỏi cho có:
- Trang không đi ăn kem với cả hội à?
- Em đợi anh Thành mời…
Đến nước này thì khó mà chối từ. Vả lại trời hôm ấy đang oi nồng, nghĩ đến việc về lại căn phòng 8 mét vuông mà bệnh viện dành cho bác sĩ nội trú với ánh đèn đỏ quạch, Thành thấy không mấy hào hứng. Vậy là anh tặc lưỡi, mời Trang đi ăn kem. Cũng nhờ cái tặc lưỡi ấy mà anh phát hiện họ có một điểm đầu tiên giống nhau. Ấy là lúc chọn địa điểm ăn kem, cả hai cùng nhất trí lên Tôn Đản, nơi kem không ngon bằng Tràng Tiền, nhưng bù lại khá vắng mà lại được đón những cơn gió nồm mát rượi từ mạn bờ sông Hồng. Vậy là họ quen nhau, rồi yêu nhau lúc nào không biết.
Dù tuổi tác chênh lệch khá nhiều, Thành hơn Trang chừng 10 tuổi, nhưng họ khá hợp nhau về suy nghĩ, sở thích, từ những cuốn sách, bản nhạc cho đến những cuốn phim… Yêu Trang, Thành như trẻ ra. Anh có thể hòa mình vào những cuộc vui của nhóm bạn mà Trang kết thân ở lớp ngoại ngữ.
Ngược lại, từ ngày quen rồi yêu Thành, Trang có vẻ chững chạc hơn lên, chia sẻ được với anh những suy nghĩ về cuộc sống, nghề nghiệp. Tất cả đều đẹp và đám bạn cùng lớp, lúc đầu còn hoài nghi, nhưng sau cũng ủng hộ và vun vén cho mối quan hệ của hai người. Đặc biệt mẹ Thành, người luôn mong đứa con trai út lấy vợ để bà nếu có nhắm mắt thì cũng yên lòng, lúc đầu cũng nghi ngại vì Trang quá trẻ, cũng dần bằng lòng.
Vậy mà trục trặc lại đến từ góc khó nói nhất. Là một chàng trai đã gần ba mươi, cũng qua một vài mối quan hệ, lại theo ngành y, Thành coi chuyện trai gái yêu thương gần gụi nhau là lẽ đương nhiên.
Nhưng với Trang lại không vậy. Cô gần như né tránh những cái hôn đằm thắm của Thành. Càng không chịu được những ôm xiết, những cử chỉ gần gụi. Tôn trọng người yêu, Thành thường ghìm nén cảm xúc, tất cả giữa hai người chỉ mới dừng lại ở những cái ôm nhè nhẹ, những nụ hôn phơn phớt trên má, trên tóc. Điều đó không có gì quá khó, khi mối quan hệ xuôn sẻ. Nhưng tình yêu đâu phải chỉ có những yên bình, dịu ngọt. Nó còn có cả hờn giận, hiểu lầm, nhất là khi hai người ở độ tuổi khác nhau.
Những lúc đó, Thành không tránh khỏi suy nghĩ, thậm chí ghen tuông! Cũng may là Trang luôn biết cách bày tỏ tình yêu của mình. Lúc thì là một chiếc khăn len tự tay cô đan, khi là mấy bông cẩm chướng vườn nhà. Rồi những chăm lo cho mẹ anh mỗi khi họ cùng về quê thăm mẹ…
Mọi việc như chỉ đợi ngày Trang ra trường. Rồi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ. Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc. Lệnh Tổng động viên được ban bố. Là cựu chiến binh thời đánh Mỹ, Thành không thể ngồi yên. Anh làm đơn xin tái ngũ. Mai là ngày anh lên đường. Vì không muốn Trang quá lo lắng, đến buổi học cuối cùng tối nay anh mới báo với cô. Và giờ này, Trang mới đặt lên môi anh những cái hôn nóng bỏng, ôm xiết anh trong vòng tay như chẳng muốn rời.
Trên cao, từ đường Hoàng Hoa Thám, trong ánh đèn đường, mưa Xuân đã chuyển sang nặng hạt…
* * *
Vậy là anh đã đi xa được gần 40 năm. Trong cái đêm mưa Xuân rây rắc ấy, khi lần đầu trao anh những cái hôn thật sự trong nước mắt, lả người trong vòng tay ghì chặt đến nghẹt thở của anh, tôi thầm mong một ngày anh sẽ trở về, tôi sẽ bù đắp cho anh, trao cho anh tất cả những gì là đẹp đẽ nhất của một người con gái. Vậy mà anh đã không trở về. Anh đã hi sinh trên biên giới phía Bắc vì đạn pháo của quân xâm lược khi đang cứu chữa thương binh ở một trạm quân y dã chiến.
Phải mấy năm sau khi anh qua đời, tôi mới bình tâm trở lại và mở lòng với một người con trai khác, chồng tôi bây giờ. Và càng trải nghiệm những cung bậc của tình yêu, tôi càng thương Thành hơn. Càng hiểu rằng ngày ấy anh yêu và trân trọng tôi biết bao nhiêu. Còn tôi lúc ấy chỉ là một cô gái mới lớn, còn bỡ ngỡ, ngờ nghệch trong tình yêu. Tiếc rằng tôi chẳng còn cơ hội mà bù đắp cho anh nữa. Cái suy nghĩ ấy cứ day dứt tôi, khiến tôi vừa không thể quên anh, vừa cảm thấy như mình có lỗi với chồng.
Rất may là chồng tôi là người độ lượng. Anh cũng từng là người lính tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Khi tôi chia sẻ câu chuyện với Thành, anh bảo: Anh phải cảm ơn Thành. Có lẽ cũng bởi những cảm nhận của em về anh ấy mà em chia sẻ dễ hơn với anh trong tình yêu của chúng mình…
Riêng tôi, dù mấy chục năm đã qua, mỗi khi đi lại quãng đường xưa, không khỏi nhớ đến Thành, nhớ đến cái đêm mưa Xuân thuở ấy…
* * *
Câu chuyện trên tôi được nghe trong một lần cùng vợ chồng bà Trang tham gia đoàn cựu chiến binh trở lại thăm nơi ông Thành từng chiến đấu và ngã xuống gần bốn chục năm trước. Sinh ra trong thời bình khi bóng đen của chiến tranh đã lùi xa, không hiểu sao câu chuyện cứ ám ảnh trong tâm trí, khiến tôi những mong viết lại. Không chỉ có thế, mỗi khi qua quãng đường Hoàng Hoa Thám đoạn ngang công viên Bách Thảo, tôi lại thấy lòng mình như chùng lại. Nhất là trong những ngày mưa Xuân giăng mắc khắp phố phường Hà Nội…q