Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Ổ khóa định mệnh

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học
Chia sẻ Zalo

Đâu phải lần đầu tiên Phúng mở khóa hòm thóc móc tiền từ cái túi vải của mẹ. Phúng đã làm chuyện đó quá nhiều lần.

Bao năm trời mẹ vẫn dùng ổ khóa cũ, đen kịt và nhẵn bóng. Chỉ cần dùng mũi chiếc liềm lá lúa xọc vào, ngoáy vài cái là ổ khóa kêu đến “tách”, mở ra. Mẹ cứ thận trọng ra khóa vào khóa, mà không hề biết ổ khóa đã mòn, chẳng có tác dụng giữ an toàn. Còn cậu con trai giữ bí mật về một ổ khóa vô tác dụng cho riêng mình. Mẹ an tâm những đồng tiền được dồn từ mấy đồng bán rau, ổ gà con, hay lứa lợn sẽ an tâm nằm trong đó. Những đồng tiền nhàu nhĩ ấy mẹ trang trải cuộc sống, phần còn lại tiết kiệm phòng lúc cuộc sống bất trắc. Còn với số tiền ấy, nó cho cậu tiền thết đãi bạn bè, cùng những đêm lao đầu ra phố huyện ăn tiêu...
Cha mất khi đứa em út lên ba, bỏ ba đứa con cho mình mẹ tất tưởi làm lụng nuôi nấng.  Giờ đứa em gái đã vào Nam làm công nhân, anh cả đi bộ đội. Mỗi người đều nung nấu ước vọng của riêng mình và biết thương mẹ. Chỉ Phúng, từ ngày trượt thi đại học ở nhà, đỡ đần mẹ thì ít, quậy phá phiền hà, ba trợn ba trạo thì nhiều. Cậu không nhớ mình đã mở khóa bao nhiêu lần. Từ năm học lớp 10, trong một lần nghịch thử, cậu làm một động tác là dùng mũi liềm thử mở khóa. Quả nhiên nó đã nghe lời, từ đó đến nay đã bốn năm. Có một điều cậu để ý, chiếc túi vải đựng tiền mà mẹ tự dùng kim chỉ khâu ngày càng nhầu nhĩ, từ màu thâm nhạt đã chuyển sang màu thâm đen. Chắc mỗi lần mẹ bỏ ra, đút tiền vào đó, hay lấy tiền đi tiêu thì mồ hôi thấm thêm vào, rồi két lại. Hay cũng có thể những đồng tiền lẻ đã cõng mồ hôi, ướp vị mặn mòi vào túi vải. Có một lần Phúng chợt rùng mình, tự cười vào mặt mình. Xong rồi cậu lại cười xòa.
***
Sáng, mẹ đóng lại bao thư tối qua tỉ mẩn viết từng chữ, cho vào chiếc túi ni-lông rồi buộc vào xe đạp. Chiếc xe đạp tòng tọc trơ trơ cái khung sắt. Phúng ngồi dựa vào gốc cây sung ở mé ao. Thi thoảng những quả sung chín rơi bòm bọp, gõ mình vào mặt nước rồi nổi nênh cùng sóng nhẹ. Cậu chờ mẹ đi khỏi sẽ mở khóa. Trong phút chốc, cậu thấy mẹ sao mà nhân hậu. Mẹ cứ rù rì đi về sớm nắng chiều mưa. Mẹ làm thay phần cha, để đến nỗi có vụ mùa ê ẩm đau, mẹ toài cánh tay ra phía sau, nắm chặt bàn tay lại đấm cho bờ vai đỡ mỏi. Mẹ chẳng than phiền lấy một câu sao đời mình khổ thế. Nhưng Phúng thì than phiền cả nghìn lần. Có lần cậu phũ phàng hỏi sao chúng con khổ, mẹ chỉ có rau dưa nuôi chúng con? Mẹ đã bật khóc, rồi lại giấu đi dòng nước mắt để thắp xanh cho khoảnh vườn và cánh đồng. Những ý nghĩ cứ rủ nhau ùa về, chợt tim Phúng đập thình thịch. Lại là tiếng mẹ. Mẹ đi rồi, về làm gì nhỉ? Hay mẹ không đi nữa. Phúng chạy vào hỏi. Mẹ bảo quên cái nón, sợ lúc về nắng vỡ đầu. Mẹ lấy cái nón mê chụp vội lên đầu rồi lại lóc cóc đạp xe. Dáng mất hút sau con ngõ dài. Phúng nhủ, mẹ đội mấy chục năm cái nắng cái mưa, chỉ lót qua cái nón, vậy mà đã bao giờ vỡ đầu đâu! Mẹ thật giỏi. Phúng lại ra dựa lưng gốc sung và chờ đợi. Phải để mẹ đi xa hẳn đã, chẳng may lúc đang mở khóa mà mẹ lại quên một cái gì đó, quay về bắt gặp thì biết trốn đằng nào.
Giờ phút chờ đợi đã đến. Phúng tìm chiếc liềm cùn giắt trên mái ngói bếp. Cậu chỉ cần lay lay mũi liềm vào lỗ khóa là nó mở ra, tách! Vục tay vào hòm thóc, quờ quạng ở vị trí quen thuộc không thấy. Phúng chuyển vùng sang chung quanh. Cũng không thấy. Tim cậu đập rộn. Chiếc túi vải biến đâu nhỉ? Hì hục quờ quạng đến cả chục phút không thấy, thất vọng, cậu tuồi ra, khóa lại ổ. Mồ hôi vã ra như tắm.
Nhảy xuống cầu ao lấy hai bàn tay múc nước tạt vào mặt cho đỡ nóng. Mẹ giấu túi tiền ở đâu? Cậu quyết định làm việc đó một lần nữa. Phúng mang chiếc ghế gỗ, kê để đặt chân. Nhờ đó cậu có thể vục tay sâu vào lòng thùng thóc. Thóc ram ráp cứa vào tay, phả hơi ấm âm ỉ của nó vào mặt. Phúng chao qua chao lại, từ tầng cao đến thấp, cố không bỏ sót góc nào. Đây rồi, một cái bọc ni-lông. Phúng nhấc nó ra. Không phải là chiếc túi vải như lần trước. Phúng mau chóng tháo nút. Chiếc túi vải quen thuộc nằm trong bọc ni-lông. Nó dày hơn, cũ hơn thường ngày. Mẹ mới bán ba con ngan, hẳn mới bỏ thêm tiền vào.
Mở chiếc túi vải, rút tiền ra, cậu thấy hoa cả mắt. Mẹ đã gói tiền bằng những mảnh giấy vở học sinh nhàu nhĩ, chằng buộc bằng dây rơm cẩn thận. Này, mẹ còn viết những chữ gì nữa đây? Gói nào mẹ cũng viết. Phúng thận trọng nhặt lên từng gói, và đọc. Gói đầu tiên mẹ viết: “Tiền này dành đảo ngói nhà”.
Đầu Phúng toát mồ hôi. Hơi nóng từ hòm thóc phả ra. Trời ơi, ngôi nhà cứ động mưa là dột. Năm trước mẹ nhờ người giúp thay những viên ngói vỡ, chỉ vài trận mưa thì những viên ngói trước xui viên ngói sau, tiếp tục bục ra. Mẹ vất vả lấy nào xô, chậu, nồi niêu giăng khắp nhà mà hứng. Ngôi nhà còn hơn tuổi mẹ, những người hàng xóm tốt bụng vẫn bảo mẹ phải xây lại nó, sống cho đỡ khổ. Hoặc ít nhất thì cũng phải cải tạo hoàn toàn phần mái. Nhưng tiền đâu mà xây với cải tạo. Nó sống đời nhọc nhằn như mẹ, và giờ nó già nua hoang hoải. Mẹ đã chu đáo tính toán cho tuổi của nó. Gói tiền này, trời ơi, làm sao mình có thể lấy được! Phúng thấy mồ hôi từ người, từ vai mình túa ra, chảy rần rần buồn buồn xuống cổ tay, bàn tay rồi thấm vào gói tiền. Gói tiền như sực lên những nỗi niềm của mùi vị lo toan.
Phúng đặt gói tiền xuống, rồi nhấc lên một gói khác, cũng bọc giấy và buộc rơm cẩn thận, nặng mùi vất vả, có viết: “Dành cho cậu cả lấy vợ”.
Không thể lấy gói tiền này. Anh trai thương Phúng. Cậu biết điều đó. Anh vẫn bảo Phúng chịu học, rồi có ngày anh làm được tiền, thay mẹ chu cấp. Dù sao anh sống có tình, không cậy anh mà đe nén em. Chẳng biết anh đã yêu được cô nào qua thư, nhưng mẹ chờ đợi ngày anh cưới lắm. Bỗng chốc, gói tiền nặng trĩu xuống.
Gói ghi “Cu Phúng ôn thi” mộc mạc, dày hơn những gói khác bởi gộp nhiều đồng lẻ, cong cớn. Phúng nâng lên bằng hai tay. Cả hai tay run như thể gói tiền biết giẫy. Rồi toàn thân cậu run cầm cập trong khi mồ hôi vã ra, tưới toàn thân. Mẹ vẫn chờ đợi và hy vọng. Mẹ từng mắng mỏ Phúng nhiều mà cậu không nghe. Nhưng mẹ vẫn chờ cho con có điều kiện thi đỗ một trường nào đó, đi học, rồi nở mặt nở mày. Giây phút này, Phúng tự vấn: Sao mẹ nhẫn nhịn đến thế, mình đã phá phách, ương bướng suốt mấy năm qua, mà mẹ vẫn động viên cho học?
Phúng không thể cầm lòng được. Những dòng ký ức ồ ạt túa về khiến cậu òa khóc. Dòng lệ trộn dòng ký ức, pha với ít ân hận, cộng với nỗi cay đắng vì mình đã quá ích kỷ. Hơi thở như phì ra từ hai lỗ tai chứ không phải mũi, Phúng vội lần tìm gói tiền tiếp theo, viết: “Dành cho mình chữa bệnh”. Mẹ có bệnh gì nghiêm trọng sao? Phúng tự hỏi. Mẹ vẫn có bệnh thấp khớp, sỏi thận, thoái hóa cột sống… Những bệnh đó cậu đều biết cả, mỗi khi nó tấn công khiến mẹ mỏi mệt quằn quại. Nhưng chẳng bao giờ mẹ than thân trách phận mà dũng cảm chiến đấu. Thằng con trai lưng dài là con đã đỡ đần được gì cho mẹ đâu. Vậy mà mẹ chu đáo từng đứa. Phúng thận trọng xếp lại từng gói, đưa hẳn vào chiếc túi vải, rồi lồng ni-lông như trước. Cậu thận trọng nhìn nó để dòng ký ức vẫn không thôi ùa về. Như lòng thương mẹ từ mạch nước nào rỉ ra, rồi bục vỡ, để xối xả thành nguồn nước tình thương, chảy trong huyết quản đứa con vốn nhiều nghĩ suy lệch lạc.
Chưa bao giờ Phúng thấy mình hư hỏng đến thế, nhẫn tâm đến vậy. Bất thần, nước mắt cậu túa ra, rớt cả vào gói tiền. Như thể nỗi cùng cực của mẹ được chan thêm dòng nước ân hận của đứa con trai. Phúng nhớ rất rõ, chính xác là từ năm học lớp 10, từ cái ngày cậu phát hiện ra ổ khóa. Và Phúng như tỉnh lại, tự hứa rằng  không thể sai mãi.
***
Bà mẹ đang nhìn đứa con tội nghiệp. Bà bỗng dâng lên nỗi thổn thức. Từ xa, bà nhìn nó như cái xác không hồn, bần thần trong ân hận. Bà đang tự nghĩ, hẳn là mình đã thành công trong chuyện thử thách nó. Tiền bị ngót, vị trí cứ bị nhúc nhích một vài đốt ngón tay. Chiếc túi vải đựng tiền không thể biết chạy. Mấy tháng nay tự dưng bà nghĩ đến chuyện đánh dấu. Rằng bà dùng gang tay, đo làm sao để túi tiền cách cái thành chiếc hòm áp ở ngực bà đúng một gang. Thế mà nó đã di chuyển một chút. Nhà chỉ có hai mẹ con. Không phải Phúng thì đúng là có ma. Vậy là bà đã theo dõi. Đứng từ xa, bà biết, mỗi lần nó đều rút một trăm nghìn.
Theo dõi, bà biết Phúng đã làm gì với ổ khóa, cất chiếc liềm nhỏ ở đâu, tiêu tiền thế nào. Đúng là đồ ranh mãnh. Đẻ mày thà đẻ cái trứng mà ăn! Bà đã trách con như thế, âm thầm. Những lần hai mẹ con to tiếng, đều là những lần bà không chịu nổi tiếng ngang ngược và sự lười nhác của nó. Bà thậm chí còn sợ to tiếng, thằng con bạt cho một cái thì khổ. Nên bà đã lựa cách tránh lúc nó nóng nảy. Khi nó nổi khùng thì bà dịu xuống. Bà đã không nói thẳng với nó về vấn đề này. Bà cũng không chịu thay ổ khóa khác.
Nhưng không thể để nó hư thêm, trượt dài trong lầm lạc mà cần động não. Nó lấy của mình được thì nó cũng lấy được của người. Rồi sự thể đi đến đâu, ai biết được. Nên cần phải ngăn chặn sự việc này bằng cách tế nhị nhất.
Từ mấy hôm trước, bà quyết định làm theo cách của mình, và để sao cho buổi sáng nay, con trai rơi vào cuộc thử thách. Bà đã làm y như mình đi lên phố huyện gửi thư và thăm họ hàng. Thật ra bà ra gửi xe ở đầu làng, rồi đi đường tắt, vòng về khu vườn nhà cốt làm sao không để con trai biết. Qua lỗ thủng ô cửa sổ, bà nhìn thấy hành động của con, thậm chí rõ cả những giọt mồ hôi lăn trên trán nó. Bà còn thấy con khóc. Nó khóc nức nở và chẳng hay biết mẹ đang dõi theo nó. Nó khóc trong ân hận, như thể gửi gắm tất cả tâm sự với những cái cây trong vườn. Nó càng khóc thì lòng người mẹ càng vơi đi gánh nặng. Con người ăn nhau ở ý chí. Nó đã hứa, đã quyết tâm học để làm mẹ vui, chắc sẽ làm được. Bà nghe thấy tiếng cây nói, như tiếng quả tim của cậu con trai, rõ mồn một.