Khi soạn lại những cuốn sổ ghi chép cũ, Tâm chợt thấy một nhánh lá ép giữa trang giấy ngả mầu thời gian. Đó là một nhành rau khúc, thứ rau mọc ngoài bãi sông, cánh đồng sau những cơn mưa xuân tưới tắm nhuần nhị đất trời. Nhành rau khúc đã khô xác, nhưng kỉ niệm gắn với nó chợt ùa về, tươi rói như mới ngày nào…
***
Ngày ấy, họ cùng học khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh, một chàng trai ngoại thành, nhập học cùng khóa với cô sau 5 năm quân ngũ. Cái gốc gác nông dân, cùng những gian khổ đời lính đã tạo cho anh nét nghiêm nghị, trầm tĩnh. Ngược lại, là con gái của một quan chức cấp bộ, Tâm rõ ra là một tiểu thư đài các pha chút mơ mộng của cô gái học văn.
Với vẻ bên ngoài có những nét đối lập nhau như thế, không ai ngờ họ sẽ thành một cặp. Vậy mà họ lại đến với nhau. Đám sinh viên văn khoa ưa triết lý, khái quát thì phán: Người ta có xu hướng đi tìm cái mình thiếu!
Thật ra, Tâm bị cuốn hút bởi cô cảm nhận bên trong cái vẻ thô tháp ấy của Trung là một tâm hồn nhạy cảm. Đặc biệt, cô cảm mến nghị lực và sự nghiêm túc trong học hành của anh, điều làm anh vượt trội và có sức hấp dẫn hơn cả trong số không ít chàng trai quanh cô. Lại có một chút gì như tự ái, vì Trung có vẻ như chẳng để mắt tới cô, trong khi cô có cả một đám vệ tinh là những anh chàng cùng khoa, cùng lớp. Thật ra, không phải anh không rung động trước vẻ đẹp của Tâm, nhất là với mái tóc thề thơ trẻ cùng ánh mắt lúc như mơ màng, lúc lại ánh lên những nét tinh nghịch của một cô gái thành phố. Anh tự nén lòng mình với suy nghĩ, đó không phải là cô gái dành cho mình.
Thế rồi số phận như run rủi cho họ đến với nhau. Lần ấy khóa học của họ đi tập quân sự, dã ngoại trên mạn chùa Thầy. Trong chương trình có một đêm liên hoan văn nghệ. Lớp của họ được chọn một tiết mục duy nhất là giọng ca nữ của Tâm với bài hát Lời ru bên cánh võng, đệm ghi ta là một anh chàng bấy lâu vẫn theo đuổi Tâm.
Bất ngờ, chỉ còn mấy tiếng nữa là biểu diễn, cậu chàng bị ngã sái tay trong trận đấu bóng buổi chiều. Vì chủ quan không chuẩn bị phương án dự phòng, tiết mục của Tâm có nguy cơ phá sản. Trung đã cứu một bàn thua trông thấy, khi nhận đệm đàn cho Tâm hát, và tiết mục đã thành công, nhận giải. Bấy giờ cả lớp mới biết chàng cựu binh thô tháp ấy là một cây ghi ta amateur tài hoa. Từ đó, mỗi cuộc vui, không thể thiếu màn Trung đệm ghi ta cho Tâm hát. Đôi khi cao hứng, anh còn độc tấu một bản cổ điển làm không ít cô gái mê mẩn. Tất nhiên là Tâm cũng không phải ngoại lệ…
Sau Tết năm ấy, khi họ đã khá thân thiết, Tâm nhận lời cùng Trung về thăm nhà anh, một làng quê ven sông Đuống. Lớn lên ở nội thành Hà Nội, Tâm chỉ mới biết đến sông Đuống qua câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm:
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ…
Quãng đường chỉ non hai chục cây số, như nhiều sinh viên thời ấy, họ chọn cách đi xe đạp. Trung đã cẩn thận mượn một anh bạn là sĩ quan quân đội chuyển ngành đi học chiếc Phượng Hoàng nồi đồng cối đá. Anh đèo Tâm trên con đê ven sông Đuống đang mùa đẹp nhất. Cả cánh bãi rực một màu vàng hoa cải.
Trên triền đê, cỏ non mơn mởn và nước sông mùa cạn lặng lờ trôi, in bóng những hàng tre chắn sóng ven bờ. Đưa Tâm về quê mình dưới màn mưa xuân nhẹ bay, Trung thầm nghĩ rồi anh sẽ đưa Tâm đi khắp vùng quê ven con sông đã đi vào thơ, ca, nhạc họa này với những chùa Dâu, Bút Tháp, thăm làng tranh Đông Hồ… Hai người sẽ qua bến Hồ, sang bờ Bắc thăm Phật Tích, ngôi chùa gắn với câu chuyện Từ Thức nhập Thiên Thai…
Cái đinh của chuyến đi là lúc Trung đưa Tâm ra đồng hái rau khúc. Trên cánh bãi, lẫn trong những gốc rạ mùa trước là những cụm rau khúc. Mảnh mai, khiêm nhường, những cây rau khúc trông na ná như cây cải cúc, nhưng nhỏ hơn ngả sang mầu trắng mốc lẫn trong cây cỏ tốt bời trong cữ mưa xuân.
Trung chỉ cho Tâm cách phân biệt khúc nếp và khúc tẻ. Cô vô cùng thích thú khi biết những cây khúc nếp lá nhỏ, có vẻ cằn hơn khúc tẻ nhưng lại thơm ngon hơn. Chọn một nhành khúc đẹp nhất, Tâm ép vào cuốn sổ nhỏ lúc nào cũng mang bên người theo thói quen từ thời còn là học sinh lớp chuyên văn thành phố.
Bữa bánh khúc ở nhà Trung hôm ấy mà Tâm được mẹ anh hướng dẫn cùng làm là một kỉ niệm khó quên với cô. Cô thích thú cùng bà nhặt lá khúc, giã nhỏ, tỉ mẩn gỡ những xương lá, lọc nước để trộn với bột nếp để làm bánh. Hình ảnh chõ bánh lên hơi trên bếp củi hồng rực, tỏa hương nếp thơm hòa quyện mùi rau khúc còn mãi ghi đậm trong tâm trí cô. Nó khiến cô tưởng như sẽ gắn bó với nếp nhà khiêm nhường nơi làng quê ven con sông thơ mộng này. Sau chuyến đi đó, Tâm chính thức đón nhận tình yêu của Trung.
Khỏi phải nói bố mẹ Tâm phản đối đến mức nào khi biết chuyện tình cảm của hai người. Chỉ có Tâm là con gái duy nhất, ông bà nâng như nâng trứng. Trong khi đó Trung là con cả, phía dưới là một đàn em, cảnh nhà chẳng lấy gì làm sung túc. Cứ nghĩ cái cảnh Tâm sẽ phải gánh vác nhiệm vụ của nàng dâu trưởng ở cái làng quê còn lắm lề thói nhiêu khê là ông bà đã không thể yên lòng. Nhưng cũng vì thương con mà họ đành chấp nhận tình yêu đầu đời của Tâm. Trung đã thành khách quen trong căn hộ nằm trên gác hai một tòa biệt thự ở phố Hàng Chuối của gia đình Tâm.
Những tưởng trắc trở đã qua. Không ngờ người phản đối tình yêu của họ một cách mềm mỏng nhưng bền bỉ, kiên quyết lại chính là mẹ Trung. Bằng linh cảm của một người mẹ, bà lo cho hạnh phúc của con mình, nếu anh lấy Tâm. Bà không chê Tâm ở điểm gì, chỉ lo hoàn cảnh của họ quá khác nhau. Bố mất sớm, Trung còn cả một gánh nặng là đàn em 5 đứa vẫn đang tuổi ăn tuổi học. Bà bảo với Trung:
- Mẹ không chê nó điều gì, có điều cảnh hai nhà không hợp nhau. Con phải nghe mẹ…
Và dù không nói ra, sâu thẳm trong thâm tâm bà còn e ngại một điều. Với suy nghĩ thực tế của một phụ nữ nông thôn, bà lo nhà Tâm con một, lấy nhau, gần như chắc chắn Trung sẽ ở rể. Điều đó cũng có nghĩa là bà “mất” con. Bà hi vọng với sức học và sự chuyên cần, Trung sẽ được đi nước ngoài, có cơ hội đổi đời và giúp đỡ được các em.
Đúng như mẹ Trung mong ước. Học giỏi, lại từng tham gia quân ngũ, hết các học phần cơ sở, anh được chọn đi học tiếp ở nước ngoài theo quy định thời đó.
Trước hôm đi, họ đi dạo với nhau khá khuya ở sân ký túc xá Mễ Trì dưới vòm xà cừ đang xạc xào thay lá.
- Em đừng đợi anh. Không biết khi nào anh mới về. Dù anh rất yêu em, nhưng anh còn mẹ, còn các em.
- Sao anh không để em chia sẻ với anh… Tâm nói trong ngân ngấn nước mắt.
- Anh không muốn em khổ. Nếu như anh ở nhà thì không nói làm gì. Mà con đường của anh chắc sẽ rất dài…
Đoạn đời mà Trung phải trải qua cho mục đích anh đặt ra quả thật rất dài, nhiều trắc trở. Sau những năm đại học tại Đông Đức, Trung được học tiếp nghiên cứu sinh. Rồi nước Đức thống nhất và anh định cư ở đó. Cùng với học hành, một việc mà Trung dành nhiều tâm sức là kiếm tiền. Anh không nề hà một việc gì, kể cả bán thuốc lá ở ga tàu điện ngầm hay đi phụ bán hàng trong cái lạnh dưới độ không của mùa Đông nước Đức.
Năm ba phen tích cóp được ít vốn liếng rồi lại mất trắng, dần dà Trung cũng gây dựng được cơ nghiệp nơi đất khách quê người, trở thành ông chủ của chuỗi nhà hàng ăn Việt Nam nằm trên những con phố nhỏ của Berlin, ngay gần quảng trường Alex. Quan trọng hơn, anh dần dà đưa được cả ba người em trai sang Đức, mỗi người đều có cơ ngơi, công việc ổn định, vợ con đề huề.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, Trung đã qua tuổi bốn mươi. Khi những mục tiêu anh đặt ra đã đạt được, Trung chợt nhận thấy tóc mình lấm chấm bạc. Phải hơn hai chục năm sau ngày ra đi anh mới có dịp trở lại Hà Nội. Mẹ anh thương con, cũng nhắm cho anh vài ba đám đẹp người tốt nết nhưng Trung chẳng thể mở lòng.
Với sự nhạy cảm của một chàng trai học văn, anh biết họ đến với mình bởi toan tính nhiều hơn tình cảm. Và cái chính là hình ảnh của Tâm, cô bạn học ngày nào như vẫn chưa phai trong tâm trí. Cái ước mong được cùng cô thăm dãy núi Lạn Kha nơi có ngôi chùa Phật Tích cổ kính cùng những bụi mua nở hoa tím ngát vẫn dang dở…
***
Qua bạn bè, Tâm vẫn dõi theo những tin tức về Trung, biết rõ cuộc sống của anh. Biết anh vẫn sống độc thân, Tâm không khỏi chạnh lòng. Nhưng biết làm sao được. Đã bấy nhiêu năm. Con gái có thì. Tâm cũng đã có một gia đình đầm ấm. Cũng chính vì vậy, trong một vài lần về nước, Trung không tìm gặp, cô chỉ buồn mà không hề thấy giận.
Cô hiểu tính cách của Trung và biết rằng anh muốn giữ cho hai người những kỉ niệm thật đẹp thuở nào. Tâm chợt thấy biết ơn Trung. Dù sao quãng thời gian họ gắn bó với nhau cũng tràn đầy những kỉ niệm êm đẹp, mà cô luôn nâng niu, gìn giữ.
Những kỉ niệm tưởng như đã chìm sâu trong kí ức, đến hôm nay lại ùa về. Tâm nghe thoang thoảng đâu đây mùi hương rau khúc mới hái…