Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyền thông chính sách: Cần sự chủ động từ cơ quan chức năng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đang có rất nhiều các bộ, ngành, địa phương chưa có sự chủ động trong công tác phối hợp với báo chí nhằm tuyên truyền chính sách tới người dân.

Chủ động để mang lại hiệu quả

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực”, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh, trong truyền thông chính sách, quan trọng nhất là sự chủ động của các cơ quan chức năng cũng như các cơ quan báo chí. 

Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh chia sẻ thực tế nhiều cơ quan báo chí khi truyền thông chính sách nhưng phải "xin" thông tin của cơ quan chức năng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh chia sẻ thực tế nhiều cơ quan báo chí khi truyền thông chính sách nhưng phải "xin" thông tin của cơ quan chức năng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đang có một thực trạng, trong số các cơ quan, bộ ngành, địa phương, bên cạnh một số cơ quan rất chủ động như: Bộ Ngoại giao có công tác phối hợp với báo chí rất thường kỳ, thường xuyên hay như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội… Nhưng còn rất nhiều các bộ ngành, địa phương còn chưa có sự chủ động.

Xét về sự chủ động của các cơ quan báo chí, các cơ quan báo chí truyền thống bao gồm 6 cơ quan chủ lực cũng các cơ quan báo đài, kênh truyền hình lớn, sự chủ động này là rất tốt. Tuy nhiên, có tỉ lệ khá lớn các báo, tạp chí khác chưa chủ động trong truyền thông chính sách, thậm chí có những cách hiểu chưa đúng về tuyên truyền chính sách hay truyền thông chính sách nên việc truyền thông chưa được hiệu quả, nhiều khi mang tính một chiều.

Ông Lê Quốc Minh chia sẻ, thực tế nhiều cơ quan báo chí khi truyền thông chính sách nhưng phải "xin" thông tin của cơ quan chức năng. Một số bộ ngành không có một kênh thông tin để thường xuyên cung cấp, thậm chí phải có sự trao đổi, thảo luận trong bối cảnh thông tin hiện nay rất nhiễu loạn. Nhiều bộ ngành chưa có chiến lược truyền thông mang tính dài hạn, thường nặng về sự vụ, nếu xảy ra việc gì thì gặp gỡ báo chí để giải quyết tức thời.

Kinh nghiệm cho thấy, nếu chúng ta làm tốt công tác truyền thông chính sách, nhất là những chính sách có tác động lớn xã hội, được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của dư luận xã hội, chính sách sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Công tác truyền thông thậm chí phải đi trước một bước, thay vì đi sau chính sách. Việc này trong thực tế chưa đạt được mong muốn.

Tóm lại, để làm truyền thông chính sách, bên cạnh sự chủ động của các cơ quan báo chí, đòi hỏi điều quan trọng là sự chủ động của chính các cơ quan chức năng, bộ ngành, địa phương và sự phối hợp giữa hai bên, cũng như cơ chế đặt hàng thì sẽ đạt hiệu quả hơn, Tổng biên tập báo Nhân Dân kết luận.

Xây dựng niềm tin của nhân dân

Nói về vai trò của truyền thông chính sách, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình công tác này không những nhằm bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm củng cố, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước về mỗi một chủ trương, chính sách mới được ban hành.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho rằng cần sử dụng hiệu quả những công cụ quản lý, định hướng truyền thông chính sách ở Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho rằng cần sử dụng hiệu quả những công cụ quản lý, định hướng truyền thông chính sách ở Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Không những thế truyền thông trong quá trình xây dựng, ban hành và đánh giá chủ trương, chính sách nhằm phục vụ nhân dân sẽ giúp nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Chính phủ. Do đó cần sử dụng hiệu quả những công cụ quản lý, định hướng truyền thông chính sách ở Việt Nam.

Cũng theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tại Quyết định 238-QĐ/TW về "Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm” đã quy định rất rõ sự phối hợp trong quá  trình ban hành chính sách chủ trường, giải quyết chính sách và có nhiều công cụ đồng hành với truyền thông.

Một công cụ nữa là Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước quy định rất rõ quy định cung cấp thông tin.

Bên cạnh đó là các phương thức, cơ chế truyền thông truyển thông chính sách qua các cơ quan, đơn vị báo chí truyền thông như các cổng Thông tin điện tử, Người phát ngôn, giao ban hằng tuần, hằng tháng, hằng quý….

Ngoài vấn đề nhận thức, cần làm tốt công tác dự để biết trước được vấn đề nào sẽ gây ra khủng hoảng, dư luận quan tâm, và có phương pháp, cách thức xử lý phù hợp, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nói.

Còn theo Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ, truyền thông chính sách phải được chi tiết hoá, được gắn với những ví dụ điển hình tạo sự hiểu biết, có sức hấp dẫn, thuyết phục, trước hết là tạo sự đồng thuận với các chính sách mới của Chính phủ, chính quyền các cấp, từ đó tạo ra sự lôi cuốn trong thực hiện những chính sách đó, những tích cực nổi bật của các địa phương, bộ, ngành…

Ví dụ chính sách đối với đồng bào dân tộc, Đài Tiếng nói Việt Nam đã đẩy mạnh trên VOV4, phát thanh bao phủ diện rộng với đồng bào dân tộc, với các đồng chí lực lượng công an, quân đội đang ở nơi biên cương, hải đảo. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng chủ động nắm bắt thông tin từ lúc chính sách đang hình thành, có sự phản biện trong quá trình hình thành chính sách để khi chính sách ra đời không bị động…

"Trong thời đại số, với nhiều phương tiện hiện đại, chúng tôi đang nâng cao nguồn lực về con người, chất lượng cán bộ tiếp tục được bồi dưỡng để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ" - ông Đỗ Tiến Sỹ chia sẻ.