Tăng cường tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô
Theo Sở Tư pháp Hà Nội, xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng, Thành phố rất quan tâm, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác PBGDPL hàng năm và giai đoạn. Công tác PBGDPL trên địa bàn thành phố đã góp phần quan trọng tạo chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân Thủ đô, xây dựng người Hà Nội sống và ứng xử có văn hoá pháp lý, văn minh, thanh lịch, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự xã hội, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội cho biết, qua một năm thực hiện Đề án tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027 (Đề án 407), các đơn vị thuộc TP Hà Nội với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện, tình hình thực tiễn đã chủ động lựa chọn những văn bản pháp luật có tác động lớn tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân trên địa bàn TP, được dư luận quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền trên Cổng/Trang thông tin điện tử của đơn vị.
Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí ở trung ương, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp với đối tượng và địa bàn theo quy định; đã quan tâm tổ chức tiếp nhận, giải trình, xử lý thông tin góp ý, phản hồi, phản biện xã hội đối với dự thảo chính sách...
Trong đó, Sở tham mưu UBND TP đưa nội dung tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong các kế hoạch hằng năm về công tác tuyên truyền, PBGDPL của UBND TP, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp các ngành TP. Chủ động tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch tăng cường thông tin tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)…
Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân
Tham gia thảo luận tại hội nghị, đại diện Sở Tài chính cho biết, Sở xác định công tác truyền thông dự thảo chính sách có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ. Cùng đó, Sở Tài chính đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân bằng hình thức phù hợp.
Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, tích cực từ phía các cơ quan thông tin, truyền thông, với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản trong truyền thông dự thảo chính sách để bảo đảm thông tin đa chiều, khách quan, chính thức, chính xác và đầy đủ.
Theo đại diện Sở Xây dựng, qua thực hiện, Sở Xây dựng nhận thấy, từ khâu xây dựng chính sách đến khi tổ chức thực hiện chính sách cần thực hiện tốt công tác truyền thông. Việc thực hiện công tác truyền thông từ khâu tổng kết, đánh giá sự cần thiết ban hành chính sách, tạo sự đồng thuận xã hội về đề xuất chính sách; khi ban hành chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện.
Theo Sở TT&TT, công tác truyền thông chính sách của thành phố Hà Nội đã được thực hiện chủ động, công khai, minh bạch, có định hướng nhằm tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của người dân trong việc tìm hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng góp phần quan trọng đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách; từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo đồng thuận trong xã hội.
Đánh giá cao công tác PBGDPL và truyền thông chính sách tại Hà Nội, Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Lê Vệ Quốc mong muốn Hà Nội lựa chọn nội dung, hình thức PBGDPL, truyền thông chính sách và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân phù hợp với đối tượng, địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL…