Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyền thông nội bộ trong mỗi... gia đình

Lê Thành - Nam Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Truyền thông nội bộ là một từ khóa rất “hot” thời nay. Đó là hoạt động xây dựng, duy trì và củng cố mối quan hệ tốt giữa các thành viên trong một công ty, nhằm huy động được mọi nguồn lực, mọi nỗ lực trong nội bộ để đạt mục tiêu đề ra. Khi đem ứng vào phạm vi gia đình, khái niệm này dường như cũng vô cùng ý nghĩa.

Người trong một nhà sao chẳng hiểu nhau
Chị Vân có người con trai du học tại Canada và lấy vợ định cư luôn ở đó. Thương bố mẹ chồng vất vả cả đời lại chưa từng đặt chân ra ngoài biên giới, chị bàn với chồng mời ông bà một chuyến xuất ngoại.
Phần chị vì bận chăm con gái mới đẻ nên không có mặt trong chuyến đi, vả lại chị cũng nhẩm tính sẽ sang bên đó khi con dâu sinh cháu, một công đôi việc luôn. Trước chuyến đi cả 2 tháng, chị Vân chu đáo lên kế hoạch tới từng chi tiết nhỏ. Chị nói con trai tìm thuê một căn hộ tiện nghi cho ông bà và bố, chứ không ở cùng trong nhà của chúng, bởi qua tìm hiểu chị biết đó là hình thức mà nhiều người lựa chọn do sẽ có sự thoải mái thật sự.
Kinh phí cho chuyến đi chị chuyển sẵn cho con trai. Đoàn “du lịch” gồm hai ông bà già và một gần già - chồng chị sẽ chỉ có việc hưởng thụ những ngày tháng đẹp. Ngay cả thời tiết, chị cũng cẩn thận lựa khi không quá rét.
 Ảnh minh họa.
Bố mẹ chồng chị Vân đã thật sự hài lòng với chuyến đi phải nói là lịch sử trong cuộc đời ông bà. Mọi lời khen ngợi ông bà dồn vào “thằng bé”. Chuyến đi thành công phần lớn là công của nó - cả ông và bà đều một điệp khúc như vậy. Chị Vân chạnh lòng, tại sao ông bà không ghi công cho chị trong cuộc này. Ở đời quan trọng nhất là ý tưởng. Đằng này không những chị là người nảy ra sáng kiến mà lại còn chăm chút từng li từng tí để biến ý tưởng thành hiện thực.
Mọi sự liên lạc của chị với con trai ở “bển” đều diễn ra trong căn phòng khách, thường có mặt bố mẹ chồng. Cớ sao ông bà không nhận ra điều đó. Ấm ức cứ mỗi ngày một lớn, chị Vân tiêu cực nghĩ, dù sao bố mẹ chồng cũng là… khác máu, con trai họ mới là số một. Bất công từ đó mà ra.
Còn chuyện nhà bà Thanh, có một cậu con trai duy nhất nên kể cả khi con lấy vợ rồi bà vẫn chăm như hồi nhỏ. Sáng nào bà cũng sang nhà vợ chồng anh, mang món đồ ăn sáng hợp khẩu vị. Con dâu đi làm sớm nên thế giới buổi sáng hoàn toàn là của mẹ chồng. Bà cũng tranh thủ đảo qua chợ, mang đến nhà con trai một vài món thức ăn tự tay làm. Hân hoan là đã chăm sóc con trai con dâu chu đáo, một ngày kia bà giận điếng người khi biết bao nhiêu công chăm chút của bà bị cô con dâu trút thẳng vào sọt rác. Đấy là một vài lần vô tình hỏi han cháu nội bà mới biết điều đó. Cô con dâu bề ngoài vẫn lễ độ, chưa bao giờ tỏ ý than phiền vì những món thực phẩm mẹ chồng mang đến.
Bà Thanh không bao giờ được biết con dâu ngấm ngầm bực dọc. Cô nghĩ mẹ chồng không tin tưởng vào khả năng chăm sóc chồng con của cô, rằng bà can thiệp quá thường xuyên vào gia đình nhỏ của cô là điều thiếu tế nhị.

Không hiểu sẽ chẳng thương
Ở cả hai câu chuyện trên, người ngoài thì có thể dễ dàng thấy sao mà trên đời lại có những người cứ ôm hoài những bực dọc trong lòng làm chi cho khổ vậy. Nhưng người trong cuộc nhiều khi không can ngăn được chính mình. Mối quan hệ với nhà chồng - nhà vợ trong mỗi gia đình luôn được tính là mối quan hệ nhạy cảm.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói: “Nếu chúng ta bình an, chúng ta hạnh phúc, chúng ta có thể mỉm cười và bừng nở như một bông hoa. Và mọi người trong gia đình, trong xã hội có thể hưởng niềm vui từ chính sự bình an của ta”. Bình an, hạnh phúc của mỗi cá nhân chỉ có được khi mọi mối quan hệ trong cuộc sống được hài hòa.
Nhưng làm thế nào để hài hòa, không dễ. Ở đây, mới bật ra vai trò của truyền thông nội bộ trong mỗi gia đình. Làm sao mỗi cá nhân trong cộng đồng gia đình nhỏ nói ra hết được những điều muốn nói, không ôm trong lòng những nỗi ấm ức. Những bực dọc tích tụ trong lòng khiến con người không bao giờ thấy nhẹ nhõm, nó giống hệt với cơ chế tích độc. Chỉ có một liệu trình thải độc thật khoa học mới mong tìm lại sự nhẹ nhõm trong tâm hồn.
Một lý thuyết rất cũ nhưng chưa bao giờ là dễ, nếu thực hành. Đó là khả năng thấu hiểu người khác. Cái vòng luẩn quẩn không chia sẻ - không thấu hiểu sẽ mãi ghìm nén con người ta trong những đối phó, ngờ vực lẫn nhau. Không hiểu được sẽ chẳng thương được. Triết lý cơ bản của thương yêu chỉ có thế.