Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyền thông sử dụng tiết kiệm năng lượng đóng vai trò quan trọng

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/8, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững”.

Chia sẻ tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi cho biết, năng lượng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Diễn đàn được tổ chức nhằm phát huy, nâng cao vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, góp phần cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách, luật pháp, chương trình, đề án quốc gia, cũng như những hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong toàn xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net Zezo vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.

Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); đặt mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Việc tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng vì vậy cũng có  một vai trò  cực  kỳ quan trọng. Theo tính toán của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Bộ Công Thương) thì tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam là rất lớn. Trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiềm năng tiết kiệm tại đây có thể đạt từ 20% đến 35%. Ngoài ra, các lĩnh vực dân dụng, giao thông vận tải, lĩnh vực xây dựng có thể đạt trên 30%...

Nghiên cứu về phát thải các bon thấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam có thể tránh được đầu tư mới tới 12.000MW công suất nguồn phát điện vào năm 2030 nếu thực hiện được toàn diện các giải pháp tiết kiệm năng lượng từ phía cầu sử dụng năng lượng.

Trao đổi tại diễn đàn, Trưởng Ban Thư ký Biên tập Đài tiếng nói Việt Nam Đồng Mạnh Hùng đề cập, mục tiêu lâu dài của việc tuyên truyền là làm sao để các chủ trương, chính sách về sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng được thực hiện và đi vào cuộc sống. Muốn vậy, truyền thông phải có những giải pháp cụ thể để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia tích cực của tất cả các khách hàng sử dụng điện trên phạm vi toàn quốc, làm sao để nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong cộng đồng, để “Tiết kiệm điện - thành thói quen” - như Thông điệp của Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2019-2030 được Bộ Công Thương đề ra.

Bổ sung thêm, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Thị Sự cho hay, hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền vẫn còn mang tính thời vụ. Để nâng cao hiệu quả, công tác truyền thông, thông tin về chủ đề này cần thường xuyên, liên tục, các cơ quan báo chí cần duy các chuyên mục, chuyên đề, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức thể hiện thông tin để công chúng dễ tiếp cận, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi trong các tầng lớp Nhân dân và trong toàn xã hội, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển năng lượng bền vững… Hơn nữa, đây cũng là lĩnh vực chuyên ngành đặc thù, cần có kiến thức chuyên môn, vì vậy Hội Nhà báo và các cơ quan chuyên ngành quan tâm việc tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phóng viên, biên tập viên làm nhiệm vụ thông tin tuyên truyền lĩnh vực này.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Đình Thắng. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Đình Thắng. Ảnh: Khắc Kiên

Dưới góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chương trình, UBND TP Hà Nội thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả TP Hà Nội. Trong đó, giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực.

Do đó, Sở luôn đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm xây dựng kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo quy định. Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại 33 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Kiểm tra việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại 05 cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp; Lồng ghép ý kiến hướng dẫn áp dụng các giải pháp, công nghệ, thiết bị vật liệu tiết kiệm năng lượng trong quá trình thẩm định, tham gia ý kiến thẩm định thiết kế xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình...

Kết quả năm 2022, thu hút trên 100 đơn vị tham gia trên địa bàn, công nhận 55 đơn vị đạt danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh, phát động cao điểm hè về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với nhiều chương trình, phong trào tiết kiệm điện, phát trên 4.500 lượt clip tuyên truyền; 220.000 tin nhắn với thông điệp “Thành phố Hà Nội chung tay tiết kiệm năng lượng, tắt thiết bị khi không sử dụng, ưu tiên sử dụng thiết bị dán nhãn năng lượng”. Tuyên truyền, vận động cộng đồng hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm 2022, 2023 trên địa bàn TP (năm 2022 tiết kiệm được 35.107kWh tương đương 11,36% của cả nước; 6 tháng đầu năm 2023 tiết kiệm được 34.278kWh tương đương 11,5% của cả nước)… “Năm 2023, TP Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,5% - 1,7% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu. Trong đó, 6 tháng đầu năm đạt tiết kiệm 59,5kTOE, đạt 42,6% so với kế hoạch” – vị này thông tin.