Có việc làm nhưng không đủ sống!
- Thất nghiệp của chúng ta nói chung là 2,3%, kể cả khu vực thành thị 3,2 – 3,3% theo chuẩn quốc tế là quá thấp. Ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp từ 5 – 7%, Italia 17 – 18%, Tây Ban Nha 20%. Điều đó cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam không cao, nhưng tôi quan tâm đến chất lượng việc làm. Chúng ta nhiều người có việc, nhưng thu nhập thấp, không đủ sống. Trong khi ở các nước, người ta đi làm là có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, con cái được học hành và họ không phải lo nghĩ đến làm thêm để ổn định cuộc sống.
Theo tôi, chất lượng việc làm liên quan đến nền kinh tế, trong đó có đầu tư vào khoa học công nghệ, cơ sở vật chất, mô hình tăng trưởng. Người lao động (NLĐ) có tay nghề cao thì được phân khúc làm những công việc đòi hỏi trình độ kỹ năng cao để có nhiều thu nhập. Hiện nay, nước mình đang có sự phân hóa thu nhập cực kỳ lớn. Lao động trình độ cao (CEO, chuyên gia tài chính – ngân hàng...) thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng. Song những người làm công việc giản đơn ở nơi có quan hệ lao động hay khu vực phi chính thức (bán hàng rong, xe ôm…) thu nhập lại rất thấp.
Vậy làm thế nào để từng bước nâng cao chất lượng việc làm, thưa ông?
- Chúng ta thay đổi chuyển dịch về cơ cấu kinh tế để có sự tăng trưởng và nâng cao chất lượng. Đây là điều đầu tiên, xuất phát từ chiến dịch đầu tư, phát triển các ngành nghề, lĩnh vực chúng ta có thế mạnh. Cũng như chiến lược thu hút vào các lĩnh vực khoa học công nghệ. Bây giờ chúng ta không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá. Nhà đầu tư ngoài nước muốn vào Việt Nam thì cần xem công nghệ của họ thế nào, có ảnh hưởng đến môi trường không. Nếu họ cứ sử dụng NLĐ là lao động phổ thông, nhiều người đổ xô vào làm việc không có cơ hội học nâng cao để tìm kiếm công việc có thu nhập tốt hơn. Thế rồi, vài ba năm NLĐ bị chủ sử dụng sa thải vì sức khỏe giảm, sẽ rất khó tìm được việc ở độ tuổi cao, không trình độ, kỹ năng. Vậy là lại bị rơi vào vòng luẩn quẩn của thất nghiệp, nghèo đói.
Quản lý bằng kiểm soát đầu ra
Chất lượng việc làm liên quan đến đào tạo. Trong khi cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng nhưng Bộ GD&ĐT tiếp tục trao cho học sinh nhiều cơ hội vào trường ĐH. Ông có lời khuyên gì đối với các thí sinh khi mùa tuyển sinh đang đến rất gần?
- Một điều rất quan trọng là học sinh cần chú ý trong lựa chọn ngành nghề và các cấp trình độ đào tạo để đăng ký. Mọi người không nên có tâm lý sính bằng cấp mà bỏ qua xem xét tình hình thực tế. Các em cần bám sát, nghiên cứu kỹ thông tin về diễn biến thị trường lao động và xu hướng tuyển dụng. Đặc biệt, lựa chọn ngành nghề phải đúng năng lực, sở trường, thay vì chạy theo bằng cấp. Đã có nhiều sinh viên tốt nghiệp không có việc làm vì đổ xô vào trường ĐH, mà chất lượng và năng lực không tương xứng với tấm bằng nhận được. Cho nên có nhiều trường hợp giấu bằng ĐH để xin đi làm công nhân, rất đau xót cho xã hội.
Đại diện Tổng cục Dạy nghề vừa có ý tưởng áp dụng “hạn ngạch” đào tạo ĐH. Đây có phải là giải pháp tối ưu để thu hút học sinh đi học nghề và chất lượng việc làm được cải thiện?
- Tôi không nghĩ là mình quay lại “hạn ngạch” bởi như thế lại là cơ chế xin – cho và quản lý theo kiểu bao cấp. Trên thế giới người ta không làm như thế mà quan trọng là quản lý chặt đầu ra. Các trường ĐH được giao quyền tự chủ, họ biết được năng lực của mình đến đâu và có thể đào tạo được cái gì. Tất nhiên, họ không thể đào tạo với số lượng vượt mức cho phép. Các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý chặt đầu ra, không thể cứ ai vào được ĐH là có bằng tốt nghiệp. Người học ĐH phải đạt ngưỡng mặt bằng nhất định thì mới được cấp bằng.
Nếu chúng ta quản lý chặt đầu ra, tự khắc xã hội sẽ điều chỉnh và những người có ý muốn theo học ĐH sẽ chuyển sang trình độ khác. Còn những trường đào tạo không chất lượng sẽ khó thu hút được người vào học. “Hạn ngạch” không giải quyết được vấn đề, mà kiểm soát đầu ra để sàng lọc, kích thích tuyển được học sinh giỏi vào học ĐH, chất lượng đào tạo nâng cao thì mới đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Xin cảm ơn ông!