Nhân dịp đầu Xuân mới Nhâm Dần, Kinh tế & Đô thị đã có dịp trò chuyện với TS.KTS Hoàng Hữu Phê xung quanh đề tài này.
Cơ duyên nào đã khiến ông chọn đề tài luận văn tốt nghiệp MSc về phố cổ Hà Nội cùng GS Yukio Nishimnra tại AIT (Bangkok)?
- Tôi cùng gia đình ra Hà Nội trong một chuyến đi đầy bất trắc, gần như không có thời gian chuẩn bị và không có gì ngạc nhiên là đã rơi vào một cơn sốc về mặt văn hóa cũng như lối sống. Hà Nội đối với tôi, cho đến trước khi đi học Liên Xô, vẫn cứ còn là một câu hỏi lớn và mong muốn tìm câu trả lời đã khiến tôi chớp ngay cơ hội nghiên cứu nó, khi đã được trang bị khá ổn về phương pháp luận tiếp thu từ chương trình thạc sĩ ở AIT.
Vào cuối những năm 1980, Nhật Bản có lẽ ở vào đỉnh điểm sức mạnh kinh tế của họ, thậm chí đã gây cảm giác bất an cho người Mỹ. Tôn tạo đô thị trở thành một lĩnh vực gây chú ý lớn ở Nhật, có lẽ vì nó là một phân nhánh trong trào lưu chung đi tìm một phần lời giải trong quá khứ cho các thành tựu vô tiền khoáng hậu ở một đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng có sức chống chịu cao và năng lực phát triển mạnh mẽ không ngờ.
Thêm vào đó là một vài điểm tương đồng của văn hóa vùng Đông Á (còn gọi là vùng văn hóa dùng đũa) khiến cho việc nghiên cứu đô thị truyền thống ở Việt Nam, cụ thể là tìm hiểu và phân tích kỹ các điểm độc đáo của khu 36 phố phường Hà Nội, trở nên một đề tài hấp dẫn đối với thầy hướng dẫn của tôi, GS Yukio Nishimura - Chủ nhiệm Khoa Đô thị, Đại học Tổng hợp Tokyo (Urban Engineering Department, University of Tokyo), cũng như đối với tôi. Gọi là cơ duyên khi hai mối quan tâm tình cờ gặp nhau, có lẽ là chính xác, như cách nhà văn hóa Hữu Ngọc một lần nói với tôi.
Thưa ông, các ý tưởng đầu tiên về lý thuyết Vị thế - Chất lượng ra đời thế nào?
- Ý tưởng đầu tiên về lý thuyết Vị thế - Chất lượng ra đời từ sự thất vọng của tôi đối với lý thuyết đô thị dòng chính theo mô hình địa tô cạnh tranh (bid - rent model). Đó là một cách lập luận dựa trên bản năng kiếm lợi trần trụi của cư dân đô thị như một con người kinh tế (homo economicus), mà bỏ qua các khía cạnh kinh tế - xã hội khác, khi tôi tìm cách phân tích các kết quả của một cuộc khảo sát về nhà ở tại khu 36 phố phường Hà Nội.
Lý thuyết Vị thế - Chất lượng do tôi và GS Patrick Wakely đề xuất thuyết phục được giới học thuật quốc tế rộng rãi, về mặt bản chất là sự lý giải các mối tương tác tạo ra giá trị trong cuộc sống của các đô thị; giữa các nhóm thành tố vật thể và phi vật thể. Các công cụ thống kê có sử dụng máy tính điện tử đã giúp chúng tôi chứng minh những luận thuyết của mình trong các khuôn khổ thời gian và độ chính xác mà các lý thuyết trước đây chỉ đơn giản là không thể đạt đến.
Lý thuyết Vị thế - Chất lượng đã được ứng dụng vào các khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính và các khu nhà cao tầng mới của Hà Nội như thế nào, thưa ông?
- Lý thuyết Vị thế - Chất lượng nói rằng giá trị bất động sản tạo bởi hai nhóm thành tố, vật thể và phi vật thể, trong đó nhóm thành tố vật thể thường có quán tính cao, thay đổi chậm. Trái lại nhóm thành tố phi vật thể, liên quan đến mong muốn, thị hiếu và vị thế xã hội, thường thay đổi nhanh hơn và có thể được chủ động biến đổi dựa trên hiểu biết sâu sắc về tâm tư nguyện vọng của dân cư. Lao động sáng tạo của mỗi kiến trúc sư, nhà quy hoạch chủ yếu và về thực chất, là cố gắng làm tăng tỷ trọng của các giá trị phi vật thể trong tổng giá trị của công trình.
Tại Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, lý thuyết Vị thế - Chất lượng được áp dụng dựa trên sự nhấn mạnh các yếu tố phi vật thể, bằng cách đón bắt xu thế cuộc sống đô thị hiện đại, trong đó yếu tố tiếp xúc mặt - đối - mặt (face - to - face contact) được cho là có khả năng dẫn đến sự thăng hoa các tiềm năng sáng tạo của giới trẻ mà trong nghiên cứu đô thị thời đó được gọi là Yuppies (Young Urban Professionals) - những người trẻ, chuyên môn cao và hứa hẹn có thu nhập cao.
Cả một phong cách sống mới ở Hà Nội - phong cách sống cao tầng - có thể nói đã được bắt đầu rất sớm, hai mươi năm trước, tại Trung Hòa Nhân Chính. Tuy giá trị vật thể của khu vực này khá khiêm tốn (giá bán chính thức năm 2001 chỉ 5 triệu đồng/m2) nhưng rất nhiều gia đình trẻ muốn vào ở khu vực này. Và Trung Hòa Nhân Chính đã nhanh chóng trở thành một thứ gì đó như là một phần của hệ quy chiếu về nhà ở, đặc biệt đối với lớp trẻ ở Hà Nội.
Có thể nói, tại Trung Hòa - Nhân Chính, việc ứng dụng lý thuyết Vị thế - Chất lượng đã đi những bước chập chững đầu tiên trong việc chứng minh và hiện thực hóa các luận điểm của mình. Các luận điểm này sau đó đã được tôi áp dụng thành công ở các dự án quy hoạch lớn khác như Khu đô thị Du lịch Cái Giá - Cát Bà, Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora), Khu đô thị Thảo Điền...
Xin cảm ơn ông!
TS.KTS Hoàng Hữu Phê sinh năm 1954 tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), từng theo học Đại học Xây dựng Kiev (Liên Xô cũ). Trở về nước, ông tham gia thiết kế nhiều công trình xây dựng quan trọng như: Rạp xiếc T.Ư, Đại học Cần Thơ…
Năm 1987, ông học khóa thạc sĩ về chuyên ngành Quy hoạch Dân cư ở Bangkok (Thái Lan). Năm 1998 tốt nghiệp tiến sĩ tại trường Đại học Tổng hợp London (UCL – Anh quốc) . Thời gian này ông cùng GS Patrick Wakely đưa ra lý thuyết Vị thế - Chất lượng (SQTO) sau đó được tặng giải thưởng kỷ niệm Donald Robertson 2000 của tạp chí quốc tế hàng đầu Urban Studies.