Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TS Lê Đăng Doanh: Thúc đẩy đầu tư công, tạo động lực cho cả nền kinh tế chuyển động

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ đã sử dụng gói hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ để giúp DN, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid - 19.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư, cho rằng: Những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải được thực hiện nghiêm túc, tạo thuận lợi cho người dân, DN từ đó vực dậy nền kinh tế.
Triển khai những gói hỗ trợ đúng địa chỉ
Chính phủ đã sử dụng các gói hỗ trợ để giúp DN, người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid - 19 gây ra. Theo ông, những biện pháp này đã đủ để hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay?
- Trong một thời gian rất ngắn Chính phủ đã có phản ứng kịp thời đưa ra 3 gói về tiền tệ là giãn, hoãn và giảm lãi suất, 1 gói ngân sách tài khóa hỗ trợ giãn thuế và 1 gói cứu trợ hỗ trợ cho DN và người yếu thế. Tôi rất hoan nghênh tinh thần và sự tích cực của Chính phủ. Vấn đề bây giờ là triển khai và đúng nơi mà chúng ta định giúp, tránh tiền lại chảy vào chỗ trũng, chỗ thân quen, rồi tiền chảy vào chỗ không đúng yêu cầu.
Tôi nghĩ việc này các hiệp hội nên tích cực vào cuộc hỗ trợ sao cho các gói đó thực hiện được đúng. Ngoài ra, với các chính sách khác như miễn giảm tiền thuê đất, phí, lệ phí và các sắc thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… cũng nên triển khai đồng bộ, đúng thủ tục pháp lý nhưng phải nhanh gọn, linh hoạt để khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn xã hội.
 TS. Lê Đăng Doanh
Bây giờ đại dịch đang diễn biến phức tạp chưa biết kết thúc lúc nào nên chúng ta phải xem tình hình diễn biến thế nào để đề nghị Chính phủ có bước tiếp theo. Tôi nghĩ chúng ta sẽ xem xét trong thời gian tới đây.
Một số DN muốn được giảm thuế hoặc như gói tiền tệ vay mới thì DN đang khó khăn không thể mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo ông ngành thuế hoặc ngân hàng có biện pháp nào tốt hơn không?
- Tôi đề nghị trong tình hình hiện nay nên giảm thuế với các DN và ngành điện cũng có sáng kiến cắt giảm chi phí về điện. Tôi nghĩ những nỗ lực đó đáng hoan nghênh. Còn các giải pháp hỗ trợ DN tiếp theo, DN nên bàn bạc với các hiệp hội để từ đó họ kiến nghị, bàn bạc, thảo luận với các bộ, ngành từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý.
Việc kiến nghị này hoàn toàn có thể tổ chức lấy ý kiến qua mạng hoặc qua các cơ quan báo chí. Tôi rất mong các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục vào cuộc và ủng hộ giúp đỡ các DN. Vì DN không hoạt động thì người lao động không có việc làm và không sản xuất và như vậy cũng không có thuế mà thu, đây là điều cần phải tránh.
Khi đưa ra những gói hỗ trợ này, bên cạnh các mặt tích cực còn những ý kiến cho rằng cần tránh những tác động phụ. Cần nhìn vào gói kích cầu năm 2009 của Việt Nam sau khi thế giới xảy ra khủng hoảng tài chính để rút kinh nghiệm?
- Dĩ nhiên, tác động phụ là ngân sách khó khăn, nếu chi như vậy sẽ làm tăng thêm bội chi ngân sách và tăng thêm nợ công. Ngay cả Mỹ đang phải đối mặt với các vấn đề tương tự như thế. Theo tôi, Bộ Tài chính nên có ngay các phương án giúp cho ngân sách có thể đồng thời thực hiện cả 3 nhiệm vụ thu - chi - hỗ trợ mà vẫn đảm bảo sự ổn định, bền vững, điều hành phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh. Ngân hàng phải kiểm soát nợ xấu…
Năm 2009, chúng ta đã từng có gói kích thích kinh tế 18.000 tỷ đồng, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện gói kích thích kinh tế này cũng đã để lại nhiều bài học và buộc chúng ta phải cẩn trọng trong giai đoạn hiện nay, trong đó, 2 rủi ro lớn nhất là trục lợi chính sách và lạm phát. Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam 5 - 7 năm sau mới khắc phục được.

Với chúng ta điều quan trọng nhất là công khai minh bạch, tránh việc như vừa qua Hải quan muốn xuất khẩu 400.000 tấn gạo khởi động vào lúc 0 giờ không báo trước.
Chỉ một số DN biết, còn những DN ở đồng bằng sông Cửu Long không nắm được thông tin. Tôi nghĩ những việc như vậy rất nên công khai minh bạch. Nên có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ để bảo vệ đúng đắn quyền lợi của DN và thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tức là khôi phục giúp đỡ DN chứ không phải những quyết định mà các DN nghi ngờ có lợi ích nhóm.
Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty cũng kiến nghị Chính phủ cho hỗ trợ. Ông đánh giá thế nào về việc này? Có nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung hỗ trợ cho các DNNVV hiện chiếm đến 90 số DN ở Việt Nam. Ông có đánh giá thế nào về vấn này?
- Những Tập đoàn, Tổng công ty có vị trí rất quan trọng. Ví dụ như Hàng không Việt Nam, nhờ có họ bây giờ chúng ta mới đưa được những người mắc kẹt và cả sinh viên ở châu Âu, Mỹ... về nước. Đấy là những điều mà tôi nghĩ rằng chúng ta không nên phủ nhận. Như vậy, điều quan trọng là những tập đoàn nhà nước cần nâng cao hiệu quả.
Những khoản mà tiêu bù lỗ rất lớn, nên nhân có việc này cần có cải cách mạnh mẽ, nâng cao tính công khai minh bạch vai trò của chủ sở hữu, chủ tiền vốn ở Hội đồng quản trị của các DN và đặc biệt là nên cổ phần hóa càng sớm càng tốt.
Thúc đẩy đầu tư công
Để đối phó với dịch Covid -19, Chính phủ đã nỗ lực hết sức, nhưng cũng chưa lường trước được dịch như thế nào. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này cần tiếp tục làm những gì trong khi Chính phủ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng?
- Tôi nghĩ rằng chỉ tiêu tăng trưởng không thể duy trì được và tất cả các dự báo đều thấy tăng trưởng cùng lắm 2 - 3%, đó là rất tích cực rồi khi mà nhiều nền kinh tế trên thế giới và khu vực giảm và còn nhiều khó khăn. Tôi nghĩ nên có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế, còn việc thúc đẩy đầu tư công cứ nên làm. Nhưng không nên nghĩ rằng việc thực hiện đầu tư công có thể bù đắp được cả việc thực hiện đầy đủ chỉ tiêu kế hoạch. Ví dụ như ngành du lịch bây giờ làm thế nào đủ khách để đạt chỉ tiêu kế hoạch, rất khó. Nên tôi nghĩ rằng cố gắng nỗ lực rất hoan nghênh chứ không nên duy ý chí và cũng không nên xa rời thực tế.
Nói về đầu tư công, Chính phủ đang đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này, ông muốn lưu ý điều gì?
- Việc thúc đẩy đầu tư công cần phải được thực hiện quyết liệt mới có thể tạo động lực cho cả nền kinh tế chuyển động. Ðây là thời điểm “vàng” cho đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia. Sở dĩ nói đây là thời điểm “vàng” cho triển khai các dự án bởi nguồn vốn đầu tư công hiện đã sẵn sàng giải ngân và rất dồi dào, lên tới 30 tỷ USD.
Chúng ta cần tranh thủ tối đa bối cảnh này để đẩy nhanh các tiến độ triển khai, cải tạo, nâng cấp các công trình, dự án trọng điểm Quốc gia, để vừa hấp thụ nhanh lượng vốn đầu tư công lớn, vừa xây dựng được hệ thống hạ tầng chất lượng, phục vụ thiết thực cho phục hồi tăng trưởng kinh tế khi dịch qua đi.
Chính phủ rất quyết liệt trong việc ban hành các chính sách, tìm ra phương thức giải cứu người dân, hỗ trợ DN. Còn với các bộ ngành, địa phương ông thấy thế nào? Bản thân DN cần làm gì thưa ông?
- Các bộ ngành, địa phương sẽ phải tích cực tham gia thực hiện. Như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đang rất quyết liệt có nhiều sáng kiến để có thêm sự hỗ trợ cho DN, những việc như vậy nên tích cực phát huy. Mỗi địa phương có hoàn cảnh, địa phương khác nhau, ví như nhiều tỉnh họ không có dịch Covid - 19, vậy để cho họ hoạt động bình thường mặc dù sẽ tiếp tục có trạm kiểm soát, đo thân nhiệt… nhưng DN của họ cứ để cho họ hoạt động bình thường, không nên cấm quá mức, hoặc áp đặt quy định giống nhau mà để các địa phương có quy định phù hợp với thực tế.
Trong bối cảnh này phải có sự năng động sáng tạo trong việc thay đổi, chuyển đổi nguồn cung thị trường, chu trình sản xuất, cách thức sản xuất… Theo đó, những trường hợp nào có thể làm việc được từ xa, sử dụng công nghệ…, các DN phải đầu tư để tiếp cận và thay đổi, tiếp cận thị trường để đáp ứng.
Ngoài việc các DN chủ động tìm được những cơ hội cho mình trong bối cảnh này, cùng với đó, Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN…; triển khai mạnh mẽ nhóm hỗ trợ cho các DN, các ngành nghề chịu thiệt hại trực tiếp bởi dịch Covid -19 nhằm giúp DN đủ sức chống chịu vượt qua thời kỳ khó khăn này.
Xin cảm ơn ông!

"Ngoài việc các DN chủ động tìm được những cơ hội cho mình trong bối cảnh này, cùng với đó, Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN…; triển khai mạnh mẽ nhóm hỗ trợ cho các DN, các ngành nghề chịu thiệt hại trực tiếp bởi dịch Covid -19 nhằm giúp DN đủ sức chống chịu vượt qua thời kỳ khó khăn này" - TS Lê Đăng Doanh.