Tiến sĩ Toán học Lê Thống Nhất nguyên là giáo viên của Trường Đại học sư phạm Vinh. Ông đặc biệt gần gũi với các thế hệ học sinh, sinh viên qua những giờ giảng hấp dẫn, là người sáng lập các sản phẩm giáo dục được yêu thích: Tạp chí Toán tuổi thơ, Olympic Toán trên Internet (Violympic), Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE), BigSchool.
Ông thầy Toán viết nhạc
Ông là người con Thành Nam đa đài, ngoài là thầy dạy Toán… ông còn được biết đến như một người thầy tài hoa thông qua các tác phẩm thơ, kịch và các ca khúc được viết bằng cảm xúc từ tâm hồn nhà giáo. Ông đến với sáng tác âm nhạc một cách tình cờ khi cô giáo mầm non dạy lớp cô bé Ngọc Mai tưởng rằng là tiến sĩ thì ông giáo dạy toán có thể làm được mọi thứ, trong đó có việc sáng tác ca khúc cho trường. Đến giờ thì ca sĩ Mai Tròn không theo con đường ca hát chuyên nghiệp nhưng ông TS Toán ấy đã trở thành một nhạc sĩ có tên tuổi được nhiều bạn trẻ biết đến.
Gần đây, chính xác là từ 6/2/2020 đến nay, các sáng tác mới nhất của ông đều có chung đề tài chống dịch Covid-19. Ông luôn trăn trở với thời cuộc, với những gì đang xẩy ra xung quanh, những nổi niềm vất vả của người dân khi tên sát thủ Covid-19 xuất hiện. Mỗi ca khúc đều được viết từ cảm xúc của tác giả với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình tham gia "chống dịch như chống giặc".
11 bài hát "bài ca ra trận"
Đến giờ ông đã có 11 ca khúc viết về đề tài Covid-19, các nốt nhạc đều cố gắng ghi lại dấu ấn của những ngày Việt Nam gồng mình chống dịch. Nếu như ca khúc đầu tiên "Đánh giặc Corona" là những thông điệp chống dịch của Chính phủ được chuyển tải sang thể thức ca khúc thì “Câu hát Việt Nam" khơi dậy truyền thống vượt khó của dân tộc. Tác giả muốn cả cộng đồng chia sẻ những khó khăn, vất vả và nguy hiểm, đoàn kết đồng lòng chung sức vượt qua thử thách. Ca khúc ra đời trong giai đoạn khó khăn này cũng muốn truyền cảm tới mỗi người với mong muốn chúng ta cùng tạo nên sức mạnh để chiến thắng đại dịch, nối liền quá khứ với hiện tại.
Các sáng tác của TS Lê Thống Nhất đều bám sát vào công cuộc chống dịch của đất nước, các diễn biến mà báo, đài thường xuyên đăng tải. Khi sát thủ Covid-19 có mặt ở Bắc Giang, Bắc Ninh ông có ca khúc thứ 9 "Người quan họ nào quên" hoá thân vào người miền quan họ tri ân chiến sĩ, đồng bào cả nước đến với tuyến đầu quê hương quan họ. Những hình ảnh các vùng quê lao vào cuộc chiến cam go đã thôi thúc nhà toán học ấy lao đến cây đàn và sáng tác, đôi khi nốt nhạc chính là những giai điệu hối hả của cuộc sống ngoài kia.
"Covid ắt diệt vong" - ca khúc thứ 10 không chỉ nhắc tới 5K mà nội dung ca khúc còn nhấn mạnh tới chiến dịch lập Quỹ Vaccine, tiêm Vaccine để chúng ta có được miễn dịch cộng đồng. Với sự thể hiện của các chiến sĩ Đoàn Văn công Quân khu 4 và hoà âm của nhạc sĩ Nguyễn Hải đã tiếp thêm sức mạnh tới tất cả cộng đồn với những thông điệp quan trọng của trận đánh cuối cùng và tin rằng Việt Nam sẽ chiến thắng Covid-19.
Lời bài hát “Không tập trung đông người, khẩu trang vẫn nhớ đừng lơi. Khoảng cách giữ không rời. Khử khuẩn, khai báo kịp thời, cùng bước vào trận cuối. Không chỉ thế mà thôi. Lập quỹ vắc xin, toàn dân lập chiến công. Miễn dịch cộng đồng, COVID ắt diệt vong” dễ thuộc, dễ nhớ, có tác dụng cỗ vũ cho đội ngũ y, bác sĩ và những chiĩ sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Ca khúc "Covid ắt diệt vong" đã được giới thiệu trên VTC9 trong Bản tin "Cà phê ngày mới" và lập tức có được tiếng vang.
Từ tháng 2 năm 2020 đến nay, TS Toán học Lê Thống Nhất đã có 11 ca khúc viết về đề tài chống Covid-19, trở thành một hiện tượng âm nhạc. Ảnh An Thanh |
“Việt Nam ơi! Tiếng gọi thiêng liêng” là ca khúc thứ 11 của TS Lê Thống Nhất cho thấy sức sáng tạo trong ông về đề tài này không có điểm dừng. Cũng như trong sáng tác “Câu hát Việt Nam" trong nhạc phẩm này không hề nói một từ nào về dịch bệnh mà đơn thuần chỉ là lời trái tim nhưng người nghe vẫn hiểu ông đang nói với những người đang ngày đêm vất vả chống dịch.
"Tôi cất lên từ trái tim mình" là tiếng lòng của ông và triệu triệu người dân Việt Nam bày tỏ niềm tin vào chiến thắng, chia sẻ những khó khăn mà đất Mẹ Việt Nam đang phải gồng mình chiến đấu với Covid-19, khi những ca lây bệnh ngày một tăng.
Tôi nghe từ trái tim mình
Trả lời buổi phỏng vấn độc quyền của báo Kinh tế và Đô thị,TS Lê Thống Nhất cho biết: Tôi thai nghén bài hát này khoảng 15 ngày và hoàn thành vào những ngày TP.HCM có số ca nhiễm tăng cao.Tôi bật ra tứ "Tôi nghe từ trái tim mình" những tiếng gọi đó từ mọi nơi, "từ những miền quê nơi xa xôi" "tới những phương trời xa xứ", từ "biên cương còn đang giông tố" tới "nơi những người thương cháy đỏ chờ mong" và cả từ "mái trường vừa mới xây xong". Đoạn điệp khúc, tôi nhắc tới những điều ấn tượng nhất của tôi về Tổ quốc Việt Nam với giai điệu hào sảng đầy tự hào nhưng cũng rất tình cảm với sự lặp lại nhiều lần tiếng gọi "Việt Nam ơi! Tổ quốc của tôi".
Trong những ngày này, cả đất nước đang bước vào thời kỳ căng thẳng của cuộc chiến chống Covid-19. Nhớ lại lời Bác Hồ nói với đồng bào trong ngày toàn quốc khánh chiến 1946 “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm”, với TS Lê Thống Nhất những nhạc phẩm của ông bằng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau đã cỗ vũ cả nước thêm tự tin chống dịch.