TS Lương Bạch Vân Nửa thế kỷ miệt mài cống hiến
Kinhtedothi - Là một trong 50 cá nhân tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh có tên trong danh sách bình chọn dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực sự niềm vinh dự đối với TS Lương Bạch Vân sau những tháng năm cống hiến cho ngành vật liệu nhựa và công tác kết nối kiều bào. Đây là sự ghi nhận đóng góp không mệt mỏi cho đất nước sau gần 50 năm kể từ ngày bà cùng gia đình trở về từ Paris (Pháp).
Tinh thần yêu nước hun đúc từ phong trào sinh viên
Gặp TS Lương Bạch Vân vào ngày giữa tháng 4 trong không khí cả nước náo nức chuẩn bị cho lễ Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà bồi hồi kể lại hành trình ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của Nhân dân Việt Nam và hành trình trở về theo “tiếng gọi của trái tim”.

Bà Lương Bạch Vân trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Việt Hùng
Sinh ra tại Sài Gòn, từ nhỏ bà đã ý thức rất rõ Việt Nam là quê hương - nơi cha từng là biệt động thành. Năm 1960, 14 tuổi bà sang Pháp đoàn tụ với mẹ và các em, bà nhất định không chịu làm thủ tục nhập tịch với lý do: “Con sang đây là để học, học xong con sẽ trở về nên con muốn giữ quốc tịch Việt Nam”.
Năm 1965, bà bắt đầu tham gia Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tại Pháp và tìm hiểu về tình hình Việt Nam, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc. Bước ngoạt làm thay đổi nhận thức của bà về cuộc chiến Mỹ gây ra ở Việt Nam là khi bà nghe GS Nguyễn Trọng Anh nói trước hội trường: “Tôi quý người Mỹ về học thuật, nhưng tôi phản đối Chính phủ Mỹ đang ném bom ở đất nước tôi”. Ngay sau đó, theo lời đề nghị của lớp trưởng, bà đã đứng trước hàng trăm người nói rành mạch về tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến mà Nhân dân Việt Nam đang thực hiện, đề nghị các bạn sinh viên ủng hộ việc đòi Mỹ ngưng ném bom tại Việt Nam, rút quân về nước…
Với suy nghĩ phải về cống hiến cho Tổ quốc, bà cùng chồng và các sinh viên Việt Nam yêu nước phát động phong trào viết tâm thư bày tỏ nguyện vọng được về nước, tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc gửi tới đại diện nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH) ở Pháp. Phản hồi lại là lời đề nghị cố gắng học tập vì rất cần cho việc tái thiết, xây dựng đất nước sau chiến tranh. Đặc biệt, khi phái đoàn của Chính phủ VNDCCH và phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sang tham dự hội nghị Paris, bà đã cùng sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức nhiều cuộc mít tinh, tuần hành để ủng hộ và động viên tinh thần.
Hành trình gần 50 năm cống hiến cho đất nước
Đất nước giải phóng, mong muốn về nước ngày càng cháy bỏng, nhưng do 3 con còn nhỏ nên đến năm 1978 gia đình bà mới có thể trở về Việt Nam, dù đang có công việc ổn định tại Pháp (chồng bà là giảng viên đại học, còn bà công tác tại Trung tâm năng lượng nguyên tử Saclay). Thời gian đầu, bà công tác tại Viện Kỹ thuật quân sự Hà Nội, đến năm 1983, bà chuyển công tác sang Sở Công nghiệp TP Hồ Chí Minh.

Bà Bạch Vân (thứ ba từ phải qua) cùng các chuyên gia nước ngoài tại Hội nghị giới thiệu công nghệ composite năm 1990. Ảnh: nhân vật cung cấp
Trong một lần nói chuyện với Bác sĩ Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Sở Y tế, bà bày tỏ ý định được làm vòng tránh thai cho phụ nữ. Chính bà cũng không ngờ, chỉ vài ngày sau khi gửi thư cho Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt lúc đó (theo lời khuyên của bác sĩ Nguyễn Quang Trung), bà nhận được một mẩu giấy đánh máy với dòng chữ: “Đề nghị các sở, ngành tạo điều kiện cho đồng chí Lương Bạch Vân thực hiện chương trình hạn chế dân số của TP. Ký tên Võ Văn Kiệt”. Vậy là bà phối hợp với Viện Pasteur, Viện Hạt nhân, Bệnh viện Từ Dũ làm các thí nghiệm trong điều kiện nguồn nguyên liệu đạt chuẩn để làm vòng tránh thai khá khan hiếm. Sau nhiều nỗ lực, 5 triệu chiếc vòng tránh thai đầu tiên đã ra đời, khiến đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc hết sức ngạc nhiên khi sang kiểm tra.
Từ thành công ban đầu này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là ông Mai Chí Thọ đã đặt hàng bà và cộng sự nghiên cứu sản xuất các sản phẩm composite phục vụ đời sống như: xuồng, ghe ba lá, ghe tam bản, bồn chứa nước. Đặc biệt, bà còn nghiên cứu làm ra nhang muỗi tiết chậm góp phần cứu sống nhiều chiến sĩ trong chiến tranh biên giới Tây Nam, hạn chế nhiều bệnh sốt rét tại các tỉnh, thành cả nước. Bà lặn lội đến vùng đồng bằng sông Cửu Long giúp nông dân làm màng địa chất nuôi tôm, lên Tây Bắc nghiên cứu làm túi chứa nước cho bà con vùng cao, rồi làm máy ươm tơ tại Lâm Đồng… Đồng thời, bà tích cực kết nối, hợp tác với nhiều nhà khoa học và tổ chức quốc tế nhằm đưa công nghệ mới của ngành nhựa về Việt Nam.
Về nghỉ hưu năm 2001 không bao lâu, bà lại được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh mời về làm, nhằm mở rộng công tác đối ngoại Nhân dân và vận động kiều bào. Bà quan niệm khi đất nước cần, còn cống hiến được, nên bà đã nhận lời tham gia. Năm 2003, bà đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch chuyên trách công tác đối ngoại Nhân dân và kiều bào. Với suy nghĩ, làm sao để huy động nguồn lực trí thức, doanh nhân kiều bào, bà đã đề xuất Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh thành lập các ban liên lạc kiều bào tại 24 quận, huyện để tiếp xúc, hỗ trợ khi kiều bào về nước thăm quê hương và gia đình. Tháng 9/2006, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh được thành lập bà được giao trọng trách là Chủ tịch Hội…
Nhìn lại gần 50 năm về nước sinh sống và làm việc, bà Vân quả quyết, sự lựa chọn của bà cho hành trình này là đúng và xứng đáng.

Trường học Hà Nội rực rỡ cờ đỏ sao vàng mừng 50 năm thống nhất đất nước
Kinhtedothi – Hòa cùng không khí náo nức của cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), những ngày này, các trường học Hà Nội sáng bừng bởi cờ đỏ sao vàng rực rỡ cùng những gương mặt thầy trò lấp lánh niềm vui.

Công nhân Bình Dương lập thành tích lao động sản xuất giỏi hướng về 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Kinhtedothi - Trước Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Công đoàn Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị tuyên dương các tập thể, cá nhân đạt danh hiệu “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” giai đoạn 2020-2025. Những ngày này, không khí chào đón Lễ kỷ niệm cấp quốc gia đang lan tỏa khắp các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn.

Nghệ An: nhiều hoạt động tri ân nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Kinhtedothi - Hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ngày này tại Nghệ An diễn ra nhiều chương trình, hoạt động tri ân, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn".