“Chúng ta vẫn thường nói sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng tổng cầu vẫn ở mức thấp thì làm sao doanh nghiệp hết khó được? Trong trường hợp này, muốn thay đổi tổng cầu, phải thúc đẩy đầu tư công, nhưng đây là vấn đề khó bởi quá trình thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công còn nhiều khó khăn. Báo chí cùng doanh nghiệp thúc đẩy điều này” - ông Dũng nói.
Về giải pháp thay đổi nguồn cung, chẳng hạn như ngành du lịch, có thể kích cầu bằng du lịch trong nước, thay vì các gia đình đi du lịch nước ngoài. Với lĩnh vực giáo dục cũng vậy, cha mẹ Việt có thể cho con đi học trong nước, thay vì cho con đi học nước ngoài…
“Trong tình huống này, bên cạnh việc thể hiện vai trò kết nối, báo chí có thể tác động đến việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, và có thể giúp Chính phủ nhận biết vấn đề rồi tác động đến ưu tiên của Chính phủ là điều vô cùng quan trọng” - ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng tại diễn đàn, nhiều lãnh đạo, nhà quản lý trong lĩnh vực báo chí cho rằng, để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ quan báo chí cần tăng cường tuyên truyền vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để người dân ưu tiên dùng hàng nội, thay vì dùng hàng ngoại.